Các nước châu Âu như Thụy Điển hay Thụy Sĩ quá xa Triều Tiên trong khi chuyên cơ của ông Kim Jong Un được cho là chỉ có thể hoạt động ổn định trong khoảng cách 5.000 km.
Mông Cổ và Singapore nằm trong danh sách cuối cùng để lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp được toàn thế giới trông đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, theo báo JoongAng Ilbo.
“Các nước châu Âu như Thụy Sĩ và Thụy Điển vẫn được đề cập nhưng đã bị loại trừ vì gây khó khăn cho việc di chuyển của nhà lãnh đạo Triều Tiên”, tờ báo Hàn Quốc dẫn nguồn thạo tin cho hay. “Mỹ và Triều Tiên đang tiến hành đàm phán lần cuối để lựa chọn giữa Singapore và Mông Cổ”.
Quyết định có thể đạt được trong tuần này, nguồn tin cho biết, nhưng theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, việc thông báo chính thức về địa điểm tổ chức có thể được lùi lại cho đến khi các chi tiết khác bao gồm thời gian và chương trình nghị sự được thống nhất.
Ông Trump và ông Kim dự kiến gặp nhau vào tháng 5 hoặc tháng 6 trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và người đứng đầu chính quyền ở Bình Nhưỡng.
Chuyên cơ Chammae-1 của ông Kim Jong Un. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Theo nguồn tin, ông Kim Jong Un có thể gặp khó khăn trong việc bay thẳng đến các nước châu Âu bằng chuyên cơ Chammae-1, một máy bay do Liên Xô chế tạo. Dù máy bay có thể dừng nghỉ giữa hành trình, Bình Nhưỡng được cho là không mong muốn điều này.
Chiếc máy bay có từ thập niên 1970 Chammae-1 chỉ có thể bay ổn định trong khoảng cách 5.000 km, theo JoongAng Ilbo. Stockholm, thủ đô Thụy Điển, cách Bình Nhưỡng khoảng 7.200 km, còn Zurich, thành phố lớn của Thụy Sĩ, cách khoảng 8.500 km.
Singapore hay Mông Cổ?
Nguồn tin trên cũng cho hay Triều Tiên vẫn muốn tổ chức hội nghị ở Bình Nhưỡng nhưng vì Mỹ không muốn như vậy, họ đã cân nhắc chọn Mông Cổ, với với Triều Tiên, đây là “một đất nước thân thiện”.
Nằm kẹp giữa Trung Quốc và Nga, Mông Cổ từng tổ chức các cuộc đàm phán “kênh 1.5” với sự tham gia của các quan chức Triều Tiên đương nhiệm và học giả từ các nước phương Tây. Đây là địa điểm đặc biệt được yêu thích của Triều Tiên vì ông Kim có thể đi bằng tàu lửa chống đạn của mình.
Dù có quan hệ thân thiện với Mông Cổ, Mỹ viện dẫn cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện ở thủ đô Ulan Bator và đang nhắm đến Singapore.
“Chính phủ Mỹ đã loại trừ các quốc gia có lợi ích cá nhân khỏi danh sách, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, và sau đó tìm đến các nước Đông Nam Á cùng lúc đáp ứng được nhiều điều kiện khác nhau, đó là lý do Singapore được chọn”, nguồn tin trên nói.
Theo đó, Singapore đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn của Washington về cơ sở hạ tầng và an ninh, cũng như mong muốn của ông Trump về một địa điểm hấp dẫn cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên.
Singapore được xem xét lựa chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ảnh: Straits Times |
“Vì Tổng thống Trump mong muốn để lại dấu ấn lịch sử của mình thông qua cuộc gặp, ông muốn một đất nước có thể thu hút sự chú ý của toàn bộ thế giới”, một nguồn tin khác thân cận với Nhà Trắng cho biết. “Dựa trên các tiêu chí đó, Mông Cổ có thể là lựa chọn không thỏa mãn ông Trump”.
Singapore cũng là một quốc gia tương đối trung lập, có sứ quán ở cả Triều Tiên lẫn Mỹ. Một chuyến bay từ Bình Nhưỡng đến Singapore mất khoảng 6 giờ 30 phút, và khoảng cách là 4.700 km, trong tầm bay của chuyên cơ Chammae-1.
Ông Kim Jong Un trên con tàu bọc thép đến Trung Quốc hồi tháng 3. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Chính quyền Trump rất coi trọng việc lựa chọn địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử này. Các địa điểm ở Hàn Quốc như làng đình chiến Bàn Môn Điếm, thủ đô Seoul và đảo Jeju bị loại vì chúng đã được quảng bá thông qua hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều vào ngày 27/4. Ngoài ra, theo một nguồn tin khác, ông Trump dường như cũng không muốn giao vai trò lãnh đạo trong vấn đề Triều Tiên cho Hàn Quốc.
Trước đó, Nhà Trắng cho hay họ đang cân nhắc 5 địa điểm để tổ chức cuộc gặp Mỹ – Triều, song không nói cụ thể. Điều này làm giới quan sát không ngừng đồn đoán về nơi sẽ được lựa chọn cho sự kiện lịch sử.
Mỹ và Triều Tiên cũng tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao bí mật trong thời gian qua, bao gồm chuyến đi Bình Nhưỡng của ông Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là người đang được xem xét cho chức vụ ngoại trưởng.
Trong một diễn biến bất ngờ hồi cuối tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ chấm dứt các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, đóng cửa một bãi thử ở miền Bắc nước này. Ông Trump sau đó lập tức hoan nghênh quyết định này trên Twitter.