Sự kiên nhẫn của lãnh tụ Trung Cộng đã gặt được một thành quả tốt trong quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tổng Thống Donald Trump đang có thái độ hòa hoãn hơn đối với Bắc Kinh.
Đầu tháng Giêng, sau khi nhậm chức tổng thống, ông Trump đã có một cuộc điện đàm với Tổng Thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Cuộc điện đàm đó được xem là một hành động phá bỏ “truyền thống bang giao” đã có trong gần bốn thập niên giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh. Đồng thời cùng với các viên chức sắp được bổ nhiệm khác, ông Trump cũng đã bày tỏ thái độ chống lại chính sách “Một Trung Hoa.”
Nay, chỉ sau thời gian chưa đầy một tháng, ông Trump đã xoay chiều và thay đổi quan điểm 180 độ. Vào đêm thứ Năm vừa qua, trong một cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ Tịch Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump đã bày tỏa thái độ hòa hoãn hơn, khác với những tuyên bố cứng rắn trước đây đối với Trung Cộng. Đáp ứng với yêu cầu của ông Bình, ông Trump đã đồng ý là sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Hoa.”
Theo thông cáo báo chí từ Tòa Bạch Ốc thì Tổng Thống Trump đã đồng ý với chính sách một nước Trung Hoa sau khi Tập Cận Bình tuyên bố đây là chính sách nền tảng cho quan hệ của hai nước và yêu cầu ông Trump phải tôn trọng.
Chính sách “Một Trung Hoa” bắt đầu được thiết lập từ năm 1979 theo cam kết giữa lãnh tụ Mao Trạch Đông và Tổng Thống Richard Nixon và trong suốt gần 40 năm qua chưa có một tổng thống Hoa Kỳ nào – Dân Chủ hay Cộng Hòa dám tuyên bố không tôn trọng chính sách này.
Ông Trump xúc tiến việc cải thiện quan hệ, sau khi chọc giận Bắc Kinh bằng cách nói chuyện với tổng thống Đài Loan. Trong tháng 12, ông Trump từng làm cho Bắc Kinh bực bội về đảo quốc tự trị này. Ông nói rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải bám vào chính sách, theo đó Hoa Thịnh Đốn phải thừa nhận lập trường của Trung Cộng xem Đài Loan là một phần của “Một Trung Hoa.”
Hai bên báo hiệu rằng một khi vấn đề “Một Trung Hoa” được giải quyết, họ có thể có thêm những mối quan hệ bình thường.
Hai ông Bình và Trump đã từng không nói chuyện qua điện thoại từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng.
Một văn bản của Tòa Bạch Ốc nói rằng ông Trump và ông Bình đã nói chuyện khá lâu qua điện thoại vào đêm thứ Năm theo giờ Hoa Thịnh Đốn. Thời điểm đó cũng là buổi trưa ở Bắc Kinh.
Cuộc trò chuyện diễn ra cách mấy giờ trước khi ông Trump đón tiếp Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tòa Bạch Ốc, và sau đó tại khu nhà nghỉ của ông ở Palm Beach.
Tòa Bạch Ốc cho biết, “Theo lời đề nghị của Chủ Tịch Tập Cận Bình, Tổng Thống Trump đồng ý tôn trọng chính sách Một Trung Hoa của chúng ta.”
Sự việc này đánh dấu việc quay trở lại với một chính sách truyền thống của Hoa Kỳ, sau khi ông Trump nói với báo The Wall Street Journal trong tháng qua rằng chính sách “Một Trung Hoa” cần được đưa ra thương lượng.
Văn bản của Tòa Bạch Ốc nói, “Các đại diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tham gia các cuộc thảo luận và thương lượng, về những vấn đề khác nhau của sự quan tâm hỗ tương.”
Đây là một bước quan trọng, và mở đường cho việc hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia vào một loạt vấn đề.
Chính sách “Một Trung Hoa” được áp dụng từ năm 1979, đòi hỏi Hoa Thịnh Đốn chỉ duy trì những mối quan hệ phi chính thức với Đài Loan. Trung Quốc nói rằng hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của họ.
Trung Quốc coi bất kỳ một gợi ý nào, về việc Mỹ chính thức công nhận hòn đảo này, là điều tối kỵ cho việc Trung Quốc hồi sinh trở thành một cường quốc Á Châu.
Trước đó ông Trump gửi một bức thư cho ông Tập, chúc một mùa Tết Nguyên Đán an khang, được giới truyền thông Trung Quốc hoan nghênh rộng rãi.
Phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, một cơ quan truyền thông của nhà nước, trong một bài bình luận trên trang nhất, nói rằng bức thư chúc Tết của ông Trump là một khe hở để giúp giải tỏa áp lực. Tờ báo viết, “Có một câu ngạn ngữ ở Trung Quốc, nói rằng thức ăn ngon xứng đáng được chờ đợi.”
Tờ China Daily cũng bày tỏ một phản ứng tích cực. Nhật báo này nói rằng bức thư chúc Tết mang đến một thông điệp khiến cho người ta yên tâm rằng những mối quan hệ song phương vẫn đang đi đúng hướng, bất chấp việc suy đoán rằng Tổng Thống Trump và nhóm của ông có thể từ bỏ chính sách Một Trung Hoa.
Tổng thống Mỹ đã làm cho Trung Quốc bực tức trong tháng 12 năm ngoái, bằng cách tham gia một cuộc nói chuyện qua điện thoại từ Tổng Thống Đài Loan Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn), và dẫn đến việc Trung Quốc gửi kháng thư ngoại giao.
Một số người hỏi tại sao ông Trump phải mất quá lâu để gọi điện thoại cho ông Bình, sau khi ông đã nói chuyện với hơn một chục nhà lãnh đạo thế giới.
Hành động này diễn ra vào một thời điểm bất trắc trong quan hệ Mỹ-Trung.
Ông Trump từng tố cáo Bắc Kinh gian lận trong thương mại, Ông chỉ trích Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ông nói rằng nước này đang làm quá ít để gây áp lực trên Bắc Hàn, về chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của họ.
Ông đã tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ của họ, để giữ cho hàng hóa xuất cảng được rẻ tiền. Ông đe dọa đánh một loại thuế 45 phần trăm trên hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc, có khả năng gây ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Làm nổi bật những điều không chắc chắn ấy, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, khi Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ báo cáo về một chiếc máy bay KJ-200 cảnh báo sớm của Trung Quốc, và một chiếc phi cơ tuần tra của hải quân Mỹ, đã có một cuộc gặp gỡ “không an toàn”, trên Biển Đông trong tuần này.
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc không bình luận. Nhưng Bắc Kinh thường xuyên than phiền về những chuyến thám thính của quân đội Mỹ ở gần Trung Quốc.
Trong một văn bản được đọc trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc trân trọng việc ông Trump duy trì chính sách “Một Trung Quốc”.
Văn bản ấy trích dẫn lời ông Tập nói, “Tôi tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc là những đối tác hợp tác, và thông qua những nỗ lực chung, chúng ta có thể đẩy những mối quan hệ song phương lên một mức cao mới có tính cách lịch sử.”
Tòa Bạch Ốc mô tả các cuộc điện đàm ấy là “hết sức thân mật”. Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ những lời chúc tốt đẹp gửi cho dân chúng của họ.
Văn bản nói, “Hai vị đưa ra những lời mời đến gặp nhau ở mỗi nước. Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Tập mong muốn có thêm những cuộc nói chuyện với kết quả rất thành công.”