Nếu khán giả Việt từng “choáng” trước giàn giám khảo ‘Khủng” nhà hoành tráng, siêu xe…. của các chương trình trong nước, thì khi nhìn ra nước ngoài, chắc hẳn sẽ còn “ngả mũ” bởi độ chịu chi của nhiều nhà sản xuất trong việc câu khán giả.
Chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc – American Idol
Liên tục đứng ngôi đầu bảng trong danh sách những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát hàng đầu nước Mỹ, tuy nhiên, để không rơi vào tình trạng khiến khán giả “phát ngán” khi đã bước qua tuổi thứ 12 vào đầu năm sau, cũng như tránh bị các “đàn em” mới nổi như The Voice, X-Factor vượt mặt American Idol vẫn đổ hàng đống tiền để đầu tư cho những “chiêu trò” mới.
Địa điểm thử giọng của Idol được dựng hoành tráng tại tàu sân bay USS Midway. |
Trong những mùa đầu tiên, địa điểm thử giọng đều được dựng khá đơn giản trong sảnh của các khách sạn hoặc sân vận động. Tuy nhiên, trong 2-3 mùa gần đây, nhà sản xuất đã quyết định đầu tư để chuyển toàn bộ sân khấu này để đặt tại những nơi có địa thế đẹp và hoành tráng hơn. Trong mùa 11 diễn ra vào đầu năm nay, địa điểm của vòng thử giọng tại San Diego được tổ chức trên tàu sân bay USS Midway. Khi đến San Fansisco, vị trí ngồi ban giám khảo cũng phải được đặt sao cho khi máy quay lia đến, phải thấy trọn cảnh địa danh nổi tiếng là Cầu Cổng Vàng ở phía sau.
Tại mùa 9, các thí sinh đến thử giọng tại Boston không chỉ thích thú khi được dịp mặt đối mặt với vị giám khảo khách mời Victoria Beckham, mà trước mặt họ còn là cả một khung cảnh thành phố nhìn từ trên cao, bởi địa điểm tổ chức là trên tầng cao nhất của một khách sạn thuộc hàng sang trọng hàng đầu của thành phố này.
Không kể đến chi phí hàng triệu đô la để trả cho dàn giám khảo danh tiếng, chỉ tính đến việc đầu tư cho dàn phương tiện đưa đón những ngôi sao này cũng ngốn không ít tiền của nhà sản xuất, bởi không chỉ sử dụng những chiếc xe limo sang trọng, giám khảo của American Idol còn đến địa điểm thi bằng… máy bay trực thăng.
Căn hộ triệu đô của các thí sinh. |
Bắt đầu từ 3 mùa gần đây nhất, dàn thì sinh bước vào vòng chung kết của chương trình cũng được đối đãi như các ông hoàng bà chúa khi vào ở trong “ngôi nhà chung” có giá trị… hàng chục triệu đô la Mỹ.
Năm 2011, top 13 đã không thể tin vào mắt mình khi được thông báo sẽ dọn đến ở tại căn biệt thự rộng 15 ngàn mét vuông được xây dựng tại một trong những khu vực đắt đỏ nhất nước Mỹ là Bel Air, California. Năm 2012, top 9 cũng được vào ở tại một căn biệt thự đặt trên ngọn đồi Hollywood. Ngoài những phòng thiết yếu, biệt thự này còn được trang bị đầy đủ phòng tập gym, phòng nhảy, hồ bơi, dàn âm thanh DJs, và cả… thang máy.
Được tài trợ bởi nhãn hiệu xe Ford, các thí sinh của American Idol cũng nhận được nhiều quyền lợi đáng kể, trong đó phải kể đến việc họ được góp mặt trong các mẫu quảng cáo được thực hiện hằng tuần với chi phí không hề khiêm tốn. Top 2 cuối cùng cũng được hãng này tặng riêng hẳn một chiếc xe hơi đời mới nhất. Tất nhiên, điều giá trị nhất là họ nhận được là những hợp đồng ghi âm trị giá hàng triệu đô la và trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả.
Năm ngoái, nhà thiết kế danh tiếng Tommy Hilfiger cũng được mời tham gia với tư cách là giám đốc giám sát hình ảnh của các thí sinh. Sân khấu cũng được mở rộng và đầu tư hệ thống ánh sáng, hiệu ứng thêm nhiều lần. Việc bỏ ra 15 triệu đô để mời diva Mariah Carey vào ngồi trên chiếc ghế nóng năm nay cũng được xem là cách đầu tư có phần mạo hiểm của chương trình.
Lần đầu đến với nước Mỹ, X-Factor cũng đã được hứa hẹn là một trong những chương trình truyền hình đắt giá nhất từng được thực hiện, khi mỗi tập được ước đoán có giá 3,5 triệu đô la, theo lời của nhà sản xuất Simon Cowell.
Chương trình truyền hình mạo hiểm, phiêu lưu – The Amazing Race
Giành liên tiếp 8 giải Emmy danh giá cho “Chương trình truyền hình thực tế xuất sắc” là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì mà chương trình này đã làm được.
20 mùa đã được thực hiện, cũng đồng nghĩa với cả ê-kíp đã đi qua hàng chục quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Và ở mỗi nơi, số tiền đầu tư để thực hiện cho mỗi cảnh quay có lẽ không thể đếm được một sớm một chiều, vì chỉ kể đến chi phí để các đội chơi di chuyển cũng lên đến con số hàng triệu đô la. Từ những thử thách về lòng mạo hiểm, tính kiên nhẫn, sự dẻo dai đến những thách đố tưởng chừng vô hại như nhảy múa, ăn uống cũng ngốn hàng đống tiền của nhà sản xuất. Ví dụ, ở mùa 5, khi đến Argentina, ban tổ chức đã phải sử dụng đến 11.000 viên chocolate và nhiệm vụ của các đội chơi là phải cắn từng viên chocolate này để tìm ra 1 trong 20 viên được giấu kỹ.
Thực hiện Amazing Race không hề dễ. |
Khâu sản xuất của The Amazing Race bản thân nó là một thử thách thực sự cho nhà làm chương trình do những khó khăn mà đoàn đua gặp phải trong hành trình vòng quanh thế giới. Trong nhiều thử thách, máy bay trực thăng là phương tiện được huy động để có được những cảnh quay từ trên cao đẹp nhất.
Ngoài những nhiệm vụ khó khăn mà nhà sản xuất gặp phải thì việc lựa chọn các địa điểm, thiết kế các thử thách, lựa chọn đội thi và chuẩn bị hậu cần cho toàn cuộc đua là những việc làm tiên quyết trước khi cuộc đua bắt đầu. Hầu hết, địa điểm được chọn để tổ chức các chặng đua hoặc điểm dừng cũng được đặt tại những địa điểm nổi tiếng và quan trọng nhất ở mỗi nước. Ví dụ, như khi đến Việt Nam, điểm dừng được đặt trong khuôn viên của Dinh Độc Lập (TP.HCM), và ai cũng biết để có thể quay hình tại đây không phải là chuyện dễ dàng.
Trong quá trình đua, mỗi nhóm gồm 2 quay phim sẽ được phân công theo sát từng đội thi và người dẫn chương trình. Như vậy, chỉ riêng điều này đã ngốn hết của chương trình trên 20 máy quay khác nhau. Chưa kể, phần thưởng cho đội chiến thắng ở mỗi chặng cũng có thể khiến bất cứ ai cũng phải ghen tỵ. Tất nhiên,The Amazing Race sau nhiều mùa đã không còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà tài trợ và hãng du lịch cùng bắt tay thực hiện để giảm bớt chi phí sản xuất, nhưng nếu tính đến tổng số tiền mà họ bỏ ra, sự giúp đỡ này cũng không đáng là bao.
Tháng 9 năm nay, khi mùa 21 lên sóng, 10 đội chơi sẽ tiếp tục chuyến hành trình dài 250 ngàn dặm, trải dài qua 9 quốc gia để giành giải thưởng lớn… 2 triệu đô la (hơn 24 tỷ đồng). Đây cũng là số tiền thưởng kỷ lục cho người chiến thắng của một chương trình truyền hình thực tế.
Chương trình tìm kiếm tài năng ẩm thực – The Masterchef
Nếu so với 2 dạng truyền hình thực tế nói trên, chương trình tìm kiếm tài năng ẩm thực như Masterchef dĩ nhiên không thể so sánh về mức độ hoành tráng. Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng có những “chiêu trò” của riêng mình để thu hút người xem.
So với mùa đầu tiên được phát sóng vào năm 2010, Masterchef của Mỹ 2 năm gần đây đã có những thay đổi nhất định trong việc đầu tư vào các thử thách, từ việc xây dựng chủ đề, sử dụng nguyên liệu đắt tiền cho đến việc mời những đầu bếp lừng danh đến để tham gia đánh giá các thí sinh.
Mùa 2 của Masterchef phiên bản Mỹ, các thí sinh được đưa ra thử thách phải nấu một món ăn với loại nấm truffle cực kỳ quý hiếm, có giá lên đến 500 USD cho một mẫu nhỏ. Ở mùa 3, quân đội Mỹ cũng đã được mời đến để trở thành khách mời cho thử thách đồng đội… Tương tự, hàng trăm cowboy, tài xế xe tải cũng từng được trở thành giám khảo cho các phần thi này.
Thủ tước Úc đến làm khách mời lại Junior Masterchef 2. |
Masterchef của Úc cũng không hề kém cạnh. Mùa thứ 2 diễn ra vài năm 2010, dàn các thí sinh xuất sắc cuối cùng được sang Anh để tiếp tục cuộc đua. Ở Junior Masterchef mùa 2 (phiên bản dành cho thiếu nhi), cả đoàn cũng được sang Disneyland của Mỹ để tranh tài. Thậm chí, thủ tướng Úc Julia Gillard cũng đã xuất hiện với tư cách khách mời trong cuộc thi.
Chưa kể, địa điểm quay hình cũng được thiết kế như một nhà hàng đẳng cấp với đầy đủ dàn bếp, phòng nguyên liệu, phòng gia vị, khu vực phục vụ khách… chắc chắn đã ngốn không ít tiền của đơn vị sản xuất.
Sự hoành tráng phải đi cùng với chất lượng
Vào thời điểm hiện tại, có lẽ không có chương trình truyền hình thực tế nào lại dửng dưng trước việc bỏ thêm tiền đầu tư cho con đẻ của mình. Với những cuộc đua đã có thâm niên, càng không có sự thờ ơ ở đây bởi xung quanh họ đang có quá nhiều đối thủ mới nổi lên. Và với những “lính mới”, việc đầu tư hoành tráng cũng là cách để họ thu hút thêm sự quan tâm của khán giả.
Tuy nhiên, xét cho cùng, điều người xem muốn có khi tìm đến những chương trình này vẫn là được chứng kiến những tài năng cùng nhau tranh tài. Rõ ràng, đâu ai muốn phải xem hàng loạt chiêu trò được đầu tư với con số khủng, khi các thí sinh không xứng đáng với những điều này. Còn nhớ ở Bachelorette – một chương trình của Mỹ được xây dựng theo ý tưởng các thí sinh nam cùng nhau làm nhiều cách để chinh phục cô gái duy nhất của cuộc thi, đã từng bị khán giả chỉ trích ầm ĩ là quá xa xỉ khi đầu tư đến 350.000 USD chỉ cho trang phục của người đẹp này.