Theo The Hill, cả hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ đều đã tiêm vắc xin, giúp họ được bảo vệ đáng kể khỏi virus corona. Tuy vậy, một số biện pháp phòng ngừa bổ sung dự kiến sẽ được thực hiện khi họ rời Mỹ – nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Dữ liệu từ Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, hơn 63% số người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19 và hơn 50% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều.
Lawrence Gostin, giáo sư về luật sức khoẻ toàn cầu ở Đại học Georgetown nói: “Nước Mỹ, chúng tôi đã ở trong một quả bong bóng với chương trình tiêm chủng. Chúng tôi đã trở lại bình thường vì đang ở trong bong bóng đó. Chúng tôi không nhận ra phần còn lại của thế giới không ở trong bong bóng với chúng tôi”.
Các quốc gia mà Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm hiện bị tụt hậu trong việc sản xuất, phân phối và tiêm vắc xin. Sự tương phản đó có thể dẫn tới một số biện pháp phòng ngừa bổ sung về y tế cho Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ. Chuyến đi của ông Joe Biden và bà Harris sẽ trùng với thời điểm Mỹ bắt đầu tiến hành các nỗ lực lớn hơn nhằm cung cấp vắc xin cho phần còn lại của thế giới.
Cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đều tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai vào tháng 1. Việc tiêm phòng khiến họ được bảo vệ tốt hơn khỏi virus, đặc biệt là những trường hợp có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Hiện, Nhà Trắng không trả lời các câu hỏi về những biện pháp phòng ngừa sẽ được áp dụng cho chuyến đi châu Âu vào tuần tới của Tổng thống Joe Biden cũng như chuyến đi của Phó Tổng thống Harris tới Guatemala và Mexico.
Trong trường hợp của ông Biden, các nhà lãnh đạo trong nhóm G7 cũng như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, những người mà ông Biden sẽ gặp, đều đã tiêm vắc xin ngừa Covid 19.
Hoài Linh