Trong thư, Tổng thống Biden cũng bày tỏ mong muốn hai nước Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, theo thông cáo ngày 4/6 của Bộ Ngoại giao.
Tổng thống Biden khẳng định thành công của Hội nghị thượng đỉnh trong việc tạo ra một cam kết toàn cầu để nâng cao các mục tiêu về khí hậu và nêu bật các cơ hội kinh tế đối với các nước đang nỗ lực để giải quyết thách thức này. Ông nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng hỗ trợ tài chính khí hậu và giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương, đồng thời khẳng định quyết tâm cũng như các nỗ lực của Mỹ nhằm thực hiện các cam kết của mình.
Tổng thống Biden đánh giá cao những đóng góp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đối với thành công của hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là bài phát biểu sâu sắc của chủ tịch nước về các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu, và tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng hành động.
Tổng thống Biden cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong thời gian tới nhằm đảm bảo thành công của hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, sẽ được tổ chức tại Glasgow vào cuối năm nay. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian tới.
Trước đó, nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng 40 nguyên thủ tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 22-23/4.
Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu, trong đó khẳng định các cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, chia sẻ lợi ích của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, công bằng và bao trùm, bình đẳng đối với người dân. Bài phát biểu đồng thời kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thực hiện các mục tiêu về khí hậu.