Tưởng niệm bà Hạnh Nhơn: ‘Cô hãy yên tâm ra đi, cô đã làm quá nhiều rồi’

Một vòng hoa tươi thắm dành cho bà Hạnh Nhơn, một người luôn tận tụy với thương phế binh VNCH. (Hình: Nhất Anh/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – “Chúng tôi đến đây để nghiêng mình trước sự ra đi của một người có thể nói là được quý mến nhất từ trước đến nay ở hải ngoại.”



Đó là lời phát biểu của Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Nam California kiêm tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong buổi tưởng niệm cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.

Đây cũng là tâm tình chung của tất cả những người có mặt tại lễ tưởng niệm người hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH.

Mở đầu chương trình, MC Nam Lộc nhắc lại tiểu sử của cựu Trung Tá Hạnh Nhơn, trong đó có chi tiết ít người biết đến, đó là thân phụ bà, quan đại thần trung quân đô thống Nguyễn Hữu Tiến, từng là phò mã dưới thời vua Khải Định, và thân mẫu bà là một thương gia.

Bà từng được trao tặng Huân Chương Bắc Đẩu Bội Tinh và Bách Hợp của Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam.

Trong không khí đầy niềm tiếc thương, MC Nam Lộc kể chuyện một lần ông nghe được cuộc đối thoại giữa một ký giả và bà Hạnh Nhơn lúc sinh thời.

“Khi người ký giả hỏi ‘Tại sao tất cả mọi người chúng tôi gặp đều nói cảm thấy may mắn, hạnh phúc và sung sướng được làm việc dưới sự lãnh đạo của chị?’ thì chị Hạnh Nhơn trả lời rằng ‘Phải nói ngược lại mới đúng. Tôi là người được anh em tin tưởng và cho đứng đầu hội. Nhưng đầu tàu không thể chạy được nếu không có một bộ máy hoàn hảo. Tôi phải cám ơn những thiện nguyện viên đó. Tôi phải cám ơn những người hội viên đã ngày đêm cùng với tôi xét từng hồ sơ để biết rằng đâu chính là những thương phế binh thực sự của quân lực VNCH, bởi vì nếu không, chúng ta sẽ phản bội những đồng tiền mồ hôi nước mắt của đồng hương đóng vào giúp đỡ cho thương phế binh.’”

Tính cách đó của người hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH đã lần lượt được đại diện của nhiều tổ chức, hội đoàn, đồng hương, khẳng định thêm qua những lời chia sẻ, tâm tình với sự ngưỡng mộ vô biên.

Tưởng niệm bà Hạnh Nhơn: 'Cô hãy yên tâm ra đi, cô đã làm quá nhiều rồi'
Các con đứng hai bên quan tài người mẹ thân thương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Cái bóng của chị quá lớn”

Ông Nguyễn Phán, phó hội trưởng nội vụ, một nơi được xem là ngôi nhà thân thương của bà Hạnh Nhơn, nói trong sự nghẹn ngào, “Dẫu biết sinh là ký, tử là quy, sống gửi thác về, chốn trần gian nào ai mong sống mãi, nhưng chị ơi, hơn 15,000 hồ sơ thương phế binh vẫn còn đó, hơn 3,000 hồ sơ quả phụ vẫn còn đây, sao chị nỡ bỏ đi. Ngồi bên cạnh những hồ sơ thương phế binh là nhớ chị. Hơn một tuần qua, nước mắt thương phế binh VNCH đã chảy xuống khắp cả miền Nam, từ Gio Linh, Cam Lộ, Đắc Nông, Đắc Tô, đến Bình Thuận, Bình Dương, U Minh, Rạch Giá… Nỗi tiếc thương vô hạn đến từ những thương phế binh, từ đồng hương đồng đội trên khắp các châu lục.”

“Cuộc đời chị là một sự tận hiến, là một ngôi sao Bắc Đẩu sáng rực. Người nào được chị trao lại quyền hội trưởng trong lúc này là một gánh nặng trên hai vai, vì cái bóng của chị quá lớn, hào quang của chị tỏa sáng khắp nơi,” ông nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN, phát biểu trong nước mắt, “Đối với cá nhân Trúc Hồ, cô Hạnh Nhơn là tiên giáng trần. Cô xuống thế gian này để giúp đời, giúp người. Trong 10 năm làm việc chung với cô, lúc nào để ý cũng thấy cô nở nụ cười.”

Ông kể, “Mỗi năm khi Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh được tổ chức, không có lúc nào mà không bị một số người cứ hết dùng Internet lại đến dùng email nói hội cô Hạnh Nhơn lấy tiền này lấy tiền nọ, cô cũng thanh thản bước tới nhẹ nhàng, cô không bao giờ bị những thế lực như vậy làm lo lắng. Điều cô lo lắng là làm sao những đồng tiền của tất cả những người Việt Nam trên toàn thế giới gửi về giúp cho hội được gửi đến từng thương phế binh VNCH.”

“Cô hãy yên tâm ra đi, cô làm quá nhiều rồi,” giọng tác giả “Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói” nghẹn lại.

Nhiều tiếng sụt sùi. Nhiều bàn tay đưa lên quẹt nước mắt.

Đại diện ban tổ chức các Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh ở miền Bắc California cũng cho rằng, “Cô Hạnh Nhơn ra đi là một sự mất mát lớn lao không những cho gia đình, gia quyến mà còn là cho tất cả đồng bào tị nạn khắp nơi trên thế giới. Sự ra đi của cô để lại một sự thương tiếc vô bờ đối với tất cả anh em thương phế binh và cô nhi quả phụ VNCh còn ở quê nhà.”

Cô Christine Quỳnh Nguyễn, cùng Nhóm Houston “Cám Ơn Anh,” từ Texas sang, cũng có mặt tại buổi lễ.

“Sự ra đi của cô để lại cho chúng con niềm thương tiếc sâu xa. Trong hai năm qua có dịp làm việc cùng cô, tấm gương mà cô để lại cho chúng con chắc có lẽ nói một giờ đồng hồ cũng không hết những gì cô đã làm cho thế hệ sau này. Tên của cô đã chứng tỏ cho nhân cách và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam,” cô Christine bày tỏ.

Trong lúc 36 tổ chức, hội đoàn lần lượt lên chia sẻ những tâm tình, những kỷ niệm mà họ từng có với cựu Trung Tá Hạnh Nhơn, thì bên ngoài phòng tang lễ, rất đông người chờ đợi để được viếng bà.

Tưởng niệm bà Hạnh Nhơn: 'Cô hãy yên tâm ra đi, cô đã làm quá nhiều rồi'
Nhạc sĩ Trúc Hồ (thứ hai từ trái) viếng người quá cố. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Ức, phó hội trưởng ngoại vụ, người có gần 10 năm làm việc cùng bà Hạnh Nhơn, nhận xét, “Trong thời gian phục vụ dưới sự lãnh đạo của chị Hạnh Nhơn, tôi cảm thấy chị chính là người có thể làm cho tất cả anh em đồng tâm làm việc, cho nên không khí làm việc trong hội lúc nào cũng vui vẻ. Mặc dù cũng có người lên tiếng nói này nọ, nhưng chị Hạnh Nhơn chỉ lấy niềm vui giúp cho anh em thương phế binh-quả phụ làm niềm vui, nên chị không bao giờ tỏ ra giận dữ oán trách ai hết.”

“Chị là người có thể mang đến sự đoàn kết trong tất cả anh em làm việc cho hội, vì vậy, hiệu quả làm việc của hội trong thời gian chị lãnh đạo là một hiệu quả tuyệt vời. Sự ra đi bất ngờ của chị làm cho anh em chúng tôi cảm thấy hụt hẫng, như thấy mất mát điều gì to tát lắm,” ông nói thêm.

Có mặt tại lễ tưởng niệm, Thiếu Tá Hồ Ngọc Sơn cho rằng, “Bà là một người từ tâm, đức độ, liêm khiết. Bà mất đi là một sự mất mát quá lớn mà tôi nghĩ rằng thật khó kiếm được một người như bà Trung Tá Hạnh Nhơn.”

Dược Sĩ Cao Xuân Thanh Ngọc phát biểu, “Với tôi, bà là vị cứu tinh của rất nhiều thương phế binh quân lực VNCH, bà giống như Mẹ Teresa của cộng đồng Việt Nam, nên sự ra đi của bà là một sự mất mát to lớn.”

“Nói đến sự mất mát của chị Hạnh Nhơn thì không phải là nói đến sự mất mát của cá nhân chúng tôi, mà là của toàn thể anh em thương phế binh VNCH còn lại ở quê nhà và của cộng đồng người Việt hải ngoại,” nhà văn Huy Phương nói trong xúc động. Dù sức khỏe còn đang rất yếu sau cơn bạo bệnh, ông vẫn đến dự lễ tưởng niệm của người mà ông xem như người chị thân thiết trong thời gian làm việc phục vụ tha nhân.

Hãnh diện khi có được người mẹ như bà

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt, rằng, “Được biết bà Hạnh Nhơn có 9 người con, trong thời chiến tranh, bà phải phục vụ trong quân ngũ. Sang đến Hoa Kỳ, bà lại tham gia suốt trong các hoạt động xã hội, chăm lo cho chương trình vì thương binh, quả phụ. Trong tâm tình của một người con, chị nghĩ gì về hình ảnh mẹ của mình?” chị Lý Nguyệt Thường, trưởng nữ của bà Hạnh Nhơn, nói: “Tụi mình rất hãnh diện về những công việc của mẹ làm. Có những lúc mẹ bị người ta nói những điều không đúng thì tụi mình rất muốn mẹ thôi đừng làm nữa, tại vì mẹ làm bất vụ lợi, xả thân mà làm tại nhà, không muốn tốn tiền của hội, tất cả đều từ gia đình mà ra, nhưng nhiều người nói những điều không hay, làm phiền lòng mẹ thì con cái không muốn mẹ làm, chỉ sợ bà buồn. Nhưng mẹ cứ nói không sao đâu, không sao, từ từ người ta sẽ hiểu thôi.”

Chị Nguyệt Thường kể tiếp, “Mẹ nói người ta nói oan khiên không cần biện bạch. Mình làm điều gì đúng thì người ta sẽ hiểu chứ mình không có mắc công chi mà giải thích. Mà người ta đã nói như vậy tức là người ta có lòng thương thương phế binh, chứ không phải người ta ghét chi mình. Người ta chỉ sợ mình làm không đúng thì tội cho thương phế binh, nhưng mình đã làm đúng thì mình không có ngại ngùng chi hết, từ từ rồi người ta sẽ hiểu.”

Tưởng niệm bà Hạnh Nhơn: 'Cô hãy yên tâm ra đi, cô đã làm quá nhiều rồi'
Đông đảo đồng hương đến dự lễ tưởng niệm cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Mẹ là một người mẹ rất hiền, chưa bao giờ la mắng con,” người con đầu của bà Hạnh Nhơn bật khóc khi nhớ lại kỷ niệm về mẹ. “Mỗi lần tụi mình hư hay làm gì không phải, mình đi ngủ, sáng thức dậy, thấy mẹ viết một cái thư để dưới gối, mẹ khuyên nhủ hay dạy dỗ mình bằng những lời thơ, bằng những sự chỉ bày, không bao giờ đánh đập, cũng chẳng bao giờ la hét, chưa bao giờ nói to tiếng với con cái hết, thành ra mình rất hãnh diện có một người mẹ như vậy.”

Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, người được coi là ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH, qua đời lúc 1 giờ 43 phút sáng Thứ Ba, 18 Tháng Tư, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 91 tuổi.

Sở dĩ bà Hạnh Nhơn được coi là “ân nhân của vô số thương phế binh và quả phụ VNCH” vì bà là hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, người đứng đầu các đại nhạc hội Cám Ơn Anh, gây quỹ giúp thương phế binh và quả phụ VNCH tại quê nhà.

Đại nhạc hội này nay đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Mỗi năm, hội giúp hàng chục ngàn cựu chiến binh VNCH bị mất một phần thân thể, cùng những phụ nữ có chồng hy sinh, trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của bà, cùng phối hợp với các tổ chức, trung tâm ca nhạc, và cơ quan truyền thông, đại nhạc hội Cám Ơn Anh nay được luân phiên tổ chức ở Nam và Bắc California, mỗi năm thu được cả trăm hoặc cả triệu đô la, do đồng bào hải ngoại đóng góp, gởi về Việt Nam giúp rất nhiều người.

Đại nhạc hội lần thứ 10 hồi năm ngoái thu được tổng cộng $1,279,000.

Theo nhiều tài liệu, bà Hạnh Nhơn nhập ngũ năm 1950 ngành hành chánh tài chánh, với công việc là phát lương cho “đệ nhị quân khu” sau gọi là Quân Đoàn I. Kế đến, bà là thiếu úy rồi trung úy sĩ quan tiếp liệu tại quân y viện Nguyễn Tri Phương. Sau đó bà được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện và Trường Nữ Quân Nhân và rồi lên lon đại úy làm việc tại văn phòng đoàn nữ quân nhân của Bộ Tổng Tham Mưu. Năm 1969, bà là thiếu tá trưởng phòng nghiên cứu. Sau đó, bà được chuyển qua Không Quân và lên trung tá năm 1972.

Sau Tháng Tư, 1975, bà bị Cộng Sản bắt đi tù nhiều nơi khác nhau, bao gồm Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Z30D, Hàm Tân, và Long Thành.

Sau khi ra tù, năm 1990, bà định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO2.

Leave a Reply