Một tác phẩm ảnh khỏa thân có thể hiện tư duy sáng tạo, mỹ cảm tinh tế hay không… là trách nhiệm và cả tay nghề của người chụp. Và phía sau bức ảnh luôn là một quá trình thực hiện không dễ dàng, rất cần sự đánh giá, thưởng lãm và trân trọng của người xem
ĐỖ NGỌC
Trong một thời gian dài, có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tìm đủ mọi phương cách để xin phép triển lãm ảnh khỏa thân. Nhưng tất cả đều thất bại vì những lý do không đâu vào đâu.
Đoạn trường xin cấp phép
Chuyện xin phép với tôi là đoạn trường!
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên
Thái Phiên kể: “Tháng 11-2007, lần đầu tiên tôi xin phép triển lãm ở Hà Nội. Bộ ảnh nude art Xuân thì của tôi được hội đồng nghệ thuật thông qua. Sở Văn hóa – thông tin Hà Nội do ông Trần Quốc Chiêm, phó giám đốc, đã ký giấy phép.
Tôi cho in giấy mời, thuê làm khung rồi ôm ảnh từ TP.HCM ra Hà Nội. Đến khi báo đăng, cùng với nhiều ý kiến ủng hộ còn có một số ý kiến ngược chiều. Thấy “căng” quá, Sở Văn hóa lúc ấy nhờ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam can thiệp và hội đề nghị tôi hoãn cuộc triển lãm này.
Tôi bảo “Cứ làm”.
Cầm giấy phép triển lãm ảnh nude art đầu tiên của VN trong trạng thái cứ lâng lâng, tôi đi tìm mặt bằng triển lãm.
Đi tìm được mặt bằng rồi, thỏa thuận giá cả xong, đến lúc làm hợp đồng, người cho thuê hỏi tên… Tôi bảo tên Thái Phiên, triển lãm ảnh Xuân thì. Người cho thuê khựng lại một lát rồi bảo chiều sẽ trả lời.
Chiều, tôi nhận được cuộc gọi từ chối khéo. Tôi đi đến chỗ thứ hai, thứ ba… đều y như vậy. Một người bạn có chức trách bảo đừng đi đâu nữa, vì chủ các mặt bằng, gallery ở Hà Nội không được cho phép triển lãm này.
“Rút kinh nghiệm lần trước, đến tháng 1-2008 tôi ký hợp đồng mặt bằng rồi mới đi xin phép. Tôi trình bộ ảnh cũ lên Sở Văn hóa – thông tin Hà Nội.
Lần này thì một vị lãnh đạo sở từ chối thẳng thừng với lý do: “Đường dẫn vào cầu Cần Thơ vừa mới sập, nạn cúm gà cúm vịt đang hoành hành, kinh tế đang bất ổn, vật giá leo thang…, chưa thể triển lãm ảnh khỏa thân vào thời điểm nhạy cảm này!”.
Sau hai lần tôi thấy nản lắm. Đến lần thứ ba, tôi nhận được cuộc điện thoại của hai anh bạn đều có chức trách của hội văn nghệ ở Thừa Thiên – Huế cùng ngỏ ý đứng ra xin triển lãm ảnh cho tôi vì tôi gốc Huế. Tôi nhanh chóng gửi ảnh ra cho hội lo thủ tục.
Một hội đồng nghệ thuật được thành lập và thẩm định kỹ lưỡng, nhất trí: “Đây là ảnh nghệ thuật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không dâm ô đồi trụy”. Đưa qua Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Thừa Thiên – Huế thì sở này không cấp phép cũng chẳng nêu rõ lý do.
Triển lãm “chui”
Tại Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Quang Châu cho biết, năm 2012, anh đã làm xong mọi thủ tục triển lãm ảnh nude art, nhưng cuối cùng vẫn nhận được câu “Chưa phải lúc”.
Tôi không muốn nói thêm gì nữa. Quan điểm của tôi hiện nay là đã quá chán với cách quản lý và thẩm định đầy sợ hãi của các nhà quản lý.
Nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu
Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Mỹ thuật – nhiếp ảnh và triển lãm, cho biết họ đã chọn 120 bức ảnh không lộ rõ mặt người mẫu để cấp phép cho Lê Quang Châu triển lãm, báo cáo lãnh đạo Bộ. Theo quy định chung của Bộ, những trường hợp “nhạy cảm” phải lấy ý kiến của bộ trưởng.
“Lúc ấy Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh bảo: “Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa mới lình xình vụ váy dài, váy ngắn xong nên thôi, đừng làm vụ triển lãm khỏa thân nữa!”. Vì ý kiến này, Cục không thể ký giấy phép triển lãm cho nghệ sĩ Lê Quang Châu.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dũng Art cũng chung nỗi niềm. Anh kể: “Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội đề nghị tôi lấy chữ ký đồng ý từ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội.
Hội này “nâng lên, đặt xuống” gần một tháng chưa có câu trả lời. Họ nhận xét bức ảnh này chưa được nên bỏ đi, bức ảnh khác bố cục chưa ổn… Tôi vứt hồ sơ và không xin phép triển lãm nữa”.
Từng biết cuộc triển lãm “chui” của Lê Quang Châu bất thành, nhưng vì “máu nghề”, Dũng Art quyết tâm liều mình làm triển lãm “chui” tại Hà Nội.
