Ô này, đã được đánh dấu sẵn, báo hiệu người ủng hộ đồng ý để ban tranh cử của ông Trump tự động tiếp tục lấy tiền hàng tháng hoặc lấy gấp đôi số tiền từ trong tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của họ.
Chiêu “uncheck” moi tiền người ủng hộ tranh cử
Bài báo “Trump ‘giăng bẫy’ moi tiền ngoài ý muốn ‘fan cứng’ ra sao” (How Trump Steered Supporters Into Unwitting Donations) của NYT kể câu chuyện ông Stacy Blatt, 63 tuổi, một bệnh nhân ung thư đang nằm chờ chết tại nhà (hospice) bị ban tranh cử của cựu tổng thống moi tiền mà ông không hề hay biết.
Chỉ chưa đầy một tháng sau, ông Blatt mới ngỡ ngàng nhận ra việc ủng hộ khẩu hiệu chính trị “America First” của mình kết thúc trong cảnh tài khoản ngân hàng bị “lủng” và “đóng băng.”
Hồi Tháng Chín, 2020, sau khi nghe nhà truyền thông cực hữu Rush Limbaugh kêu gào quyên góp cho ban tranh cử của ông Trump đang lúc rất cần tài trợ, ông Blatt, cư dân Kansas City, ngay lập tức lên mạng đóng $500, trong khi ông chỉ có mức thu nhập dưới $1,000/tháng.
Ông LImbaugh, mới qua đời hôm 17 Tháng Hai, từng được ông Trump trao tặng huy chương Medal of Freedom hồi Tháng Hai, 2020.
Một ngày sau, tài khoản ngân hàng của ông Blatt bị rút $500, rồi tuần kế tiếp lại thêm $500 nữa, và cứ như thế mỗi tuần, cho tới khi tài khoản ngân hàng của ông hoàn toàn trống rỗng.
Ông Blatt chỉ biết sự tình kiệt quệ khi chủ nhà và các công ty điện, nước đòi tiền, lúc đó, ông phải kêu cứu thân nhân.
Người em trai, ông Russell Blatt, khám phá ra rằng chỉ trong vòng 30 ngày, ban tranh cử của ông Donald Trump rút $3,000 từ tài khoản của người anh trai bị ung thư, đang chờ chết.
Thế là hai anh em gọi cho ngân hàng báo cáo ông Stacy là nạn nhân của một vụ lừa đảo.
“Tôi cảm giác đây là một âm mưu lừa đảo,” ông Russell Blatt nói với tờ NYT.
Cạn tiền, ban tranh cử Trump dùng chiêu “Money Bomb”
Những đồng tiền mà ông Stacy Blatt bị “moi” thực chất là nằm trong chiến thuật tăng quỹ tranh cử của ban vận động của ông Trump và công ty WinRed, trước tình cảnh phía ông Trump cạn tiền trong lúc bị phía ông Joe Biden qua mặt về phương diện tài chính.
WinRed là công ty phụ trách gom tiền qua mạng cho ban vận động của ông Trump.
Do đó, ban vận động tái tranh cử của cựu tổng thống cài đặt việc “tự động” tái đóng góp định kỳ cho đến khi cuộc bầu cử chấm dứt.
Người ủng hộ ông Trump trở thành nạn nhân trong việc đóng góp tiền ngoài ý muốn nếu không đọc kỹ dòng chữ in “nhỏ xíu” đó để mà “uncheck.”
Không “uncheck” có nghĩa là đồng ý cho phép ban vận động tranh cử của ông Trump tiếp tục rút tiền.
Chuyện moi tiền càng leo thang khi đến gần ngày bầu cử, và ban vận động của ông Trump càng thêm “ma mãnh.”
Đó là, họ cho thêm chữ “gấp đôi” vào trước ô được đánh dấu sẵn, khi đồng ý cho tiền.
Trong nội bộ, ban vận động của ông Trump dùng thuật ngữ “bom tiền” (money bomb) để ám chỉ “chiêu thức” này, theo ghi nhận của NYT.
“Một băng cướp!” ông Victor Amelino, cư dân 78 tuổi ở California, nói một cách phẫn uất về ban tranh cử cựu Tổng Thống Donald Trump.
Ông Amelino cho biết, lần đầu tiên, hồi Tháng Chín, 2020, ông ủng hộ $990 trên mạng qua công ty WinRed, sau đó, tài khoản của ông liên tục bị rút tiền lên đến gần $8,000.
“Tôi đã về hưu. Làm sao tôi có đủ tiền để chi trả các chi phí đó?” ông Amelino đặt câu hỏi không có lời giải đáp.
Bằng “chiêu thức” tiếp thị trên, quỹ vận động tranh cử của ông Trump tăng nhanh vào Tháng Chín và Tháng Mười, 2020, sau khi bị “hao hụt” bất ngờ dù đã gây quỹ vượt quá $1 tỷ trong thời gian trước đó.
Chuyện “hao hụt” này lại là một nghi vấn lớn về hoạt động của ban vận động tranh cử của ông Trump và người con rể Jared Kushner, cũng là cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc.
Hơn một nửa số tiền tranh cử $1.2 tỷ của Trump đi đâu?
