Steve Bannon tại Tòa Bạch Ốc trong tháng Hai. (Getty Images)
Sau một tuần có những tin tức nói rằng ông Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của Tổng Thống Donald Trump, đã có xung khắc với anh Jared Kushner, con rể tổng thống và cũng là cố vấn cao cấp của ông Trump, và với các đồng minh của Kushner, tổng thống thấy như vậy là quá đủ.
Sự ganh đua giữa phe quốc gia chủ nghĩa của Bannon, và những người thuộc cánh trung lập của Kushner, đã trở thành một mối gây phân tâm, làm cho người ta không chú ý tới các cuộc gặp gỡ ngoại giao của ông Trump và cuộc tấn công vào Syria.
Báo Washington Post viết tin rằng ông Trump đã ra lệnh cho Bannon và Kushner phải ngồi xuống nói chuyện với nhau để tìm giải pháp, và họ đã làm như thế. Trong một cuộc họp tại Mar-a-Lago, sau khi Chủ Tịch Tập Cận Bình rời khỏi đó, hai ông Bannon và Kushner đã đồng ý chấm dứt xung đột, tiến tới phía trước với công việc của họ trong Tòa Bạch Ốc.
Tuy nhiên, cách mấy ngày sau đó, theo kiểu bất ngờ mà Trump vẫn thường làm, tổng thống đã lại đổ xăng vào chính đám cháy mà ông từng tìm cách dập tắt. Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Post hôm thứ Ba, ông Trump đã đẩy Bannon ra xa hơn một chút, và ngay lập tức gây thắc mắc về tương lai của chiến lược gia của Trump tại Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump nói, “Tôi thích Steve, nhưng quý vị phải nhớ rằng ông ấy không tham gia vào cuộc vận động tranh cử cho đến khi rất trễ. Tôi đã đánh bại mọi nghị sĩ và mọi thống đốc, và tôi không biết Steve. Tôi là chiến lược gia của chính tôi, và không phải như thể là tôi sẽ thay đổi các chiến lược vì tôi gặp phải Hillary xảo trá.”
Cuối cùng ông nói, “Steve là một người tốt. Nhưng tôi đã bảo họ tự giải quyết với nhau đi, nếu không thì tôi sẽ giải quyết.”
Những tin đồn về việc chấm dứt nhiệm vụ của ông Bannon, trong nhóm thân tín của ông Trump, đã lan truyền từ tuần qua, khi ông bị loại ra khỏi Hội Đồng Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Nhưng những lời ông Trump nói hôm thứ Ba đã như lời viết lên sự loại trừ đó bằng máu. Đây là một bước chuyển hướng bất ngờ cho Bannon. Ông này từng được giao phó một số trách nhiệm quan trọng nhất trong những ngày đầu của ông Trump. Trong số đó, có việc viết bài diễn văn nhậm chức của Trump, soạn thảo sắc lệnh tổng thống cấm những người Hồi Giáo, và xúc tiến việc thực hiện lời hứa chính yếu trong cuộc vận động tranh cử là sẽ bãi bỏ và thay thế Obamacare.
Thế nhưng những việc Bannon làm đã thất bại, từ lệnh chống người Hồi đến Obamacare. Điều này vi phạm một nguyên tắc trọng yếu đối với ông Trump. Ông luôn tự xem mình là người thành công trên thương trường, và từng cam kết với các cử tri rằng chính phủ của ông sẽ giành được nhiều chiến thắng đến nỗi họ đâm ra chán.
Bannon còn phạm thêm hai lỗi nữa. Thứ nhất là lường gạt gia đình ông Trump, khi bị nghi ngờ là tiết lộ một số tin tức và nói xấu về anh con rể Kushner. Lỗi kế tiếp, và lỗi này rất nặng đối với một người rất tự kiêu như Trump, và đó nhận công cho những thành quả của Trump.
Vì đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ấn tượng quốc gia chủ nghĩa cho cuộc vận động tranh cử của Trump, và trong chính quyền mới của Trump, ông Bannon được báo chí cho là nhân vật giật dây tổng thống, kẻ đứng đằng sau nhân vật bù nhìn Trump và kéo nhân vật này về hướng quốc gia chủ nghĩa – ngay trong mùa hè năm ngoái, chính Bannon cũng từng khoe là ông có thể dùng Trump như một “vật dụng bù nhìn” để thực hiện những chính sách theo tư tưởng khuynh hữu mới.
