Một tờ báo Trung Quốc cảnh báo “sự can thiệp” của Australia vào Biển Đông, có thể khiến Trung Quốc “thực hiện các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế Australia”, tờ SMH (Úc) đăng tin hôm 1/1.
Ông Trương Dã (Zhang Ye), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã viết trên Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo ‘diều hâu’ của Trung Quốc, rằng việc Australia ‘xu nịnh Mỹ’ sẽ “gây độc hại cho các mối quan hệ với Trung Quốc, và làm lung lay nền tảng của sự cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Trương cho biết: “Australia đã thay đổi chính sách của mình một cách đáng kể, những hành động liều lĩnh của họ làm tổn hại không những đến các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà còn đến các lợi ích lâu dài của Australia”.
Những bình luận hiếu chiến này của ông Trương được đưa ra hai tuần sau khi Tư lệnh Hải quân Trung Quốc chính thức khiển trách Tư lệnh Hải quân Australia Tim Barrett, về chính sách của Australia đối với các tuyến đường thủy, nơi mà Trung Quốc và năm nước khác có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn. Việc khiển trách này một phần là nhằm phản ứng trước việc các tàu hải quân Australia tham gia tập trận đa quốc gia ở Biển Đông vào tháng 9/2017.
Đầu tháng 12/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Australia tại Trung Quốc Jan Adams, để chính thức bác bỏ những phát hiện rằng Trung Quốc can thiệp vào hệ thống chính trị của Australia, khiến chính phủ của Thủ tướng Turnbull phải đưa ra các luật mới, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài.
Vào tháng 11/2017, Trung Quốc đả kích gay gắt Australia về Sách trắng Chính sách đối ngoại, nói rằng những lời nhận xét về Biển Đông là “vô trách nhiệm”.
Chỉ trích sự ủng hộ của Australia đối với hoạt động tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ gần các hòn đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trong vùng biển đang tranh chấp, ông Trương đe dọa: “một khi các quan hệ Trung -Mỹ căng thẳng, Australia sẽ phải lựa chọn giữa hai nước và rơi vào một hoàn cảnh tuyệt vọng chiến lược khó lường hơn”.
Ông Trương cho rằng những ‘lời khiêu khích’ của Australia về Biển Đông, “đã làm tăng gánh nặng chiến lược của Canberra, mở rộng khoảng cách giữa năng lực giới hạn của họ và mục tiêu trở thành một cường quốc theo đường lối trung dung”. Ông Trương cũng cho rằng: “Australia đã giữ mục tiêu này trong một thời gian dài, và mong muốn có vị thế trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên do dân số nhỏ và sức mạnh hạn chế, Canberra đã không nổi bật trong địa chính trị toàn cầu”.
Theo ông Trương, Australia cần nhận thức được “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, không được để vấn đề Biển Đông làm tổn hại đến mối quan hệ song phương hoặc trở thành “công cụ cho các lực lượng nước ngoài làm suy yếu sự ổn định khu vực”.
Tuy nhiên, giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia của trường Đại học NSW, cho rằng bài viết [của ông Trương] là một sự tăng cường của lối nói khoa trương của Trung Quốc chống lại Australia, nhắm mục tiêu vào các đối tượng trong nước Australia, đặc biệt là những người tán đồng quan điểm ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc, chứ không phải chống lại nó.
Theo giáo sư Thayer, quan điểm của ông Trương rằng Trung Quốc nên trừng phạt kinh tế đối với Australia vì lập trường đối với Biển Đông, là “đặc biệt đáng lo ngại”.
Giáo sư Thayeer cho rằng giọng điệu của bài viết, theo một đường lối nhất quán với tờ Hoàn Cầu, nhằm chỉ trích, hạ thấp và đe dọa Australia, một phần là do những lời chỉ trích của Canberra về sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trường Australia.
Giáo sư Thayer nhận định tờ Hoàn Cầu đang “đóng vai trò của một ‘con chó giữ nhà Rottweiler’, đe dọa bất cứ quốc gia nào có quan điểm trái ngược với đường lối tuyên truyền hiện nay của Trung Quốc”.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy rằng Trung Quốc đang bận rộn xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Biển Đông trong năm 2017, trong khi Mỹ và các đồng minh chủ chốt của mình bị rối bời bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Công việc xây dựng trên các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp vẫn tiếp tục mặc dù Bắc Kinh báo hiệu sự sẵn sàng theo đuổi các cuộc đàm phán bị kéo dài về “bộ quy tắc ứng xử” với các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Sách trắng Chính sách Đối ngoại của Australia trong 14 năm qua đã chỉ ra cách mà Trung Quốc gây “căng thẳng” ở Biển Đông. Giáo sư Thayler cho biết: “Australia đặc biệt quan tâm đến tiến trình và quy mô chưa từng có trước đây của các hoạt động của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) đã chỉ trích ngay ngắt sau khi Australia phát hành Sách trắng, nói rằng “Australia không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông”.
Quan điểm công khai của Australia là không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Australia kêu gọi một giải pháp hòa bình và sử dụng các kênh ngoại giao và các diễn đàn để gây áp lực lên Trung Quốc, nhằm chấm dứt việc xây dựng quân đội của họ trên vùng biển tranh chấp.
Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, với hơn một nửa lượng xuất khẩu than, quặng sắt và LNG của Australia là vận chuyển qua vùng biển này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như đối với toàn bộ Biển Đông trong khi cũng có những tuyên bố chồng chéo của Philippines, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Phạm Duy