Hồi giữa Tháng Mười Hai, 2020, tạp chí Business Insider cho biết ông Jared Kushner bị tình nghi tạo ra công ty bình phong để bí mật dùng tiền quỹ tranh cử trả cho thành viên gia đình nhà vợ.
Theo Business Insider, ông Kushner bị tố cáo chuẩn thuận tạo một công ty bình phong trả khoảng một nửa trong tổng số $1.26 tỷ trong quỹ tranh cử của ông Trump.
Một người có liên quan tố cáo ông Kushner sắp xếp và chỉ đạo đưa ông John Pence, ông Sean Dollman, và bà Lara Trump làm thành viên hội đồng quản trị hai công ty bình phong, có tên là America Made Media Consultants Corp. và American Made Media Consultans LLC (viết tắt AMMC).
Ông John Pence là con trai Dân Biểu Greg Pence (Cộng Hòa-Indiana) và gọi cựu Phó Tổng Thống Mike Pence là chú ruột.
Ông Sean Dollman là trưởng ban tài chánh ban tranh cử của Tổng Thống Trump lúc đó.
Bà Lara Trump là con dâu và cố vấn ban tranh cử của ông Trump.
Việc tạo ra công ty bình phong là nhằm mục đích che giấu chi tiết tài chánh và chi phí hoạt động trước pháp luật, đặc biệt khi ban tranh cử của Tổng Thống Trump đã trả một số tiền khổng lồ $617 triệu cho hai công ty trên trong các chi phí tái tranh cử từ Tháng Giêng, 2019, đến Tháng Mười Một, 2020, theo Business Insider.
Hai công ty bình phong trên được thành lập từ Tháng Tư, 2018, và hoạt động như một ban tranh cử nằm trong một chiến dịch tranh cử, nhằm chi tiền ra cho các cố vấn hàng đầu và thành viên gia đình tổng thống.
Qua việc chi trả cho các công ty bình phong, ban tranh cử của ông Trump không cần phải tuân thủ chi tiết về tài chánh theo luật định.
Theo những nguồn tin nội bộ cho biết, các thành viên lãnh đạo ban tranh cử cũng không biết hết hoạt động của hai công ty này và ban điều hành chiến dịch tranh cử phải tổ chức một cuộc kiểm toán nội bộ, nhưng kết quả cuộc kiểm toán không được công khai.
Tiếp tục xài chiêu “uncheck” kiếm tài trợ kiện “gian lận bầu cử”
Không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3 Tháng Mười Một, 2020, ông Donald Trump hô hoán “gian lận bầu cử” một cách vô căn cứ và thành lập nhóm pháp lý theo đuổi các vụ kiện nhằm lật ngược kết quả.
Ban vận động tranh cử của ông tiếp tục chơi trò “uncheck” để moi tiền người ủng hộ trong khẩu hiệu mới, ủng hộ quỹ pháp lý “chống gian lận bầu cử.”
Trang mạng của ban tranh cử ông Trump kích động cử tri với dòng chữ “FRAUD like you’ve never seen!” (‘Gian Lận’ chưa từng thấy bao giờ!) kêu gọi cử tri góp tiền để “bảo đảm cho chúng tôi có đủ nguồn tài chánh nhằm bảo vệ kết quả bầu cử và tiếp tục chiến đấu sau ngày bầu cử.”
Người ủng hộ “quỹ pháp lý chống gian lận bầu cử” của ông Trump sẽ bị “moi tiền” liên tục nếu trong lần đầu tiên ký tiền ủng hộ mà không xóa đi dấu (uncheck) trên ô đồng ý.
Nếu không làm như vậy, có nghĩa là – những ai cả tin vào lời hô hào “gian lận bầu cử” của ông Trump – cho phép ban vận động tranh cử của cựu tổng thống tiếp tục định kỳ rút tiền từ thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng.
Chiêu “uncheck:” Gian trên thương trường, vô luân nơi chính trường
Đa số những ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump đều tưởng rằng số tiền đóng góp cho quỹ tranh cử hay gây quỹ pháp lý “chống gian lận bầu cử” chỉ là “một lần rút ra” từ túi tiền của họ, tất cả đều không ngờ đến việc mình bị “moi tiền” liên tục vì rớt vào chiêu “uncheck” ma mãnh.
“Trò ma mãnh ‘uncheck’ này là điều cấm kỵ trong sách giáo khoa về kinh tế/thương mại, tất cả các thầy đều dạy rằng không được làm,” ông Harry Brignull, một chuyên gia kinh nghiệm về kỹ thuật tiếp thị Internet ở London, Anh, nói với NYT.
Chiêu thức đánh dấu vào ô đồng ý tiếp tục mua dài hạn sản phẩm nào đó và cho phép các công ty rút tiền là ngón nghề tiếp thị “cổ điển” trên thương trường, nhưng để một vị tổng thống áp dụng nhằm lấy tiền tranh cử là “một điều bất công, vô luân lý, và không thể nào chấp nhận được,” bà Ira Rheingold, tổng giám đốc National Association of Consumer Advocates, nói với tờ báo. (MPL) [đ.d.]