Khi kênh tin thời sự nhà nước Nga RT bị bắt phải tuân thủ luật Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ trên mặt trận truyền thông.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với các nhà báo: “Một cuộc tấn công vào giới truyền thông chúng tôi chính là tấn công quyền tự do ngôn luận. Họ sắp đóng cửa RT. Sẽ có sự trả đũa thích đáng”.
Cuộc trả đũa truyền thông của Nga do Mỹ ra hạn chót ngày 13.11 cho kênh thời sự RT (do Điện Kremlin tài trợ) phải đăng ký là một tổ chức nước ngoài theo luật FARA của Mỹ, tiếp sau những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, giúp nghiêng phần thắng về ông Trump.
Trong báo cáo hồi tháng 1.2017 về nghi án Nga can thiệp, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng RT là một phần trong bộ máy tuyên truyền và chiến dịch của Điện Kremlin nhằm gây ảnh hưởng đến nền chính trị Mỹ. Tình báo Mỹ gọi RT là cơ quan xuyên tạc của Điện Kremlin. Nga đã phủ nhận tất cả các cáo buộc.
Ngày 13.11, tổng biên tập Margarita Simonyan của RT viết Twitter, cho biết nhánh của RT ở Mỹ đã đăng ký hoạt động như một tổ chức nước ngoài, tuân thủ luật FARA.
Bà viết “Giữa một vụ hình sự và một cuộc đăng ký, chúng tôi chọn vế sau. Chúng tôi hoan nghênh quyền tự do ngôn luận của Mỹ và của tất cả những ai vẫn còn tin vào điều này”.
Luật đăng ký đại diện cho nước ngoài (FARA) từng được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1938, để chống sự xuyên tạc của phát xít Đức. Luật này buộc bất kỳ ai được thuê dùng làm nhân viên cho một chủ nước ngoài, ví dụ một chính phủ nước ngoài hoặc một đảng chính trị nước ngoài, và tham gia hoạt động chính trị có ảnh hưởng đến dư luận Mỹ, tham gia vận động hành lang thì phải báo cáo chi tiết về hoạt động và kinh phí cho Bộ Tư pháp Mỹ biết.
Cá nhân, tổ chức đăng ký tuân thủ luật không bị ngăn chặn tham gia bất kỳ hoạt động nào, nhưng phải đăng ký để cung cấp sự minh bạch về nguồn vốn hoạt động.
Nếu không tuân thủ luật FARA, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị buộc tội hình sự, dù vài năm gần đây, Mỹ có phần lơi lỏng trong khâu kiểm tra tuân thủ luật này.
Việc tuân thủ luật FARA chủ yếu dựa vào sự tuân thủ tình nguyện, vì nhân viên Bộ Tư pháp Mỹ không có thẩm quyền bắt các công ty tư nhân khai báo thông tin tài chính.
Luật FARA cũng là một nguyên nhân khiến gia tăng căng thẳng Mỹ-Nga trong vài tuần qua. Nga phản đối Bộ Tư pháp Mỹ đòi Công ty T&R Productions LLC của RT (trước đây có tên Nước Nga ngày nay) đã giúp Mỹ biết khoản tài chính của trang web này.
Ví dụ Tổng giám đốc T&R Productions LLC, ông Mikhail V. Solodovnikov hưởng mức lương hàng năm 670.000 USD/năm.
Hoặc công ty đã chi 6,6 triệu USD trong tháng 8 và 9.2017, gồm 1,6 triệu để trả lương nhân viên, 2,2 triệu USD vào các hoạt động nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết công ty điều hành các xưởng làm việc cho RT từ tháng 8.2014, thuê và trả lương cho nhân viên người Mỹ, sản xuất các chương trình phát bằng tiếng Anh.
Nga sẽ trả đũa Mỹ thế nào?
Nhật báo kinh doanh Vedomosti (Nga) hôm 13.11 đưa tin Nga có thể trả đũa tất cả giới truyền thông nước ngoài chứ không riêng gì Mỹ, và những kênh đài phương tây có thể bị Nga hạn chế hoạt động là Deutsche Welle (Đức) CNN, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài phát thanh châu Âu tự do (Radio Free Europe) và Đài tiếng nói tự do (Radio Liberty).
3 đài kể tên khẳng định họ là những cơ quan tự do và độc lập với chính phủ Mỹ, tổ chức hoạt động báo chí trung thực và độc lập phục vụ thính giả toàn cầu.
Tờ Vedomosti nói sự trừng phạt giới truyền thông nước ngoài của Nga có thể là những sửa đổi trong luật về “các tổ chức không đáng ưa”.
Trước đó ngày 10.11, Viện Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết các nghị sĩ đang xét sửa đổi Luật các tổ chức nước ngoài 2012, để buộc các tổ chức truyền thông nước ngoài hoạt động ở Nga vào diện phải tuân thủ luật này: các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của nước ngoài thì phải đăng ký là “tổ chức nước ngoài” và phải trình bày tên trên tất cả các trang web và tài liệu.
Một khoản sửa đổi luật có thể là Viện kiểm sát liên bang Nga có quyền “chặn” tài liệu của “những tổ chức không đáng ưa” đăng tải trên mạng internet của Nga. Những sửa đổi có thể đưa vào luật ngay trong tuần này.
Hồi tháng 10, Nga đã dọa hạn chế hoạt động của giới truyền thông có Mỹ ủng hộ. Theo báo Washington Times ngày 10.10, Bộ Tư pháp Nga đã gởi thư cảnh cáo nhánh hoạt động ở Nga của Đài phát thanh châu Âu tự do và kênh thời sự tiếng Nga của VOA.
Tác giả thư là Vladimir Titov, một quan chức Bộ trên, viết: “Hoạt động của các tổ chức của quí vị có thể là đối tượng phải chấp nhận những hạn chế đã được nêu trong pháp luật Liên bang Nga”.
Theo tờ báo Mỹ, Đài phát thanh châu Âu tự do ở Moscow sử dụng hơn 50 nhân viên, gồm một số người Nga. Văn phòng này đối mặt với sự hạn chế đưa tin ở Nga.
Hồi tháng 9, Cơ quan quản lý truyền thông Nga cáo buộc CNN (Mỹ) vi phạm các điều khoản trong giấy phép phát sóng và triệu tập đại diện lên làm việc. Giới hữu trách không nêu rõ vi phạm, chỉ tuyên bố có liên quan đến vấn đề kỹ thuật, chứ không phải chính trị.
Bảo Vĩnh (theo Moscow Timess, Washington Times)