Phán quyết bác bỏ cáo buộc cho rằng ông Trump kỳ thị người Hồi Giáo hay vượt quá quyền hạn của mình.
Phán quyết được thông qua với 5 thuận và 4 phiếu chống, loan báo hôm Thứ Ba là quyết định chính đầu tiên của tòa về chính sách di trú của chính phủ Trump.
Chánh án Tối Cao Pháp Viện John Roberts bỏ phiếu thuận cùng với 4 thẩm phán khác, có cùng lập trường bảo thủ như ông là Anthony Kennedy, Clarence Thomas, Samuel Alito và Neil Gorsuch.
Chánh án John Roberts viết ra bản ý kiến của phía đa số, theo đó nói rằng các tổng thống có nhiều quyền hạn để điều tiết lãnh vực di trú. Ông cũng bác bỏ cáo giác của phía nguyên đơn cho rằng Tổng Thống Trump có tinh thần bài bác Hồi Giáo.
Tuy nhiên chánh án Roberts cũng thận trọng để cho thấy là ông không bày tỏ ủng hộ với các phát biểu của Tổng Thống Trump trong vấn đề di trú hoặc về người theo Hồi Giáo, viết rằng “Chúng tôi không bày tỏ ý kiến gì về sự hợp lý của chính sách”.
Lệnh cấm đến Mỹ đã được thi hành hoàn toàn kể từ khi tòa kháng án từ chối không ngăn cản hồi Tháng Mười Hai năm ngoái. Các thẩm phán tòa kháng án cho phép chính sách này được hoàn toàn có hiệu lực ngay cả trong lúc Tối Cao Pháp Viện chưa đưa ra phán quyết.
Thẩm phán Sonia Sotomayor đại diện phía thiểu số không đồng ý với phán quyết để đưa ra ý kiến nói rằng: “Một người quan sát bình thường cũng đi đến kết luận rằng sắc lệnh được đưa ra do sự ghét bỏ Hồi Giáo.”
Cũng theo bà Sotomayor, các thẩm phán phía đa số đã không để ý đến các chứng cớ, diễn dịch sai các án lệ trước đó và “nhắm mắt trước sự đau khổ mà sắc lệnh đã gây ra cho nhiều cá nhân và gia đình, với nhiều người trong số này là công dân Mỹ.”
Phía không đồng ý với phán quyết vừa qua có các thẩm phán Stephen Breyer, Ruth Bader Ginsburg, Elena Kagan và Sonia Sotomayor .
Lệnh cấm tới Mỹ được áp dụng cho dân ở năm quốc gia đa số theo Hồi Giáo là Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen. (V.Giang)