Trung Quốc sắp phóng 10 vệ tinh giám sát toàn bộ Biển Đông

Trung Quốc có kế hoạch phóng 10 vệ tinh trong ba năm tới để tăng cường giám sát và kiểm soát Biển Đông 24/24.



Sau khi hoàn thành, mạng lưới vệ tinh có thể giám sát Biển Đông liên tục 24 giờ trong ngày và phân tích từng vật thể trong vùng biển một cách chi tiết, bao gồm cả cấu trúc của các con tàu, tờ Hainan Daily trích dẫn lời của ông Li Xiaoming thuộc Viện Viễn thám Sanya.

Theo Hãng Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc phóng các vệ tinh vào năm 2021 để có thể do thám từ xa toàn bộ các tuyến đường thủy trên Biển Đông. Trong số các vệ tinh được phóng, có 3 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu phổ và 2 vệ tinh SAR.

Ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết các yếu tố kỹ thuật và khí hậu khác nhau đã ngăn cản hệ thống vệ tinh hiện tại của Trung Quốc không thể phủ sóng toàn bộ vùng biển, theo SCMP.

“Kế hoạch viễn thám vệ tinh mới … chỉ là một khía cạnh của những nỗ lực tổng thể mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm nâng cao khả năng nhận biết ở Biển Đông”, ông Koh nói.

Kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Kinh được đưa ra vào thứ Sáu (15/12) sau khi một cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng phi pháp các cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Sáng kiến Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà chứa máy bay, kho chứa ngầm, hầm tránh tên lửa, hệ thống radar và các cơ sở hạ tầng khác ở Biển Đông.

Tháng 7 năm ngoái, tòa án quốc tế tại La Hay đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết này được đưa ra sau đơn kiện của Philippines, nhưng chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã phớt lờ chiến thắng này để tìm kiếm mối quan hệ thân mật hơn với Trung Quốc.

Ông Greg Poling, giám đốc của AMTI, nói rằng Trung Quốc đang tận dụng Tổng thống Philippines trong vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ đang bận tâm về mối đe doạ hạt nhân của Triều Tiên và tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

“[Việc xây dựng của Trung Quốc] đã bị loại khỏi các trang nhất [của giới báo chí], nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn rằng Trung Quốc đang giảm bớt việc theo đuổi mục tiêu của mình. Họ đang tiếp tục hoạt động xây dựng mà họ muốn”, ông Poling nói.

Theo SCMP, Bắc Kinh cũng đã làm dịu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng việc đồng ý tham gia các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh đang khai thác sự bình lặng tương đối này để âm thầm củng cố sự kiểm soát của họ đối với vùng biển.

“Bắc Kinh cũng phải thừa nhận rằng tình hình ôn hòa hiện nay – so với những căng thẳng gia tăng hồi năm ngoái – có thể chỉ là tạm thời, vì vậy họ sẽ chi tiền để tiếp tục củng cố sự kiểm soát vật lý đối với khu vực”, ông Koh nói.

Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán chính sách mềm yếu của cựu Tổng thống Barack Obama trong vấn đề Biển Đông. Cụ thể, ông Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Mai Lan

Leave a Reply