Trung Quốc – châu Âu có thể liên thủ chống TPP

Sau khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán đầu tuần này, giới phân tích bắt đầu tính đến khả năng những người thiệt hại chính từ thỏa thuận – Trung Quốc và châu Âu – có thể hình thành lực lượng trả đũa.

“Câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc và châu Âu nên làm gì khi đứng trước một khối kinh tế khổng lồ như TPP?”, Alicia Garcia Herrero – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis cho biết trong một báo cáo tuần này, “Trung Quốc và châu Âu cuối cùng có thể nhìn sang nhau và tìm ra vài điểm chung trước đây họ không để ý”.

Trên thực tế, tin tức TPP được ký hôm thứ Hai có thể khiến cả hai thế lực kinh tế này cảm thấy bị coi thường. Nếu bất kỳ ai còn nghi ngờ Trung Quốc bị bỏ ngoài TPP có phải do cố ý hay không, họ có thể nhớ đến quan điểm của ông Obama hồi đầu tuần: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ngoài biên giới nước Mỹ, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc soạn ra luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.

Thực ra thì, Bắc Kinh ban đầu cũng được mời vào TPP. Nhưng giới chức nước này chưa sẵn sàng tuân theo các chuẩn mực kinh tế ngặt nghèo. Đây chính là yếu tố khiến Trung Quốc khó có thể gia nhập TPP trong tương lai gần, CNBC nhận xét.

trung-quoc-chau-au-co-the-lien-thu-chong-tpp

Xe tải đang bốc dỡ hàng tại cảng Thanh Đảo (Trung Quốc). Ảnh: Fox

“Đối mặt với các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á sẽ không muốn bị trói tay vì các yếu tố phi thương mại đặt ra trong TPP đâu. Những nước này muốn duy trì ổn định chính trị và vĩ mô, trong khi vẫn phải thực hiện tái cân bằng cấu trúc kinh tế trong nước sau các biến động trên thị trường thế giới”, các nhà kinh tế học tại BBVA nhận xét, khi nói về những chính sách như bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Châu Âu không có khả năng tham gia TPP, do họ đang đàm phán với Washington một hiệp định thương mại lớn khác – Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Một lý do khác là rất nhiều tiêu chuẩn đàm phán của TPP không được các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.

Giới phân tích nhận định có rất nhiều lĩnh vực châu Âu và Trung Quốc có thể hợp tác. Đầu tiên là các cuộc đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương dự kiến kết thúc cuối năm 2016. “Vì Trung Quốc và Mỹ có vẻ đã mất đọng lực để có hiệp định đầu tư song phương (FTA) (khi chuyện này không được đề cập trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình tới Mỹ), châu Âu có thể trở thành đối tượng triển vọng trong đàm phán với Trung Quốc”, Herrero nhận xét.

“Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm về FTA song phương với EU khi ông Tập tới đây tháng 3/2014. Nhưng khi đó, EU cho rằng đây là mục tiêu dài hạn hơn là cái gì đó có thể đàm phán trong tương lai gần”, Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS nhận xét.

Trên thực tế, cả hai đều sẽ có lợi thế đáng kể từ FTA. Tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa năm 2014 đã đạt 467 tỷ euro, biến Trung Quốc thành đối tác thương mại quan trọng nhất của EU, sau Mỹ.

Một lĩnh vực có thể hợp tác khác là tham vọng dự án cơ sở hạ tầng hồi sinh Con đường tơ lụa mà Trung Quốc muốn tìm vốn từ châu Âu. Tín hiệu trong vài tuần gần đây cũng cho thấy 2 thế lực kinh tế này đang tiến gần nhau hơn, Natixis nhận xét.

Cuối tháng 9, Trung Quốc thông báo sẽ trở thành quốc gia ngoài EU đầu tiên đóng góp vào Kế hoạch Đầu tư trị giá 315 tỷ euro của Ủy ban châu Âu (EC). Trong khi đó, EU cũng tuyên bố sẽ nghiên cứu khả năng Trung Quốc trở thành thành viên Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD).

Trả lời trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình tối qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc – Gao Hucheng cũng thừa nhận khả năng TPP ảnh hưởng tiêu cực khi khi khiến thương mại và đầu tư chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết Bắc Kinh sẽ đánh giá toàn diện tiềm năng của TPP một khi các thỏa thuận chính thức đạt được.

“Mỹ và các nước TPP vẫn thường xuyên cho biết thỏa thuận này không nhắm vào Trung Quốc và không nhằm mục đích cản trở hay loại bỏ Trung Quốc”, Reuters trích lời ông Gao cho biết. Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các khối kinh tế khác trong khu vực, như RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực). RCEP gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Hà Thu

Leave a Reply