Nhà Trắng bắt đầu chuẩn bị các phương án để thúc đẩy nền kinh tế và ngăn kịch bản suy thoái, bao gồm việc cắt giảm thuế lương bổng và đảo chiều một số mức thuế TT Trump áp đặt.
Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định nền kinh tế Mỹ “đang rất tốt”. Ông và các cố vấn của mình đã công khai bác bỏ mọi ý kiến về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Nhưng đằng sau đó, đội ngũ kinh tế của ông Trump đang gấp rút đưa ra các kế hoạch dự phòng trong trường hợp nền kinh tế suy yếu hơn nữa, theo New York Times.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc việc giảm thuế lương bổng, và tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bằng cách ngay lập tức bơm thêm tiền vào lương của người lao động.
Trong năm 2011 và 2012, chính quyền Tổng thống Obama đã cắt giảm thuế lương bổng như nỗ lực kích thích sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế kể từ cuộc đại suy thoái kết thúc vào năm 2009.
Các cuộc thảo luận về thuế lương bổng đã được báo cáo đầu tiên vào ngày 19/8, theo Washington Post. Việc cắt giảm thuế cần được Quốc hội Mỹ thông qua.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết nhiều biện pháp cắt giảm thuế đã đặt trên bàn, “nhưng cắt giảm thuế lương bổng không phải là điều được xem xét tại thời điểm này”. Trong khi quan chức cấp cao khác cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế này hoàn toàn không được xem xét nghiêm túc.
Cũng không chắc rằng ông Trump có thể đột ngột đảo chiều áp thuế quan mà ông đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, điều ông nói nhiều lần đang làm tổn hại Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, theo Washington Post.
Tuy nhiên, trên thực tế Nhà Trắng đang thảo luận về các biện pháp để kích thích nền kinh tế mà ông Trump hôm 19/8 gọi là “rất quyết liệt”.
Theo tổng thống Mỹ, điều này thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn trong chính quyền về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Washington đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử, nhưng các nhà kinh tế ngày càng cảnh báo rằng về một cuộc suy thoái đang “lờ mờ” xuất hiện.
Thị trường cổ phiếu đã khuấy đảo vào tuần trước sau khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu về một cuộc suy thoái lịch sử.
Ngành sản xuất đã rơi vào suy thoái trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, theo các nhà kinh tế.
Việc cắt giảm thuế lương bổng sẽ là một nỗ lực để kích thích hơn nữa sự chi tiêu của người tiêu dùng, vốn là động lực của nền kinh tế Mỹ trong năm nay khi các doanh nghiệp rút vốn đầu tư.