Theo các quan chức, việc FBI khám xét tư dinh của ông Trump ở Mar-a-Lago là nhằm thu hồi các tài liệu mật – ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc điều tra nhiều tháng qua.
Nhà chức trách Mỹ đang thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình điều tra của Bộ Tư pháp liên quan đến các tài liệu thu giữ được ở tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng trời và chịu tác động từ một vài yếu tố, theo Wall Street Journal.
Theo nhiều nguồn tin, các yếu tố này có thể là việc các điều tra viên đã tìm thấy gì trong các tài liệu bị thu giữ, tại sao Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lại đến Mar-a-Lago, ai là người tiếp cận các hồ sơ khi chúng được lưu trữ tại khu nghỉ dưỡng.
Đồng thời, các hành động của ông Trump và các luật sư của ông trong quá trình đàm phán với Bộ Tư pháp hồi đầu năm nay cũng là yếu tố sẽ có tác động tới quá trình điều tra.
Khoan hãy kết luận
Trong lúc Bộ Tư pháp còn đang điều tra, những tình tiết trong vụ khám xét chưa từng có tiền lệ hôm 8/8 vẫn là đề tài bàn luận ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
“Người dân Mỹ đang bàn tán mà không có đủ thông tin”, Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson trả lời CNN hôm 14/8. “Tôi nghĩ tất cả chúng ta nên hít thở sâu và chờ đợi sự thật”, ông nói.
Hai thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ phụ trách giám sát hồ sơ tổng thống và thông tin tình báo đang yêu cầu mở cuộc điều tra mới. Cuộc điều tra này sẽ đánh giá thiệt hại, nếu có, trong thời gian thông tin mật được lưu trữ tại Mar-a-Lago, thay vì do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia quản lý.
Cuộc điều tra trên sẽ còn xem xét quy mô của hành vi sai phạm khiến thông tin bị rò rỉ, nếu có. Đồng thời, nó cũng sẽ xem xét câu hỏi việc thông tin bị rò rỉ đã có ảnh hưởng như thế nào tới an ninh quốc gia và các quan chức tình báo Mỹ.
Hạ nghị sĩ Brian Fitzpatrick, một cựu đặc vụ FBI và là công tố viên liên bang, đã cùng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa khác kêu gọi công khai bản tuyên thệ mà tòa án đã dựa vào đó để ra trát khám xét.
Bản tuyên thệ này có thể cho chúng ta biết về lộ trình cuộc điều tra, cũng như nói rõ FBI đã thu thập được những chứng cứ gì, bao gồm cả lời khai nhân chứng, để có cơ sở xin lệnh khám. Tài liệu này có thể bao gồm cả thông tin mà điều tra viên thu được nhờ camera giám sát ở Mar-a-Lago.
Ông Fitzpatrick cũng cho rằng các nhà lập pháp chưa nên đưa ra nhận xét về cuộc điều tra cho đến khi họ có thông tin thêm, trong bối cảnh một số đảng viên đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc khám xét của FBI.
“Tôi kêu gọi tất cả đồng nghiệp của tôi không vội xét đoán những gì chúng ta chưa biết”, ông Fitzpatrick nói trên đài CBS. “Tôi cũng kêu gọi tất cả đồng nghiệp của tôi hiểu được sức mạnh của lời nói và hỗ trợ việc thực thi pháp luật”.
FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm thứ 13/8 cũng gửi công văn cho các quan chức tiểu bang và địa phương, cảnh báo tình trạng gia tăng mối đe dọa bạo lực đối với các quan chức thực thi pháp luật sau cuộc khám xét tại Mar-a-Lago.
Theo Wall Street Journal, công văn này chủ yếu đề cập đến những lời đe dọa trên mạng xã hội và các diễn đàn mạng.
Trong công văn, cơ quan chức năng có nhắc đến lời đe dọa đặt bom trước trụ sở FBI. Các bài đăng còn kêu gọi “nội chiến” và “nổi dậy có vũ trang”.
Công văn cũng cho biết các quan chức có liên quan đến cuộc khám xét, như vị thẩm phán ký lệnh khám xét, cũng nhận được những lời đe dọa.
Giải mật tài liệu
Các luật sư của ông Trump lập luận rằng các tài liệu mà Bộ Tư pháp xem là tài liệu mật đã được vị cựu tổng thống giải mật. Tuy nhiên, những người làm việc cùng ông Trump không đưa ra được tài liệu để chứng minh khẳng định trên.
Một số luật sư về an ninh quốc gia cho rằng dù tổng thống đương nhiệm có quyền giải mật tài liệu, ông ấy phải tuân thủ một số quy trình thì quyết định giải mật đó mới phát sinh hiệu lực.
Dan Meyer, luật sư an ninh quốc gia tại hãng luật Tully Rinckey cho biết: “Không phải bạn chỉ cần vẫy chiếc đũa phép thì tài liệu sẽ được giải mật”. “Nó là cả một quá trình”, ông nói.
Trong phán quyết năm 2020, tòa phúc thẩm Mỹ cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: “Việc giải mật, ngay cả do tổng thống thực hiện, cũng phải tuân theo quy trình đã được đặt ra”.
Cựu Tổng thống Barack Obama năm 2010 cũng ban hành quy định về các quy tắc chung khi giải mật tài liệu. Quy định này hướng dẫn người đứng đầu các cơ quan hành pháp đặt ra các quy trình cụ thể để giải mật tài liệu. Lệnh này đến nay vẫn còn hiệu lực.
Một đại bồi thẩm đoàn liên bang đang xem xét trước và trong thời gian ông Trump rời nhiệm sở, các hộp tài liệu đã được mang đến Mar-a-Lago như thế nào. Các cựu công tố viên nhận định chỉ khi quá trình này hoàn tất, các công tố viên mới có thể quyết định có truy tố hay không, theo Wall Street Journal.
Bộ Tư pháp cũng đang xem xét liệu những người xử lý tài liệu có vi phạm Đạo luật Gián điệp và các luật quy định về xử lý hồ sơ của chính phủ hay không.
Theo bản kiểm kê được công bố hôm 12/8, các đặc vụ đã mang đi khoảng 20 thùng tài liệu, vật dụng từ tư dinh của ông Trump. Trong đó, có 11 bộ tài liệu được dán nhãn mật theo nhiều cấp độ, bao gồm cả tối mật.
Các nguyên tắc của Bộ Tư pháp khuyến nghị các điều tra viên không nên thực hiện các hành động công khai trong trường hợp có khả năng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland hồi tháng 5 cũng ban hành hướng dẫn nhấn mạnh nguyên tắc lâu đời này của ngành tư pháp Mỹ.
Ông nhắc nhở các công tố viên rằng: “Các nhân viên thực thi pháp luật và công tố viên không bao giờ được chọn thời điểm công khai các bước điều tra, cáo buộc hình sự hoặc bất kỳ hành động nào khác, nhằm mục đích ảnh hưởng đến bất kỳ cuộc bầu cử nào hoặc để mang lại lợi thế hay gây bất lợi cho bất kỳ ứng cử viên hoặc đảng phái chính trị nào”.
ZingNews