Tối 8/1, trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, Trung Quốc đang uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay tại vùng bay Hồ Chí Minh.
Ông Lại Xuân Thanh cho hay, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thông báo tới Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO về việc liên tiếp có máy bay uy hiếp an toàn bay vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ngày 1-8/1 Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh
“Các máy bay của Trung Quốc đã bỏ qua tất cả quy định, quy tắc của tổ chức dân dụng quốc tế ICAO liên quan đến hoạt động bay. Bay vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý nhưng không hề nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định, vùng thông báo bay Hồ Chí Minh có những đường bay nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, các tàu bay Trung Quốc đã không thực hiện bất kỳ quy tắc quốc tế nào liên quan tới hoạt động bay.
FIR Hồ Chí Minh (màu xanh) tiếp giáp với FIR Sanya của Trung Quốc và FIR của Singapore. Nguồn: Cục hàng không Việt Nam. |
Theo ông Thanh, ICAO có những quy định cụ thể, khi máy bay trong vùng trời có kiểm soát, bay vào đường hàng không phải gửi thông báo bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của Việt Nam. Khi thực hiện chuyến bay, phải có liên lạc thoại với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để được nhận những thông tin liên quan đến dịch vụ không lưu.
“Những chuyến bay này đã uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong khu vực. Sự lo ngại này là của cả cộng đồng hàng không quốc tế chứ không chỉ riêng Việt Nam”, ông Lại Xuân Thanh nói và cho biết, hiện ICAO chưa phản hồi về công văn của Cục Hàng không Việt Nam.
Đồ họa tàu bay của Trung Quốc đi vào FIR Hồ Chí Minh. Ảnh: VTV. |
Cục hàng không Việt Nam sẽ tiếp theo dõi sát sao vụ việc và sẽ làm việc tới Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, các hãng hàng không và Hiệp hội hàng không của Singapore, Philippines để thông báo về thực trạng các máy bay Trung Quốc đang uy hiếp an toàn tại vùng bay Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Thanh, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi tới nhà chức trách hàng không Trung Quốc để phản đối về việc nước này đang uy hiếp an toàn các hoạt động hàng không quốc tế.
Ngày 7/1, một hôm sau khi Trung Quốc tiếp tục cho 2 máy bay đáp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối.
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói.