Tổng thống Trump hôm thứ Bảy (20/10) đã đưa lên Twitter một cảnh báo rằng người bị kết tội gian lận trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây sẽ phải chịu hình phạt ở cả hai phương diện “dân sự và hình sự”.
“Tất cả các cấp chính quyền và cơ quan thực thi pháp luật đang theo dõi sát sao đối với [việc] GIAN LẬN BẦU CỬ, bao gồm cả trong thời gian BẦU CỬ SỚM”, ông Trump viết. “Gian lận sẽ mang tới nguy hiểm cho bạn. Người vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa, [trên] cả [hai phương diện] dân sự và hình sự!”.
Theo Daily Caller, Tổng thống Trump tin rằng có hàng ngàn người, thậm chí là hàng triệu người đã gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, dẫn đến việc thành lập một ủy ban điều tra về vấn đề này, nhưng sau đó ủy ban đã bị giải thể vào tháng 1/2017 do gặp phải khó khăn trong việc phối hợp giữa nhiều tiểu bang, vì các tiểu bang ở Mỹ có các quy định về bầu cử khác nhau.
Sự khác nhau về yêu cầu đối với cử tri đi bầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở chỗ, đảng Dân chủ thường đặt ra yêu cầu thấp đối với việc kiểm duyệt tính chân thực của các cử tri, ở chiều ngược lại, đảng Cộng hòa yêu cầu các cử tri đủ tiêu chuẩn mới được phép bỏ phiếu, Daily Caller bình luận.
“Đảng Dân chủ cho rằng không cần yêu cầu cử tri đi bầu phải trình thẻ căn cước có hình ảnh để được bỏ phiếu, vì họ [là bên] hưởng lợi nhiều nhất từ sự gian lận của cử tri”, Matt C. Pinsker, Giáo sư về công lý hình sự tại Đại học Virginia Commonwealth, nhận xét.
“Mặc dù đảng Dân chủ tuyên bố rằng không tồn tại [cử tri gian lận], thực tế là trong các cuộc bầu cử đã có nhiều [cử tri] bất thường được báo cáo, phần lớn trong số đó ủng hộ đảng Dân chủ. Mặc dù có rất nhiều sự cố trong mỗi kỳ bầu cử, nhưng đảng Dân chủ thường thoát khỏi việc bị truy tố gian lận bầu cử. Về cơ bản là do đảng Dân chủ đã cố ý thiết lập một hệ thống đảm bảo những gian lận sẽ không bị điều tra”, ông Pinsker nói.
Trí Dũng