Những ngày qua, hàng loạt bức ảnh được chỉnh sửa thông qua FaceApp xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội. FaceApp là phần mềm chỉnh sửa ảnh giúp chúng ta tạo ra những bức ảnh trông già hơn, trẻ hơn hay chuyển đổi giới tính.
Hình ảnh của chúng ta bây giờ và khi về già ngoài việc được chia sẻ với bạn bè, còn chia sẻ với FaceApp. FaceApp cho chúng ta sức mạnh thay đổi biểu cảm khuôn mặt, nhưng chúng ta cũng trao cho ứng dụng này quyền truy cập và sử dụng cho bất kì mục đích nào mà nó muốn.
Hơn 100 triệu người đã tải ứng dụng này từ Google Play. Theo App Annie, đây cũng là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store tại 121 quốc gia.
Khi chấp thuận điều khoản sử dụng, người dùng vẫn sở hữu bản quyền về khuôn mặt của mình, nhưng FaceApp được phép can thiệp miễn phí và vĩnh viễn hình ảnh khuôn mặt của bạn.
Điều khoản của FaceApp được ghi rõ như sau:
Khi đồng ý, bạn đã cấp cho FaceApp một giấy phép vĩnh viễn, không thể hủy ngang, không giới hạn, miễn phí bản quyền, hợp lệ trên toàn thế giới, giấy phép phụ có quyền chuyển nhượng, tái bản, sửa đổi, điều chỉnh, xuất bản, dịch, tạo các sản phẩm phái sinh, phân phối, đăng tải công khai nội dung người dùng của bạn cùng với bất kì thông tin tên tuổi, ảnh chân dung đi kèm dưới bất kì dạng thức hiển thị nào mà không phải bồi thường. Khi bạn chia sẻ nội dung người dùng thông qua ứng dụng của chúng tôi, bạn cần hiểu rằng nội dung đó cùng những thông tin liên quan như tên, ảnh chân dung, thông tin vị trí… được hiển thị công khai.
Chân dung người nổi tiếng sau khi được “già hóa” bởi FaceApp. Ảnh: Getty Images. |
Dữ liệu của bạn sẽ ở trên máy chủ Amazon ở Mỹ, còn quyền sử dụng dữ liệu lại được FaceApp toàn quyền quyết định. Mặc dù không hẳn tên và ảnh chân dung của bạn sẽ được gửi đến các cơ quan chính phủ của Nga, nhưng điều này vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, theo lời ông Peter Kostadinov từ website PhoneArena.
”Khuôn mặt của bạn có thể sẽ được xuất hiện đâu đó trên bảng quảng cáo ở Moscow. Bên cạnh đó, chúng cũng sẽ được dùng để huấn luyện các thuật toán nhận diện khuôn mặt của AI”, ông Peter Kosstadinov cho biết.
Việc có phiền lòng về vấn đề này hay không là quyền cá nhân của người dùng. Nhưng Forbes cũng nhắc rằng những bài học về bảo mật từ các ứng dụng như Facebook cho thấy dữ liệu thu thập được từ người dùng không phải lúc nào cũng được sử dụng cho mục đích mà chúng ta có thể lường trước.
Người Nhện Tom Holland khi về già, thông qua thuật toán của FaceApp. Ảnh: Getty Images. |
“FaceApp cũng được phép chạy nền, tức là ngay cả khi bạn không sử dụng nó, nó vẫn đang sử dụng bạn.”
-Rob La Gesse, cựu quản lý công ty điện toán đám mây Rackspace.
Bên cạnh đó, việc thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng của những ứng dụng này không phải lúc nào cũng bảo mật, an toàn và riêng tư.
Khi một thứ gì đó được lưu trữ trên các đám mây điện toán, người dùng đã mất quyền kiểm soát thứ đó dù có trao quyền cho bên thứ ba hay không. Đây là lý do vì sao Apple luôn nhạy cảm với các quyền riêng tư và đang thiết lập hầu hết trình xử lý AI ngay tại thiết bị.
Đây cũng là lý do chính đáng để cảnh giác hơn về việc trao quyền cho bất kì ứng dụng nào muốn truy cập và sử dụng danh tính/nội dung ảo của chúng ta.
Rob La Gesse, cựu quản lý công ty điện toán đám mây Rackspace, cho biết: “Để FaceApp có thể hoạt động, bạn phải cung cấp cho nó quyền truy cập vào toàn bộ kho ảnh. Bên cạnh đó, nó cũng được phép sử dụng trợ lý ảo Siri và công cụ tìm kiếm. Nó cũng được phép chạy nền, tức là ngay cả khi bạn không sử dụng nó, nó vẫn đang sử dụng bạn”.
Forbes cũng cho rằng không chỉ FaceApp, còn rất nhiều ứng dụng bất chính được cấp quyền vô tội vạ đang chạy trên điện thoại của chúng ta.