Tổng thống Donald Trump đến Pittsburgh tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hôm 27/10 nhưng bị các quan chức né tránh và gia đình nạn nhân từ chối gặp mặt.
Một bộ phận cư dân thành phố Pittsburgh, bang Pensylvania, quy trách nhiệm cho Tổng thống Trump cho rằng ông đã thúc đẩy làn sóng bài Do Thái truyền cảm hứng cho nghi phạm thực hiện vụ xả súng làm 11 người thiệt mạng hồi cuối tuần trước.
Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đặt hoa tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hồi cuối tuần trước. Ảnh: AP. |
Washington Post đưa tin một gia đình nạn nhân không muốn gặp Tổng thống Trump. Các lãnh đạo đảng Cộng hòa từ chối tháp tùng ông trong chuyến thăm đến Pittsburgh và thị trưởng Bill Peduto cũng đề nghị ông đừng đến trong bối cảnh người dân xuống đường biểu tình tại khu vực xảy ra vụ xả súng.
Tuy nhiên, vị tổng thống vẫn quyết định thực hiện kế hoạch thăm Pittsburgh hôm 30/10. Ông Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đã đến giáo đường Do Thái The Tree of Life để tưởng nhớ 11 nạn nhân bị giết hại tại đây hôm 27/10, sự việc được giới quan sát đánh giá là thảm kịch bài Do Thái tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong lúc gia đình Trump đặt một hòn đá và nụ hoa hồng cho mỗi nạn nhân thiệt mạng, người biểu tình gần đó hô lớn: “Trump, về nhà đi”.
Hơn 1.300 người đăng ký tham gia cuộc biểu tình diễn ra đúng thời điểm ông Trump và đoàn tháp tùng đến Pittsburgh. Họ tuyên bố tổng thống “không được chào đón tại thành phố của chúng tôi và đất nước của chúng tôi”.
Từ trái qua, ông Jared Kushner, cố vấn cao cấp của Nhà Trắng đồng thời là con rể Tổng thống Trump, bà Ivanka Trump, con gái Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Tổng thống Donald Trump và giáo sĩ Do Thái Jeffrey Myers tại buổi tưởng niệm. Ảnh: AP. |
Theo một số quan chức giấu tên, lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã từ chối lời mời tham gia đoàn tháp tùng ông Trump đến Pittsburgh, trong đó có Thượng nghị sĩ Mitch McConnell – lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Thượng nghị sĩ Charles Schumer – lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện và Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi- lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện.
Người thân của một số nạn nhân cũng từ chối gặp tổng thống, như gia đình của ông Daniel Stein, 71 tuổi, người vừa lên chức ông trước khi bị bắn chết ở giáo đường The Tree of Life.
Cháu trai của ông Stein, anh Stephen Halle, cho biết quyết định của gia đình một phần đến từ bình luận được tổng thống đưa ra ngay sau vụ thảm sát. Ông Trump cho rằng giáo đường The Tree of Life nên được bảo vệ bởi lực lượng vũ trang.
“Mọi người đều cảm thấy những bình luận này không phù hợp”, ông Halle nói. “Ông ấy đang đổ trách nhiệm cho cộng đồng chúng tôi”.
Người biểu tình tại Pittsburgh hô khẩu hiệu phản đối Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters. |
Thị trưởng thuộc đảng Dân chủ của thành phố Pittsburgh, ông Bill Peduto, đã yêu cầu Nhà Trắng xem xét “nguyện vọng của các gia đình” và tình hình căng thẳng của khu vực trước khi ông Trump thực hiện chuyến thăm.
“Mọi sự chú ý nên dành cho các nạn nhân”, ông Peduto phát biểu hôm 29/10. “Chúng tôi không có đủ quan chức phụ trách an ninh công cộng để bảo vệ các đám tang cùng lúc với chuyến thăm của tổng thống”.
Trong khi đó, giáo sĩ Do Thái Jeffrey Myers thuộc giáo đường The Tree of Life khẳng định sẽ chào đón tổng thống. “Sự căm thù không phải chính trị”, ông Myers trả lời Washington Post. “Nó không xanh hay đỏ, không phải phụ nữ hay đàn ông, nó không thuộc bất kỳ sự phân định nào”.
Nghi phạm thực hiện vụ xả súng tại giáo đường The Tree of Life hồi cuối tuần trước là một người đàn ông da trắng, người này được cho đã hô: “Tất cả người Do Thái đều phải chết” trước khi bị bắt giữ.