Cố vấn của Tổng thống Ukraine nói ông Zelensky và Tổng thống Nga sẽ gặp nhau khi “hiệp ước hòa bình” được ký kết, có thể trong những tuần tới.
“Ngay sau khi những công việc liên quan đến thỏa thuận hòa bình được hoàn tất, chúng tôi sẽ bắt đầu tổ chức cuộc gặp. Nó sẽ diễn ra trong những tuần tới. Tuy nhiên, địa điểm không quan trọng đối với chúng tôi, có thể ở bất cứ đâu, ngoại trừ Nga”, Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết hôm 17/3.
Theo quan chức này, việc hoàn tất thỏa thuận hòa bình có thể mất vài ngày đến một tuần rưỡi. Tuy nhiên, hiện cả Ukraine và Nga đều “kiên quyết duy trì quan điểm của mình”, Podolyak thừa nhận.
“Nga rút quân ngay lập tức là một trong những điểm chủ chốt của thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, đàm phán là quá trình quy mô lớn liên quan không chỉ Nga và Ukraine. Ba Lan và những nước khác cũng tham gia. Đó không chỉ là vấn đề ký kết. Chúng tôi muốn hình thành cơ chế cụ thể đảm bảo an ninh Ukraine trong tương lai”, Podolyak giải thích, đồng thời cho rằng ngay cả khi đạt được thỏa thuận cũng không đồng nghĩa chấm dứt xung đột.
Các phái đoàn của Moskva và Kiev đã tổ chức nhiều vòng đàm phán từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, song chưa mang lại kết quả rõ ràng nào, ngoại trừ việc hai bên nhất trí tổ chức hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi vùng chiến sự.
Tổng thống Zelensky từng nhiều lần đề nghị gặp trực tiếp ông Putin để đàm phán ở cấp cao nhất, cho rằng đây là giải pháp duy nhất để chấm dứt xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin hôm 11/3 để ngỏ khả năng Tổng thống Putin gặp người đồng cấp Zelensky, nhưng nhấn mạnh đó phải là sự kiện “gặt hái được kết quả”. Moskva cũng cho rằng hai bên cần tổ chức đối thoại ở cấp phái đoàn và bộ trưởng trước khi hai ổng thống trực tiếp đối thoại.
Tờ Financial Times hôm 15/3 đưa tin có “tiến bộ đáng kể” trong đàm phán khi hai bên đang thảo luận kế hoạch dự thảo 15 điểm, liên quan việc Nga rút quân và Ukraine trở thành quốc gia trung lập dưới sự bảo vệ của đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine sau đó đều bác bỏ thông tin về dự thảo thỏa thuận này.
Khi chiến dịch quân sự bước sang tuần thứ ba, Nga tiếp tục nỗ lực bao vây các thành phố lớn của Ukraine, đồng thời hai bên nhất trí mở các hành lang nhân đạo sơ tán dân thường. Liên Hợp Quốc cho biết hơn 3,2 triệu người đã phải rời bỏ Ukraine để tránh chiến sự.