Năm 2016 vừa qua là năm nhiều tỷ phú xuất đầu lộ diện ở Việt Nam.
Truyền thông trong nước tường thuật rằng Việt Nam đã có nhiều nhân vật có tài sản với trị giá ít nhất $1 tỷ Mỹ kim.
Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu là những đại gia của sàn chứng khoán. Theo công bố của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) trong năm qua, Việt Nam đã lọt vào Top 5 thị trường chứng khoán Đông Nam Á tăng trưởng cao nhất. VNMedia trích lời chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt tới $7.7 tỷ Mỹ kim trong năm 2016, tương đương với 42% GDP.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến sàn chứng khoán Việt Nam có nhiều chuyển biến lớn trong năm 2016, và vì sao có những đại gia mới được ghi vào danh sách tỷ phú đô la.
Theo đánh giá của kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “số tỷ phú Việt Nam gần đây đã xuất hiện đông đảo hơn và tất cả họ đều liên quan đến bất động sản.”
Ông Doanh nguyên là viện trưởng viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương. Ông cho rằng trong số các tỷ phú mới, nhiều người giàu lên nhanh nhờ vào chứng khoán bằng những cách thức rất “khôn ngoan.”
Ông nói với đài VOA tại Hoa Kỳ, “Cách của họ là họ lập ra nhiều công ty sân sau của chứng khoán – nhiều công ty con. Các công ty đó lại phát hành chứng khoán rồi họ mua bán lẫn nhau – tức là công ty mẹ mua ở công ty con, công ty con mua ở công ty mẹ. Vì vậy số tài sản, số cổ phiếu mà họ sở hữu đã tăng lên một cách rất nhanh chóng và đó cũng là một mẹo để họ làm giàu nhanh.”
Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016, theo đánh giá của báo Pháp Luật, có bốn đại gia lần đầu tiên lọt vào nhóm tỷ phú. Một nửa trong số những người này là những doanh nhân kinh doanh bất động sản và số còn lại trong ngành thép, bán lẻ, thủy sản, xe hơi.
Nổi bật trong năm qua là sự thăng tiến của chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lên chiếm ngôi vị cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, đánh bật chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng ra khỏi vị trí này.
Tổng tài sản thính theo trị giá cổ phiếu của ông Quyết, theo truyền thông trong nước, ước tính lên tới $1.48 tỷ Mỹ kim. Với hàng loạt dự án bất động sản, tập đoàn FLC được xem là một trong số ít công ty kinh doanh địa ốc đình đám nhất trên thị trường này tại Việt Nam.
Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới khi có tổng tài sản trị giá $1.5 tỷ vào năm 2013.
Tiến sĩ Doanh nhận định rằng “những tỷ phú Việt Nam là những người khôn ngoan trong việc vun đắp các mối quan hệ với giới quyền lực để chia sẻ “địa tô”, tức chênh lệch giá đất, khai thác khoáng sản, đốn gỗ phá rừng.”
Ông Doanh nói, “Họ làm giàu bằng bất động sản, tức là họ ăn chênh lệnh giá đất. Rồi họ được thuê với giá đất tương đối thuận tiện. Rồi họ đầu tư bất động sản và họ ăn lãi. Điều đó có liên quan đến việc đất đai là sở hữu toàn dân mà toàn dân không phải là pháp nhân. Và nhà nước thực hiện quyền người sử dụng và vì vậy cho nên bộ máy nhà nước có thể thu hồi đất của nông dân với một giá rất thấp rồi dùng quyền của mình biến đất đó trở thành đất xây dựng và trao lại cho người là nhà đầu tư và nhà đầu tư đó chắc sẽ phải có một động thái gì đó (hối lộ chẳng hạn) để làm vừa lòng phía chính quyền.”
Một người kinh doanh bất động sản đã có “bước nhảy ngoạn mục” trong năm qua để lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu Tư Dịch Vụ Tài Chính Hoàng Huy, ông Đỗ Hữu Hạ. Theo báo Pháp Luật, tổng tài sản chứng khoán của ông Hạ lên tới $1.05 tỷ.
Mặc dù một số tỷ phú mới nổi của Việt Nam được đánh giá là có góp phần đẩy mức tăng trường của thị trường chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam, nhưng theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “những tỷ phú mới giàu lên rất nhanh nhưng không có đóng góp gì vào công nghệ, họ không có bằng sáng chế, phát minh”, và năng lực cạnh tranh quốc tế của họ “rất hạn chế.”
Ông Doanh cho rằng “họ là sản phẩm của thể chế hiện hành, của chủ nghia tư bản hoang dã, khác hẳn với Bill Gates hay Elon Musk.
“So họ với Bill Gates, so họ với Elon Musk, thì rõ ràng Bill Gates là người có bản quyền có sáng chế và phần mềm Microsoft là một đóng góp rất quan trọng cho tiến bộ của xã hội. Còn Elon Musk, với xe Tesla và với nhiều dự án khác như SolarCity của ông ta thì cũng có những đóng góp rất là quan trọng. Đấy là hai loại hình (giữa tỷ phú thế giới và tỷ phú Việt Nam) rất xa nhau và rất khác nhau.”
Sau hơn 30 năm đổi mới và sau 10 năm có thị trường chứng khoán, Việt Nam đã có được những nhà tỷ phú đầu tiên được thế giới công nhận. Theo đánh giá của tạp chí Forbes, Việt Nam quyết tâm trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á và theo Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất là $1,200 Mỹ Kim.
Nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lưu ý về mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam hiện rất cao và sẽ ngày càng tăng nếu không có những thay đổi liên quan tới “bất động sản và quyền sở hữu đất đai” và không kiểm soát được “chế độ tư bản thân hữu.” Khoảng chênh lệch giàu nghèo quá lớn, theo ông Doanh, “sẽ dẫn đến những diễn biến rất phức tạp.”