Trong tháng 9, liên minh gồm 23 nhóm nhân quyền đã đệ trình Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một danh sách vi phạm gồm 17 cảnh sát trưởng, các công tố viên và các trưởng phòng an ninh tại 15 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và các nước ở Trung Á. Các cá nhân này bị buộc tội tham gia vào các vụ án có các tù nhân bị tra tấn hoặc/và hành quyết trong khi giam giữ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận được một danh sách khác gồm những người đàn áp môn khí công ôn hòa Pháp Luân Công, theo kiến nghị của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp và Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG).
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn khí công gồm 5 bài tập và nguyên tắc sống theo Chân – Thiện – Nhẫn được đón nhận tại nhiều nước nhưng bị bức hại ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.
“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập”, trích bản Tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.
Ước tính 70-100 triệu người Trung Quốc tập Pháp Luân Công vào năm 1999 bỗng trở thành mục tiêu của cuộc đàn áp trên toàn quốc theo lệnh của cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, người đố kỵ và lo sợ khi chứng kiến sự ưa chuộng của người dân đối với môn tập tự nguyện.
Tên của ông Giang và hàng trăm người khác tham gia vào cuộc đàn áp đã được liệt kê vào danh sách gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 7.
VOA cho biết phát biểu của bà Theresa Chu, một luật sư và người phát ngôn cho Nhóm Luật sư Pháp Luân Công Đài Loan: “Chúng tôi đã khởi kiện ông Giang Trạch Dân ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tây Ban Nha thậm chí đã kết án ông ta vào năm 2009. Đối với nhiều học viên Pháp Luân Công, ông Giang là kẻ phạm tội số một.”
Theo quy định của Đạo luật Magnitsky, chính quyền của Tổng thống Trump phải báo cáo lên Nghị viện Hoa Kỳ vào Chủ nhật này (10/12) về các lệnh trừng phạt mà chính quyền đặt ra cho các đối tượng được xác định là “thủ phạm nhân quyền”.
Trong một lá thư vào tháng 4 gửi tới các nhà lập pháp Hoa Kỳ, Tổng thống Trump ghi nhận sự ủng hộ của chính phủ ông đối với “Đạo luật quan trọng này” và cho biết chính quyền đang “tích cực xác định các cá nhân và tổ chức thuộc đối tượng của Đạo luật và đang thu thập các bằng chứng cần thiết để áp dụng Đạo luật”, VOA cho biết.
Đạo luật Magnitsky ban đầu được ký bởi Tổng thống Barack Obama vào năm 2016 nhằm trừng phạt các quan chức Nga có vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, văn bản này được mở rộng thành Đạo luật Toàn cầu Magnitsky vào tháng 4 năm 2017. Theo Đạo luật, những người phạm tội ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị trừng phạt.
Đạo luật Magnitsky “cho phép Tổng thống áp đặt lệnh trừng phạt tài chính và hạn chế thị thực đối với các cá nhân nước ngoài nhằm đáp lại những vi phạm của họ về nhân quyền và tham nhũng”, theo lời mô tả về Đạo luật đăng trên Cục Văn thư Liên bang Mỹ. Các hình phạt chính của đạo luật này là ngăn cấm những kẻ phạm tội nhập cảnh vào Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ.
Mai Liên