“Đương mùa trái cây nên nhà tôi trông vườn dữ lắm, không thì bị mất xót của, vì công mình trồng, tưới nước, chăm cây mỗi ngày mà khi trái gần chín thì người ta ăn mất tiêu. Mới hồi Tết nhà tôi bị mất một mớ trái thanh long rồi, vì vậy mà tôi nới thêm hàng rào lên cao thêm chút cho họ khỏi trộm nữa,” bà Liên Hà, nhà trên đường Nottingham, Westminster, cho biết lý do làm cao thêm hàng rào của gia đình.
Rào có cao, trái vẫn mất. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
“Nhà tôi chỉ trồng một loại thanh long thôi, trồng hơn 10 năm rồi, và hầu như năm nào cũng mất. Mọi năm họ leo tuốt vô trong rồi lặt hết trơn trái. Nhiều lần bị vậy nên ông xã tôi mới làm hàng rào cao hơn để họ không vô được. Bây giờ thì họ không vô được nhưng trái thì lâu lâu vẫn mất, do những trái nào cặp hàng rào thì họ với tay vào hái,” bà Xuân Trần, nhà trên đường Neece, Westminster, cho hay.
Hàng rào cao hơn, trái vẫn bị mất
Tình trạng ăn cắp trái cây trồng ở khu vực Little Saigon xảy ra càng lúc càng nhiều, dù các gia chủ đã cơi nới để hàng rào được cao hơn, hòng ngăn chặn lòng tham của người khác. Ông Triết Hồ, nhà trên đường Deanann, Garden Grove, bất lực nói: “Bây giờ cứ thấy nhà nào có hàng rào nới lên là biết nhà đó từng có ăn trộm viếng. Hồi xưa không có tình trạng này, nhưng giờ thì nhiều lắm. Như mới hôm qua, tôi báo cảnh sát đến bắt hai người vào hái trộm trong vườn nhà tôi.”
“Hàng rào nhà tôi cao vậy, họ leo vào không được thì họ leo vào từ phía nhà ông người Mỹ kế bên. Khi cảnh sát tới nhà hỏi tôi ăn trộm đâu, tôi mới chỉ qua cửa sổ cho cảnh sát thấy họ đang lúi húi ở vườn bẻ thanh long. Khi bị bắt, một mớ thanh long họ đã đem ra ngoài, lúc đó tôi mới biết họ mang theo cả thùng giấy để đựng nữa. Nói chung là chắc có tính toán cả rồi,” ông kể.
Ông Triết khẳng định: “Người Việt Nam của mình lấy của nhau không hà, chứ mấy người Mễ không có ăn cắp vặt như vậy. Vô gia cư thì không hẳn, nhưng dạng gần giống như vậy. Người trộm trong vườn tôi biết luôn, ở cùng xứ với tôi ở Việt Nam. Họ cũng có gia đình, cũng có con đi học ngon lành, nhưng không biết vì sao lại như vậy, chắc có lẽ do cờ bạc hay sao đó, không có tiền nên đi vòng vòng ăn cắp đồ.”
“Nhà tôi thường trồng thanh long, ổi, nhãn, táo Tàu… nên có trái cây gì thì họ lấy trái đó. Tôi từng hỏi một người sao biết nhà Việt Nam mà vô hái, họ nói là thấy nhà nào có trồng trái đỏ đỏ thì leo vô, bởi vì phần lớn nhà Việt Nam mới trồng thanh long,” ông kể.
“Hồi trước tôi thường đi làm sớm, 4 giờ sáng ra khỏi nhà thì thấy mấy người đẩy chiếc xe của chợ đi vòng vòng ở đây, giống như đi thu hoạch vậy đó. Thường họ ăn cắp nhà Việt Nam chứ không dám ăn cắp nhà Mỹ đâu, vì nhà Mỹ họ sợ bị bắn. Họ cũng tinh ranh lắm. Mấy lần tôi bắt gặp họ leo vô vườn nhà tôi, nhưng họ nói họ chỉ vô vườn hái trái cây thôi chứ họ không có vô nhà tôi,” ông kể thêm.
Bà Diệp Nguyễn, nhà ở đường Johannah, Garden Grove, cho hay: “Hàng rào nhà tôi ông xã tự làm cũng được vài năm rồi. Nhà có trồng mấy cây cam, cây nhãn mà cứ bị hái trái miết. Chẳng những bị mất trái, họ còn cắt cả cành luôn, chắc là lấy cho tiện. Bực quá, ông xã tôi mua đồ về làm cao thêm hàng rào.”
“Nhà tôi vầy là đỡ đó. Nhà cháu tôi ở gần đây, thấy họ vô vườn hái bơ ban ngày ban mặt, hỏi thì họ nói hái mấy trái bơ thôi làm gì dữ vậy. Họ làm như việc làm của họ không phạm pháp vậy đó, coi như chuyện họ làm là bình thường vậy. Họ hái xong thì đem tới khu chợ Stater Bros góc Brookhurst với Hazard bán nè,” bà nói thêm.
Bà Mai Tuyết Hằng, chủ nhân vườn cây Lái Thiêu ở góc đường Newhope và McFadden, Santa Ana, cho biết: “Mới đây cảnh sát vừa lập biên bản một người hái trộm chanh dây ngoài hàng rào của vườn. Vườn cây của tôi bị mất cắp vặt hoài. Tại sao có tình trạng này? Bởi vì có người mua thì sẽ có người bán. Những người bán ngoài chợ mua lại với giá rẻ rồi bán cạnh tranh với giá chợ, nên vô hình trung tiếp tay cho những người ăn cắp vặt.”
“Nhiều khách hàng của tôi cũng than vãn với tôi là mua cây về trồng sai trái chưa kịp ăn thì không thấy trái đâu nữa, có người còn bị bứng cả cây, cắt cả cành… Nói thật, người Mỹ hay Mễ họ đâu có rành cây trái Việt Nam, chỉ có người mình với nhau mới biết rõ thôi,” bà nói.
Cả chậu hoa cũng mất
Bà Xuân Trần kể: “Mất cắp trái cây thì tôi thấy… cũng quen rồi. Bởi vì nhiều khi tôi nghĩ trái cây có cũng nhiều rồi, cái nào ở ngoài người ta hái ăn được thì để người ta hái. Chắc không có nên người ta mới hái, chứ nếu có thì người ta đâu có lấy của mình làm gì. Nhưng mà, họ chặt cả cây, rồi lấy luôn cả chậu hoa chưng thì tôi không biết nói gì nữa.”
“Hôm Tết tôi mang ra trước nhà chậu bông đào đỏ mới ra vài bông đẹp lắm để chưng cho đẹp. Chậu đào này tôi trồng khoảng ba năm mới ra được bông, chưa kịp ngắm thì hôm sau người ta bưng mất nguyên chậu luôn. Tiếc cái công trồng và chờ ngắm được bông. Mà chậu này cũng nặng lắm, phải hai người mới khiêng nổi mà vẫn mất. Chậu bông này họ bán được giỏi lắm chừng $50 là cùng,” bà kể tiếp.
Bà tiếc rẻ nói: “Trồng cây thay vì để trước nhà cho đẹp thì nay tôi mang ra sau giấu hết vì sợ bị mất. Mọi năm không có tình trạng ăn cắp như vậy đâu, chỉ ăn cắp thanh long thôi, nhưng giờ thì trồng đào, trồng mai, trồng bông đẹp không dám chưng mà đem giấu hết. Chậu nhỏ thì họ bưng, chậu lớn bưng không được thì họ chặt.”
“Đối diện nhà tôi, người ta đi làm suốt, không có nhà. Nhà bên đó người ta trồng cây đào, họ tới chặt cả cây. Kế nhà đó, chủ nhà mới mua cây sa pô chê mất $200 về trồng, có trái rồi, vậy mà họ tới hồi nào không hay, bứng hết trơn nguyên gốc đi luôn,” bà kể thêm.
Ông Triết Hồ cũng cho hay: “Mất trái cây giờ phổ biến rồi. Tôi ngạc nhiên là họ ăn cắp luôn cả những chậu bông, họ thấy chậu nào đẹp mắt là khiêng đi luôn. Hồi đó giờ đâu có, từ ngày có mấy người thất nghiệp, vô gia cư thì sinh tật tùm lum. Nguyên khu này Việt Nam nhiều lắm. Nhà nào có thanh long là họ vô. Nhà nào có rào thì ít khi bị ăn trộm trái cây mà chuyển sang trộm chậu bông. Thiệt không biết nói làm sao nữa.”
Bà Mai Tuyết Hằng kể lại câu chuyện người khách đến mua cây tâm sự với bà một cách khó chịu: “Người vợ có bầu lấy ghế đứng hái trái cây của ông khách, khi ông khách phát hiện thì người chồng xăn tay áo, chửi bới lại và còn thách thức gọi cảnh sát đến bắt. Thế nhưng, trước khi cảnh sát tới thì vợ chồng họ lảng đi mất tiêu.”
Cảnh sát viên Phương Phạm, thuộc Sở Cảnh Sát Westminster, nói: “Thường thì trong khoảng thời gian trước Tết, có nhiều người than phiền họ bị mất cây kiểng như hoa mai, hoa đào. Về nạn trái cây trong vườn bị mất cắp, thỉnh thoảng cũng có người gọi cảnh sát. Đây không phải là tội hình sự nên chưa phải là chuyện quá to tát nên thường thì chúng tôi để tùy ý chủ nhà.”
“Nếu chủ nhà nhận diện được người hái trộm và không muốn truy tố thì chúng tôi thả ra. Còn nếu chủ nhà muốn truy tố thì chúng tôi sẽ chuyển người này qua bên tòa án. Theo luật, tội này có thể bị bỏ tù tới một năm. Điều này còn tùy theo người trộm có tiền án hay không, có đang trong thời gian thử thách vì đã phạm tội khác không. Tuy nhiên trên thực tế, chúng tôi chỉ thấy người hái trộm trái cây bị giam từ một hai ngày tới một tuần là nhiều,” ông nói thêm.
Còn cảnh sát viên Tom Dare ở Garden Grove nói: “Chúng tôi không thấy nhiều người than phiền về vấn đề này. Có một trường hợp, người nhà thu được hình ảnh một người đang hái trái cây ở sân trước nhiều lần nhưng chúng tôi không thể nhận diện được người trộm này là ai cả nên không làm được gì.”
“Theo luật pháp, người hái trộm trái cây có thể bị tù ở tới một năm nhưng bản thân tôi chưa hề thấy ai bị nặng như vậy. Phần lớn là tùy theo gia chủ có muốn truy tố người hái trộm rái cây hay không. Thường thì không ai muốn làm đơn rồi lại tốn công sức và thời gian ra tòa làm chứng nữa. Khi có người gọi cho chúng tôi về chuyện này, dù đang thiếu cảnh sát, chúng tôi vẫn đến tận nơi lập biên bản. Tuy nhiên, chúng tôi không thể gởi nhân viên điều tra tìm manh mối để lùng bắt kẻ trộm. Chúng tôi đang thiếu người,” ông cho hay.