Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế đang phát triển rất mạnh trên thế giới. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng này cũng đang rất được quan tâm, và trong nhiều lĩnh vực, việc ứng dụng 4.0 đã có nhiều thành công. 4.0 không còn là câu chuyện của tương lai!
Cơ sở dữ liệu dùng chung, mọi lúc mọi nơi
Trước đây, ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu liên quan đến máy móc, còn thế hệ 4.0 đi sâu vào vấn đề dữ liệu và xử lý dữ liệu, tất nhiên nền tảng phần cứng phải song hành. Thế giới hiện đã dịch chuyển từ dữ liệu bằng giấy tờ sang dạng số hóa. Những dữ liệu số hóa ấy không chỉ nằm yên mà nó dễ dàng đồng nhất với tất cả các nơi.
Có thể thấy rõ vấn đề đầu tiên của 4.0 là cơ sở dữ liệu lớn (big data). Ngày xưa Nhà nước quản lý bằng chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu và rất nhiều loại giấy đăng ký, giấy phép khác. Những giấy tờ này có ảnh và các dữ liệu. Ví như khi kiểm tra an ninh tại sân bay, thì nhân viên an ninh quan sát khách, nhìn ảnh và các thông số, chi tiết khác trên giấy tờ… Nói chung là cảm tính và có thể có trường hợp không chính xác, nhất là khi ảnh đã cũ.
“Khi một người dịch chuyển thì CMND khác, giấy tờ “sổ đỏ” cũng khác, rất khó tra và thu thuế. Ví dụ, tôi có nhà ở Hà Nội, TP.HCM có thu thuế, nhưng nhà ở Thái Bình lại không thu thuế, vì còn ưu đãi chẳng hạn. Rồi khi di chuyển sang địa phương khác lại phải đăng ký tạm trú lại, và về nơi cư trú trước đó xin xác nhận… Tóm lại những dữ liệu tách rời, phân tán như vậy gây ra khó khăn cho cuộc sống người dân, cũng như công tác quản lý xã hội, gây ra lãng phí lớn”, ông Hà Anh Tuấn, Chủ tịch The Vuon cho biết.
Vậy “big data” giải quyết vấn đề gì? Việc cần làm là thống nhất cơ sở dữ liệu trên toàn quốc. Việc này Nhà nước đã và đang thay đổi, và đó chính là sự thay đổi theo hướng 4.0. Trong tương lai, CMND có thể được thay thế bằng thẻ điện tử, hoặc cao cấp hơn là sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face ID). Khi hệ thống camera được lắp đặt rộng khắp, người dân đi qua cửa kiểm soát an ninh, hay đến cơ quan công quyền giao dịch, không cần đưa thẻ CMND nữa. Khi đó khuôn mặt của người đó được camera ghi lại, xác nhận đúng mặt, hoặc dấu vân tay là hiện ra đủ dữ liệu rằng người này tên gì, sinh ngày tháng năm nào, sống ở đâu… An ninh sân bay chỉ theo dõi hệ thống soi chiếu vũ khí hay hàng cấm, bớt được nhiều phần việc cảm tính như hiện nay. Tương tự, việc làm các xác nhận nhân thân, giấy khai sinh… cũng không còn nữa, vì nó được cập nhật từ khi đứa trẻ sinh ra, theo một ID riêng.
Như vậy, 4.0 không còn là thứ xa vời, mà có thể áp dụng ngay bây giờ và trong tương lai gần, góp phần giảm nguy cơ nhũng nhiễu và giảm được rất nhiều chi phí về hành chính.
Chẳng hạn một người tốt nghiệp đại học, sẽ không cần in cấp bằng hay xác nhận gì nữa. Vì thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu cá nhân người đó. Camera “nhìn” mặt, hoặc khi xác định bằng vân tay, võng mạc… là biết trình độ học vấn, hay các thông tin khác của người đó. Thậm chí, nếu anh chậm nộp thuế, thì đi đến đâu hệ thống cũng hiện lên là anh này chưa nộp thuế, khiến uy tín của người đó giảm, và vì thế họ sẽ phải nộp thuế đầy đủ hơn.
Hay khi một người vi phạm Luật Giao thông, bị hệ thống camera ghi lại, CSGT không cần tuýt còi gọi lại, vì hệ thống tự động phạt, trừ tiền vào tài khoản. Tức là khi ấy không phạt theo xe vi phạm mà phạt theo mặt người vi phạm.
Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo
Khi công nghệ tự động hóa (Automation) và trí tuệ nhân tạo (Articial Intelligent) được ứng dụng mạnh mẽ, số người điều khiển máy móc sẽ giảm đi. Con người lập trình rằng, cái này thế này, thì tiếp theo sẽ là gì, máy móc sẽ làm hành động gì tiếp theo? Tức là những công việc có tính chất lặp lại sẽ được lập trình để các “bot” học theo và làm lại, giảm công việc cho con người.
Ví dụ, tất cả những ai không nộp thuế đúng hạn, thì hệ thống sẽ báo về một email hoặc tin nhắn rằng, “anh chưa nộp thuế”. Và trong ngày đó anh không nộp, thì tiền phạt sẽ tăng lên… Hay có thể là tự động mở cửa nhà, xe ô tô. Khi “nhìn” thấy mặt (có Face ID) thì cửa tự mở, không cần dùng đến khóa. Thậm chí, ai ra vào nhà mình, cũng được camera lưu lại các khuôn mặt. Khi đó, trộm cắp cũng sẽ giảm. Và nếu có xảy ra trộm cắp thì tìm ra cũng rất dễ dàng.
Vạn vật internet
Thế giới đang hướng tới việc mọi vật trong đời sống này đều được kết nối Internet (Internet of thing – IoT). Từ cái ghế, cái bàn, điều hòa, tủ lạnh, hệ thống đèn… đều được kết nối Internet. Khi mua một sản phẩm, nếu nó hỗ trợ tính năng IoT, ta có thể kết nối với ứng dụng ngay trên điện thoại hay máy tính, và có thể điều khiển từ xa được mọi thứ, vô cùng tiện dụng.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, một trong những đơn vị đang có nhiều đầu tư, nghiên cứu, phát triển liên quan đến 4.0, cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam mà nó đang dần thay đổi bộ mặt của thế giới, cả về kinh tế, quản lý, giải trí, tương tác… thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…
Một số sản phẩm công nghệ tiêu biểu như máy bán nước tự động tích hợp thanh toán ZaloPay; Gương thông minh tự nhận biết khuôn mặt; chụp ảnh selfies bằng giọng nói; Đèn, camera thông minh tiết kiệm điện; Bãi đỗ xe thông minh; Giải pháp thanh toán cho các cửa hàng tiện ích, hay siêu thị VPOS…
Hiện thực ảo – cuộc sống thật
Hiện nay, công nghệ hiện thực ảo đã được ứng dụng khá nhiều, là khởi đầu cho một xã hội “ảo lẫn thực”. Hiện thực ảo là khi đeo kính vào, ta nhìn thấy mọi thứ như là thật. Khi nhìn qua ống kính thấy vật ấy nằm trong ảnh thật, hoặc thấy mọi vật đều được gắn thông tin “ảo” trên nó, thì đó là hiện thực ảo tăng cường.
Bạn có thể tưởng tượng là sẽ có một ngày, không cần cắm biển giao thông trên đường nữa. Khi ấy, bạn lái xe đến đâu thì các thông tin giao thông sẽ hiện trên kính ô tô hay màn hình xe, kiểu như: “150m nữa, đi chậm lại”, “cấm rẽ trái, quay đầu, cấm rẽ phải”… Người lái xe sẽ làm theo các thông tin trên màn hình đó, thay vì nhìn cột biển báo trên đường. Rõ ràng là ảo, nhưng lại rất thực! Còn vô số những ứng dụng khác tương tự như thế.
“Tất cả những cái đó đều có thể làm được trong tương lai, và đó là 4.0 – “Ảo hiện thực tăng cường”. Điều này đã và đang được nhiều đơn vị áp dụng trong thực tế rồi. Ví dụ, search (tìm kiếm) địa điểm The Vuon, thì thấy ngay thông tin hiện thực ảo của khu văn phòng. Nếu đeo kính vào thì từ xa cũng như ta đang đứng trong đó vậy. Nói tóm lại, với một thiết bị di động thông minh và công nghệ thực tế ảo hay ảo hiện thực, mọi vật kết nối Internet, cuộc sống của chúng ta sẽ rất khác. Tất cả thế giới rộng lớn, có thể thu nhỏ trong lòng bàn tay”, ông Hà Anh Tuấn phân tích.
HÀ PHƯƠNG
Nguồn: ANTĐ