Anh lập event trên Facebook, ngầm thông báo cho bạn bè về cuộc “triển lãm” gần 40 bức ảnh nude art chủ đề Đi đêm. “Lúc đó tôi rất lo lắng, nghĩ đến tất cả mọi khả năng có thể bị “đánh úp”, bị niêm phong hoặc phải lên sở viết bản kiểm điểm… Nhưng tôi vẫn làm”.
Cuộc triển lãm “chui” đón khách nườm nượp suốt bốn ngày liền. “Một tuần sau, có anh bên thanh tra Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội gọi tôi đến, nói tôi viết bản tường trình để báo cáo cấp trên”, anh kể.
Hơn tháng sau, anh đêm Đi đêm vào TP.HCM, tiếp tục triển lãm… chui, cũng xuôi chèo mát mái.
Sau nhiều năm hoạt động như dòng chảy ngầm, nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật (nude art) vừa được gỡ “nút thắt ngại ngùng”. Nhiều người hi vọng môn nghệ thuật “trầm luân” với biết bao e dè, nghi kỵ này sẽ được phát triển bình thường như nhiều bộ môn khác…
Một tác phẩm của nghệ sĩ Dũng Art
Công cốc
Nhiều trường hợp người nghệ sĩ đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết và tiền bạc nhưng định kiến đã biến tất cả thành… công cốc. Trước mỗi lần chụp, Thái Phiên luôn cẩn thận với khâu “hợp đồng” người mẫu ký tên đồng ý tác giả giữ bản quyền và công bố tác phẩm.
Dù Thái Phiên không để lộ rõ khuôn mặt người mẫu để bảo vệ họ, có lần anh bất ngờ nhận cuộc điện thoại của một người đàn ông đề nghị anh xóa hết ảnh của cô X. mà người ấy mới cưới làm vợ.
Rồi có trường hợp đến lúc đứng trước ống kính máy ảnh, người mẫu bỗng dưng đổi ý, kiên quyết không chịu chụp.
“Vô đề” – tác phẩm nude art trong bộ ảnh “Xuân thì” nhiều lần bị từ chối cho triển lãm của Thái Phiên.
Bức tường định kiến bị đập vỡ
Nhà nhiếp ảnh Đỗ Anh Tuấn cũng là người theo đuổi chụp ảnh khỏa thân từ sớm, lúc công việc này bị mọi người coi là chuyện không nên làm.
Anh chia sẻ: “Người ta cho rằng chụp ảnh khỏa thân là một tội lỗi. Những năm 1980, có nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân còn bị bắt đi tù vì bị cho là khiêu dâm, đồi trụy. Đến đầu thập niên 1990, quan niệm của xã hội vẫn chưa cởi mở được bao nhiêu. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh khỏa thân như tôi đều bị cho là không đàng hoàng”.
Nghệ sĩ Dũng Art chia sẻ: “Tôi muốn mọi người thấy được vẻ đẹp ẩn bên trong người phụ nữ qua hình ảnh họ không mặc gì, sau khi tôi có một thời gian chuyên chụp ảnh phụ nữ giấu mình sau những bộ áo dài.
Tôi không muốn cho vợ con biết, vì chẳng có bà vợ nào thích chồng chụp ảnh gái khỏa thân. Trong studio chỉ có người chụp ảnh với cô người mẫu khỏa thân, nào ai biết chuyện gì xảy ra?”.
Khi chụp xong các hình ảnh khỏa thân tuyệt đẹp, tôi cũng chỉ ngắm một mình, không biết đưa cho ai xem, do lúc ấy định kiến còn nặng.
Dũng Art
Theo Dũng Art, đến nay công chúng đã cởi mở hơn rất nhiều. Nếu trước đây nhìn thấy những bức ảnh trần truồng, nhiều cô gái sẽ đỏ mặt, xấu hổ hoặc bảo rằng “Kinh quá!”, thì nay nhờ những bức ảnh khỏa thân trên mạng xã hội, bức tường định kiến về ảnh khỏa thân đã bị đập vỡ.
Dù việc cởi đồ để chụp ảnh có thể xấu hay đẹp tùy theo mắt từng người, xã hội đã từng bước chấp nhận việc phụ nữ cởi đồ để chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật.
Một tác phẩm trong triển lãm “Tạo tác” của Hạo Nhiên – Ảnh NVCC
Không có quy định cấm ảnh nude
Một tác phẩm của Đỗ Anh Tuấn – Ảnh: NVCC
Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: “Định kiến về ảnh nude ở nước ta lâu nay một phần do truyền thống văn hóa phương Đông chi phối.
Quan điểm trên thế giới rất thoáng, nhưng ở nước ta lại nặng nề. Từ họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cơ quan quản lý… đều rụt rè trong vấn đề công bố tác phẩm ảnh nude với công chúng, chứ không có văn bản nào quy định cấm ảnh nude.
Qua triển lãm ảnh nude ở TP.HCM vừa rồi, tôi thấy dư luận rất ủng hộ. Theo tôi, nên có cách nhìn cởi mở hơn với ảnh nude và phải công nhận thể loại này có rất nhiều tác phẩm đẹp!”.
Một số tác phẩm của Hạo Nhiên:
Một số tác phẩm của Thái Phiên: