3 tháng 2 lần nhắc tên Việt Nam
Trong một loạt bài vừa đăng trên mạng xã hội, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một lập luận mới cho rằng người tiêu dùng Mỹ có thể tránh thuế quan bằng cách mua hàng hóa không phải của Trung Quốc, từ các quốc gia không bị áp thuế, hoặc mua sản phẩm nội địa Mỹ.
Nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước như Việt Nam hoặc vài quốc gia châu Á khác. Đó là lý do tại sao Trung Quốc rất muốn tiến hành thỏa thuận.
Một lần nữa Việt Nam trở thành tiêu điểm của một vấn đề tâm điểm đang thu hút sự chú ý của gần như toàn bộ thế giới, nhất là giới tài chính, các thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp lớn nhỏ trên phạm vi toàn cầu.
Một câu nói không khác gì một lời PR, quảng cáo có giá trị cực lớn, từ người đứng đầu nền kinh tế số 1 thế giới – Tổng thổng Mỹ Donald Trump.
Tất nhiên, Việt Nam không phải trả phí cho câu nói đầy giá trị của ông Trump. Trong khi đó, ít nhất, cộng đồng doanh nghiệp thế giới, người tiêu dùng trên thế giới cũng biết đến Việt Nam là nơi có những loại hàng hóa đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ, biết được Việt Nam là nơi có thể tiếp nhận dòng vốn FDI, đón nhận được những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về lập cứ điểm sản xuất.
Chỉ chưa đầy 3 tháng trước đó, Việt Nam cũng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý toàn cầu với khoảng 3 ngàn nhà báo quốc tế chầu trực nhiều ngày đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội.
Hàng loạt doanh nghiệp Việt cũng đã ghi dấu những hợp đồng tỷ USD trong cuộc chơi lớn với Mỹ ngay bên lề cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều. Các hợp đồng không chỉ góp phần tăng kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà còn mang hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới đi ra thế giới.
Sau 24 năm kể từ ngày Việt Nam – Hoa Kỳ (11/7/1995 – 2019) bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ tăng hơn 100 lần lên hơn 50 tỷ USD. Mối quan hệ Mỹ – Việt đang ở một tầm cao mới, với trọng tâm là quan hệ kinh tế, từ những hợp đồng tỷ USD của DN hai bên chính là cơ sở cho sự phát triển quan hệ tốt đẹp hai nước.
Nhưng điều quan trọng hơn là: ở một sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới – cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa, Việt Nam được thế giới hiểu rõ hơn với những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, ở mức cao trong một thời gian dài và một xã hội được đánh giá là ổn định.
Landmark81 của ông Phạm Nhật Vượng. |
Mỗi sự xuất hiện của ông Trump hay của lãnh đạo Triều Tiên Kim kèm theo đó là hình ảnh của Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam như VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết,…
Cuộc chiến toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam
Một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là sẽ mang đến tác động tiêu cực cho chính Mỹ và Trung Quốc, kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế của thế giới và hầu hết các nước sẽ bị ảnh hưởng, do dòng vốn bị rút ra, sức cầu trên thế giới sụt giảm… Các nước lớn, nhỏ đều chịu tác động tiêu cực.
Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực chung trên thị trường tài chính thế giới. Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng, tỷ giá biến động mạnh, dòng vốn ngoại có thể bị rút ra,…
Tuy nhiên, so với các nước khác, Việt Nam vẫn được xem là một nước được hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc nếu tận dụng được cơ hội hút dòng vốn nước ngoài, dòng vốn tháo chạy ra khỏi Trung Quốc cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ…
Hồi đầu tháng 4, ADB dự báo kinh tế Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ và có thể tăng thêm 2% GDP nhờ cuộc chiến này. Xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 7,3% khi Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD (như đã thành hiện thực).
Trong một thông báo mới nhất, Mỹ đã công bố danh sách áp thuế 25% lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc cho dù ông Trump tuyên bố có thể sẽ gặp ông Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh khối G20 trong tháng 6. Danh sách này bao gồm từ quần áo, đồ chơi trẻ em cho tới điện thoại di động và máy tính xách tay…
Ông Donald Trump và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc . |
Nếu Mỹ áp thuế lên danh sách này, thì hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế trừng phạt và đây sẽ là cơ hội cho nhiều nước trên thế giới, trong đó một số nước được liệt kê vào nhóm hưởng lợi số 1 như Việt Nam, Brazil và Mexico, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp…
Những diễn biến mới nhất trên TTCK cũng cho thấy điều này. Chứng khoán Việt Nam đã có phiên tăng điểm khá mạnh hôm 13/5 và đang tiếp tục vươn lên vào đầu giờ chiều 14/5 bất chấp chứng khoán thế giới chao đảo, cổ phiếu Mỹ “đỏ lửa” với chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tụt giảm gần 620 điểm, S&P 500 cũng tụt giảm…
Gợi ý về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam giúp nhóm cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp như Kinh Bắc, SZL, LHG, VGC, D2D,… đều tăng mạnh. Trước đó, nhóm cổ phiếu dệt may,… cũng bứt phá khá mạnh với kỳ vọng giá cổ phiếu tăng bằng lần, nhất là trong bối cảnh nhiều DN Việt sẽ hưởng lợi với mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước thành viên CTPPP, hưởng lợi từ khu vực mậu dịch tự do ASEAN, các hiệp định song phương với Nhật, Hàn, Chile,… và tác động của hiệp định Việt Nam – EU (EVFTA) có thể sẽ được thông qua trong năm 2019.
Trước đó, một số tờ báo trong khu vực cũng cho rằng, những hàng rào thuế quan do ông Trump dựng lên không có lợi cho Mỹ, cũng chẳng có lợi cho Trung Quốc nhưng có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam. Các thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Brooks Running, Apple,… nhắm tới Việt Nam bởi bên cạnh lợi thế về các FTAs dày đặc, Việt Nam đang cung cấp lao động có giá và kỹ năng vô cùng cạnh tranh, trong khi sản xuất tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ.
Trước đó, HSBC đã xếp hạng Việt Nam nằm trong top các thị trường châu Á hưởng lợi lớn nhất từ nhiều kịch bản của chiến tranh thương mại. Xu hướng dịch chuyển dòng vốn, các cứ điểm sản xuất của các tập đoàn lớn đang bắt đầu và sẽ còn bùng nổ trong tương lai.
M. Hà