Tonight with Việt Thảo – Special Guest: Phương Hồng Quế

Tên thật là Nguyễn Thị Quế sinh ngày 19/06/53 tại Sài Gòn, trong một gia đình có 5 người con gái.

[ws_table id=”96″]

Ngay từ khi còn nhỏ khoảng 9, 10 tuổi, Phương Hồng Quế đã rất thích ca hát và có thể hát trong bất cứ hoàn cảnh nào như cô nói. Cô theo học nhạc cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức năm 1963, nhạc phẩm đầu tiên PHQ trình bày mang tên Một Nguời Đi (sáng tác: Mai Châu), được phát thanh trên băng tần truyền hình số 9 vào năm 1968.

Phương Hồng Quế đã trở thành thân quen với những khán thính giả. Chị luôn cố gắng bộc lộ hết mình những cảm xúc chất chứa trong những nhạc phẩm mà chị trình bầy. Đặc biệt đối với những người Lính, tiếng hát của Phương Hồng Quế đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của họ trong suốt hơn 40 năm đi hát, kể từ khi chị góp mặt trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức vào những năm đầu thập niên 60

Quế lớn lên trong một ngõ hẻm của một khu chằng chịt những ngõ ngách, hẻm hóc, gần đài Đức Mẹ Fatima. Đây là nơi Quế có rất nhiều kỷ niệm của thời kỳ niên thiếu, những buổi sáng tung tăng cắp sách đến trường tiểu học Trần Quí Cáp, những lúc đi dọc trên đường Duy Tân nghịch ngợm bấm chuông những ngôi biệt thự kín cổng cao tường rồi ù té chạy cùng với đồng bạn. Ở ngã ba Duy Tân và Hiền Vương gần nhà là nơi thân phụ Quế làm chủ một tiệm may âu phục dành cho nam giới khá đông khách, mà nhờ nó thân phụ của Quế đã không đến nỗi vất vả trong việc mưu sinh.

Quế đã bộc lộ năng khiếu ca hát từ hồi còn nhỏ. Những nhạc phẩm in sâu vào đầu óc non nớt của Quế là những nhạc phẩm được trình bày qua tiếng hát Phương Dung. Quế lại còn được một người bạn của bố thỉnh thoảng đàn mandoline cho Quế hát nên càng ngày Quế càng tỏ ra say mê ca hát. Người bạn này chính là ông Tư Hòa, chủ nhân tiệm phở Hòa chính gốc trên đường Pasteur, cư ngụ cạnh bên nhà Phương Hồng Quế. Phần lớn những nhạc phẩm Quế hát là những bài do Phương Dung trình bầy trước đó, trong số có bài Nén Hương Yêu của Châu Kỳ. Phương Dung hầu như đã trở thành thần tượng của cô bé Nguyễn Thị Quế, mới 6, 7 tuổi, để đến nỗi cô đã biết tìm cách đi coi hát lén tại một phòng trà nhỏ trên đường Hai Bà Trưng. Mỗi lần cánh cửa phòng trà mở ra thìø cô bé Quế liền ló đầu ngay vào nhìn cho bằng được, nhất là thấy cho bằng được mặt thần tượng của mình là Phương Dung. Càng ngày ca nhạc càng trở nên quyến rũ với cô bé Phương Hồng Quế. Cô bé líu lo hát cả ngày, kể cả đang lúc rửa chén hay dọn dẹp nhà. Và lòng đam mê ca nhạc cùng với khả năng của Quế đã được một người anh họ chú ý để xin phép gia đình cho cô bé ghi danh học nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Đức.

Theo ông anh họ, Quế nôn nao đạp xe tới lớp nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức trong một hẻm trên đường Vĩnh Viễn – Quế còn nhớ số nhà là 223/31. Không may, ngày hôm đó lại mưa gió tầm tã khiến ký ức của Quế vẫn còn ghi lại một cách sâu đậm hình ảnh cô bé mình mẩy đẫm nước mưa trong buổi đầu tiên tìm thầy học nhạc đó. Có lẽ do nhìn thấy cô nhỏ bé lại tèm nhem nước mưa nên nhạc sĩ Nguyễn Đức đã nói những câu khiến Quế thật nản lòng, khiến cho niềm hy vọng trở thành ca sĩ nơi Quế tưởng như tiêu tan, nhưng chính nhờ lúc thử giọng cô có giọng hát rất tốt mà cô đã được nhận. Đó là năm 1965, khi Quế sắp sửa bước vào ngưỡng cửa trường trung học.

Tại lớp nhạc Nguyễn Đức, thoạt đầu Quế được hát hợp ca với các bạn trong ban Thiếu Nhi Quân Đội trên đài phát thanh và sau đó là ban Việt Nhi. Tuy vậy, Quế vẫn chưa được sư phụ cho ‘xuống núi’ khiến cô bé lúc nào cũng nôn nóng chờ được dịp hát trước khán giả, một cách chuyên nghiệp. Thật sự sau một thời gian, Quế đã được đặt cho tên Phương Hồng Quế để cùng với các bạn trong ban thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đi hát giúp vui cho các buổi trình diễn văn nghệ tại câu lạc bộ hải quân cùng một số binh chủng khác. Tuy nhiên, những lần đó đối với Quế chưa đủ để được gọi là một ca sĩ. Cũng vào thời gian Quế theo học lớp nhạc Nguyễn Đức, nhạc sĩ Song Ngọc là một thiếu úy, thường hay đứng ra tổ chức những buổi văn nghệ ủy lạo các thương bệnh binh điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa trong khi chiến tranh vẫn tiếp tục leo thang. Nhận biết được khả năng của Quế nên Song Ngọc đã mời Quế góp mặt trong những buổi văn nghệ ủy lạo này. Không còn gì mừng hơn, Quế đã nhận lời ngay để trốn nhạc sĩ Nguyễn Đức đi hát trong các buổi ủy lạo với tên Hồng Quế.

Sau một vài lần trốn đi hát trong đoàn văn nghệ ủy lạo các chiến sĩ, dĩ nhiên cũng đến lúc thầy Nguyễn Đức biết được khiến Quế bị lãnh đủ những lời mắng nặng nề, tưởng như không còn được thu nhận làm học trò nữa. Nhưng thế nào chăng nữa, việc hát cho những thương bệnh binh đã khiến cô học trò Quế tìm được một niềm vui vì tự hào đã góp phần nào xoa dịu những vết thương nơi những người lính chiến đấu nên Quế vẫn tiếp tục trốn đi hát.

Bất cứ ở nơi đâu Phương Hồng Quế cũng nhận được nhiều ưu ái của khán giả qua hững nhạc phẩm tình cảm. Nhưng phải đợi đến khi khuôn mặt xinh tươi với nụ cười thật đẹp của Quế xuất hiện trên những chương trình truyền hình thì tên tuổi Phương Hồng Quế mới có thể xem là đã chinh phục tất cả mọi người qua những nhạc phẩm về lính hoặc những ca khúc tình cảm phảng phất những nét nhà binh. Trên chương trình truyền hình của Nha Động Viên, với nhạc phẩm trình bầy lần đầu tiên – Một Người Đi của Mai Châu – Phương Hồng Quế đã tạo ra được một ấn tượng tốt nơi tâm hồn khán thính giả. Rồi sau đó Quế xuất hiện hầu như trong tất cả những chương trình truyền hình nổi tiếng thời đó và càng khiến tên tuổi Quế thêm nổi bật. Nào là Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ, Thời Trang Nhạc Tuyển của Đỗ Lễ, Trường Sơn của Duy Khánh, chương trình Phạm Mạnh Cương, v.v… Và chính việc Quế xuất hiện nhiều trên truyền hình đã khiến cho giới báo chí tặng cho Phương Hồng Quế danh hiệu Ti Vi Chi Bảo vào cuối thập niên 60.

Một điều không thể không nhắc tới là chính hình ảnh người lính in sâu trong tâm hồn Phương Hồng Quế trong những lần đi hát ủy lạo các thương bệnh binh đã thúc đẩy Quế sau này gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương để xung phong đi phục vụ tại các tiền đồn hẻo lánh, xa xôi…
Thật sự khi gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương vào hai năm cuối thập niên 60, Phương Hồng Quế cũng như những nghệ sĩ khác chỉ phục vụ tại bộ Tổng Tham Mưu để trình diễn ở những địa điểm quanh vòng đai Sài Gòn.
Nhưng do sự thông cảm với những người lính xa nhà ở những vùng xa xôi nên Quế đã xung phong đi công tác tại những nơi này, bất chấp mọi hiểm nguy. Có những lúc Quế từ trực thăng nhẩy xuống giữa những trận pháo kích liên tục, khiến máu ứa ra đầy mũi. Quế cũng không sao quên được những lần phục vụ ngoài tiền đồn với Hùng Cường, Chế Linh, v.v… giữa những lằn đạn bay vèo vèo trong những lần đôi bên đánh xáp lá cà. Nguy hiểm như vậy nhưng với tính gan lì của mình, Quế vẫn tiếp tục tình nguyện tham gia những chuyến công tác như vậy. Và cũng nhờ đó, Quế đã có măët tại hầu hết những địa danh nổi tiếng với những trận đánh kinh hồn trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Cũng trong thời kỳ này, gia đình Quế đã dọn về một ngôi nhà khang trang hơn trong cư xá gần chùa Vĩnh Nghiêm. Nhưng chỉ chừng một năm sau, cả nhà lại chuyển về một căn nhà mặt tiền trên đường Hai Bà Trưng, gần Cầu Kiệu khi đời sống trở nên sung túc hơn.

Sau khi rời Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Phương Hồng Quế gia nhập Tổng Ủy Dân Vận vào năm 70 cho đến khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75. Và cũng trong thời gian này, Quế được biết đến rất nhiều với nhạc phẩm Phố Đêm, một trong những nhạc phẩm đã tạo tên tuổi cho Phương Hồng Quế. Cho đến nay trong những chuyến lưu diễn khắp nơi, Phố Đêm vẫn là bài hát Quế được yêu cầu hát nhiều nhất. Cũng từ năm 70, Quế bắt đầu tập chơi tennis vì rất mê cú backhand của nữ danh thủ quần vợt Chris Evert thời đó. Quế từng tham gia rất nhiều giải khi còn ở Việt Nam. Khi sang tới Mỹ, Quế được coi là một trong vài tay vợt nữ xuất sắc trong giới nghệ sĩ. Trong giải tennis dành cho nghệ sĩ do Trung Nghĩa tổ chức vào năm 2001, Quế và Carol Kim đã đoạt giải đôi nữ. Quế được mệnh danh là con đỉa trong giới quần vợt nghệ sĩ vì luôn đeo theo banh, trái nào cũng rượt, đánh rất đều và không làm hỏng banh…
Thời gian từ năm 1972 đến tháng 4 năm 75, Phương Hồng Quế vẫn còn hoạt động rất mạnh trong nhiều lãnh vực như phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội, ngoài những lần xuất hiện liên tục trên các chương trình ca nhạc truyền hình và tham gia vào những chương trình truyền thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.
Vào thời kỳ sáng chói nhất của mình, tiếng hát Phương Hồng Quế đã được thu thanh trên nhiều băng nhạc của các trung tâm Nghệ Thuật, Sóng Nhạc, Asia, Dư Âm, Việt Nam, v.v… với nhiều nhạc phẩm tình cảm liên quan đến đời quân ngũ. Đặc biệt là một số nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi của Phương Hồng Quế như Giờ Này Anh Ở Đâu, Vườn Tao Ngộ hay Chuyến Tầu Hoàng Hôn, v.v…
Đến lúc đó, Phương Hồng Quế được coi như đã lên đến tột đỉnh của thành công. Tiền tài và danh vọng đều có đủ trong một cuộc sống êm đềm bên cạnh bố mẹ và các chị em. Nhưng tất cả đã đi vào một sự đổi thay toàn diện sau biến cố tháng 4 năm 75. Phương Hồng Quế rơi vào một tình trạng rất bi quan cho cuộc đời ca hát của mình sau một đợt học tập ngắn hạn ở trụ sở Quốc Hội, tức Nhà Hát Thành Phố sau đó. Quế như đứng trước ngã ba đường, không biết định hướng ra sao trước một sự đổi thay quá đột ngột. Hơn nữa, nỗi lo sợ cứ ngày đêm ám ảnh khiến Quế không còn biết làm gì sau khi bị cấm không được đi hát.
Nhưng thực tế hơn cả là phải lao đầu vào việc kiếm sống cho gia đình đang lâm vào một tình trạng cực kỳ khó khăn trước một sự đổi đời. Cô thiếu nữ xinh đẹp quen sống trong một môi trường thoải mái về vật chất, một sớm một chiều đã phải lăn xả vào đời để buôn bán. Nào là buôn thuốc lá, buôn vải ở Chợ Cũ. Rồi đến mở tiệm ăn ngay tại nhà, rồi lại chuyển qua bán sách, bán quần áo, v.v….

Nhưng đối với một người như Quế, việc bỏ hát đâu có thể chấp nhận một cách dễ dàng như vậy. Cách hay nhất để được gặp lại khán giả không gì bằng đi hát chui. Rất nhiều những nghệ sĩ miền Nam trước năm 75 đều có hoàn cảnh như Quế. Họ đã liên lạc với nhau và thành lập các đoàn đi hát tại các tỉnh xa xôi. Riêng phần Quế, một thời gian khá lâu chị đã từng cộng tác với các đoàn văn nghệ của Tùng Lâm, Thanh Hoài, Duy Khánh, Ngọc Giao, v.v… về hát ở miền Tây với nghệ danh là Hồng Quế. Rồi sau đó Quế được phép về lại Sài Gòn hát nhưng với điều kiện là phải lấy một nghệ danh hoàn toàn khác với tên cũ của mình. Vậy là Quế đổi tên thành Hồng Yến. Chị trở lại Sài Gòn hát lần đầu tiên trong một buổi đại nhạc hội do Duy Ngọc tổ chức tại rạp Quốc Thanh, một nơi trước kia cái tên Phương Hồng Quế đã từng trở thành thân thiết với khán giả. Do vậy, tới phiên chị trình diễn, Hồng Yến vừa bước ra sân khấu để trình bày nhạc phẩm Vàm Cỏ Đông thì tất cả khán giả đã ồ lên Ủa! Phương Hồng Quế mà! kèm theo những tràng pháo tay vang dội. Nước mắt Quế đã chảy ra dàn dụa trước lòng yêu mến của khán thính giả không được nghe giọng hát của mình trong một thời gian.
Sau hai ngày hát ở Quốc Thanh, Phương Hồng Quế lại trốn để trở về hát tại các tỉnh với vài lần được dùng tên cũ của mình do sự kiểm soát còn lỏng lẻo.
Đến khi nghệ sĩ Kim Cương đứng ra thành lập đoàn hát dưới tên của mình, Quế được mời vào cộng tác, nhưng cũng với điều kiện chỉ được lấy tên Hồng Quế mà không có chữ Phương ở đầu. Thoạt đầu Quế không chấp nhận điều kiện này. Nhưng vì mẹ Quế không muốn Quế xa nhà và phải chịu đựng cực khổ, thiếu thốn khi đi hát ở các tỉnh nên đã năn nỉ Quế nhận lời. Vì thương mẹ, Quế đành nghe theo…
Dù cho Quế mang bất cứ nghệ danh nào đi chăng nữa, thì khán thính giả vẫn nhận ra khuôn mặt và tiếng hát quen thuộc của Phương Hồng Quế ngày nào. Nhờ đó Quế tìm được sự an ủi nơi những người thương yêu mình và cảm thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn. Quế cộng tác với ban Kim Cương cho đến khi các nghệ sĩ trước 75 được dùng lại tên cũ của mình. Năm 1979, Phương Hồng Quế lập gia đình với bác sĩ Phạm Kỳ Nam mà Quế từng gặp khi ông giữ chức vụ đại úy quân y tại Quân Y Viện Cần Thơ trong khi đi công tác ủy lạo thương bệnh binh ở đây. Hai người đã có với nhau hai con: một trai tên Duy Châu, năm nay 25 tuổi, mới tốt nghiệp về khoa tâm lý và một gái tên Cát Phương

Sáu năm sau khi lập gia đình, Quế cùng hai người bạn đứng ra khai thác một nhà hàng lấy tên là Phương Hồng trên đường Trần Hưng Đạo. Nhà hàng này rất nổi tiếng với những đặc tính sang trọng, lịch sự và phục vụ tốt, nó đã trở thành nơi gặp gỡ của những khách hàng khá giả, kể cả những Việt Kiều lúc đó mới lác đác trở về Việt Nam. Cuộc sống của Phương Hồng Quế nhờ vậy cũng trở nên dễ thở thêm. Tuy đang sống một cuộc sống sung túc, nhưng Phương Hồng Quế vẫn xúc tiến thủ tục để sang Mỹ do một người em đi trước bảo lãnh. Một vấn đề được đặt ra là chồng Quế cương quyết ở lại vì mang những ấn tượng không tốt đẹp đối với cuộc sống ở nước ngoài. Vì tương lai của hai con nhỏ, Phương Hồng Quế dứt khoát ra đi với 2 con, với mẹ và cô em út vào năm 1991, bố Quế đã qua đời vào năm 1988 lúc hồ sơ bảo lãnh chưa hoàn tất.
Sau hai năm ở chung với người em bảo lãnh ở Santa Ana, Quế mua được căn nhà ở Fountain Valley và cư ngụ với mẹ và 2 con cho đến bây giờ. Cũng trong năm 91, sau khi mới đặt chân tới Hoa Kỳ, Quế được trung tâm Thúy Nga mời cộng tác để xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình Paris By Night 16 với nhạc phẩm Chiều Cuối Tuần thu hình tại Paris. Khán thính giả vẫn dành cho Phương Hồng Quế những cảm tình như xưa nên nhờ đó chị đã tương đối hoạt động khá đều đặn cho tới hiện nay, cùng một lúc đã tự thực hiện được trên 10 CD mà bất cứ lần ra mắt nào cũng được ghi nhận là rất thành công nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.

TRƯỜNG KỲ

Leave a Reply