Sau tuần đầu tiên của chính phủ Trump, tuần báo Time đã đưa hình Bannon lên trang bìa và gọi ông ta là “Kẻ Điều Khiển Vĩ Đại” (The Great Manipulator), và trong bài viết đã mô tả Bannon là “nhân vật có thế lực hàng thứ nhì trên thế giới.”
Trong chương trình hài Saturday Night Live, các diễn viên còn cho Bannon là nhân vật Tử Thần cầm dây điều khiển ông Trump, trong khi Trump ngồi ở một cái bàn nhỏ xíu với các món đồ chơi.
Những màn hài của S.N.L. chắc chắn đã gây nóng giận cho Trump, theo báo The Washington Post cho biết, và trang bìa của báo Time cũng làm cho ông bất an, theo trang tin Axios. Lời phát biểu của Trump trên báo New York Post ngày thứ Ba vừa qua cho thấy Trump muốn nhấn mạnh rằng ông đã thành công khá lâu trước khi Bannon gia nhập vào tháng Tám. Sự cần thiết phải nói lên như vậy cho thấy Trump rất bực mình khi bị xem là “bù nhìn” của Bannon.
Trong nhóm thân cận của ông Trump, Bannon không là người duy nhất gặp phải một điều mà truyền thông Mỹ nói là điềm xui của West Wing, tức là nơi có các văn phòng làm việc tại Tòa Bạch Ốc. Bà Kellyanne Conway cũng đã bị số phận “vắt chanh bỏ vỏ” từ mấy tuần trước.
Cho đến tháng qua, bà Conway là khuôn mặt rạng ngời của chính phủ. Bà đã xuất hiện trên nhiều chương trình buổi sáng và nhiều cuộc tọa đàm buổi tối, những tiết mục ăn khách vào ban ngày và những chương trình Chủ Nhật, đến nỗi S.N.L. nhạo lại việc bà bận rộn đến nỗi chạy đến trước máy camera của CNN, trên người còn choàng một tấm khăn tắm, với những cây chốt phòng tắm còn bám vào vai. Và báo New York đã đưa bà lên trang bìa trong tháng qua, gọi bà là “Đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ của Trump.” Bà cũng gây bực tức cho Ivanka Trump, đệ nhất ái nữ của tổng thống, khi bà quảng cáo cho dòng sản phẩm quần áo được đặt tên của Ivanka trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News. Sự chú ý tới Conway và vai trò của bà trong việc tổng thống đạt thành công đã trở nên quá nóng bỏng. Độ rày bà hiếm khi xuất hiện trên truyền hình. “Chính quyền” mới tại Tòa Bạch Ốc của Kushner đã thu tóm hai lãnh vực mà bà Conway từng cho là của riêng bà.
Người thứ ba có thể trở thành nạn nhân kế tiếp của điềm xui chính là Kushner. Trong tuần qua, khi anh ta đi Iraq và đảm nhận nhiều nhiệm vụ từ việc thành lập đội đặc nhiệm American Innovation (Canh Tân Hoa Kỳ), giải quyết hòa bình Trung Đông, liên lạc với các nhà lãnh đạo ngoại quốc, thì giới truyền thông gọi anh là “Tổng Thống Kushner.” Các phụ đề của đài CNN gọi ông là “Bộ Trưởng Của Mọi Thứ.”
Nhưng Kushner là người trong gia đình, và theo những điều người ta nghe được, là không thể đụng chạm được. Anh đã xuất hiện trên một trang bìa của tạp chí Forbes có đăng câu “Người này đã giúp cho ông Trump đắc cử.” Một tờ báo tại New York gọi anh là “Tổng Thống Con Rể.” Anh này không chỉ vượt qua được sự ngờ vực của Trump, mà còn vươn lên cao hơn trong hàng ngũ của tổng thống.
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Trump có giới hạn, đặc biệt nếu Kushner tự nhận hoặc được ghi nhận công lao tạo ra bất kỳ thắng lợi nào về chính sách phát xuất từ văn phòng của ông. Trump đề cao lòng trung thành với gia đình hơn hầu hết mọi thứ, trừ chiến thắng. Đó là lý do tại sao một người 36 tuổi, không có kinh nghiệm chính trị, và một bản lý lịch được điền vào bằng chỉ một thập niên làm việc cho công ty địa ốc của cha ông, lại trở thành một trong những người có quyền lực nhất trong thế giới Tây Phương. Ông Trump hiếm khi tin cậy vào ai nhiều cho bằng mức ông tin cậy vào gia đình ông, để hoàn thành công việc. Nhưng cuối cùng thì ai cũng phải tuân phục Trump. Vào đó là bài học mà Kushner đã biết từ lâu.