Ngoài bản tin ngắn gọn dẫn lại nội dung chính của công văn số 6106, hầu hết các tờ báo nhà nước đều không “hài” thêm chi tiết nào khác, cho dù báo chí đã được chính quyền cung cấp cho công văn số 6106 như một thông điệp “bật đèn xanh” để đưa tin. Bầu không khí im bặt ấy là bất thường, nếu so sánh với con sóng báo nhà nước vừa đưa in vừa viết bài bình luận sôi dộng về những vụ việc và vụ án trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng bí thư Trọng, đặc biệt vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, và đặc biệt hơn cả là không biết bao nhiêu bài viết cùng bình luận về phiên tòa xử Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh.
Vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước còn ẩn dụ “Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải” theo cách “bổ nhiệm cùng ngày” và “chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm”, chẳng hạn như “Ngày 21.4.2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh”.
Hiện tượng báo chí nhà nước im bặt khi nổ ra vụ “Mobifone mua AVG” đã gián tiếp cho thấy chiến dịch sử dụng truyền thông để “PR” cho mục đích thanh tra – điều tra và xử lý vụ này đã không thành công, hoặc nói cách khác là bước đầu thất bại, nếu so sánh với “công tác tuyên truyền” ở vụ Trịnh Xuân Thanh vào quý 3 năm 2016.
Vào giữa năm 2016, Văn phòng Trung ương Đảng đã có một văn bản truyền đạt chỉ đạo “việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Trọng về xử lý vụ chiếc xe hơi Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, mở đường cho chiến dịch truy buộc ông Thanh khiến Thanh phải bỏ trốn sang Đức. Văn bản này được phổ biến rộng rãi cho các báo để ngay sau đó, đã diễn ra một phong trào rầm rộ “đấu tố” Trịnh Xuân Thanh trên mặt báo chí. Cho dù không bao lâu sau đó Trịnh Xuân Thanh đã “ra đi tìm đường cứu nước” ở Đức, có thể cho rằng Tổng bí thư Trọng đã ít nhiều thành công trong việc chỉ đạo “đấu tố” Thanh.
Có một chi tiết có thể lý giải không khí im bặt của báo nhà nước trước vụ “Mobifone mua AVG”: công văn số 6106 có đoạn “Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.
Cần lưu ý, từ “nhạy cảm” – được dùng trong công văn trên, nhưng đã không hiện diện trong kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về những sai phạm bị coi là “rất nghiêm trọng” của ông Đinh La Thăng vào lúc ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thàn viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho dù vào lúc công bố kết luận này thì Đinh La Thăng vẫn còn là ủy viên bộ chính trị.
Một lần nữa, trong báo giới Việt Nam xì xầm tục ngữ “trâu bò đánh nhau”…
Cũng đã từ lâu, đó là câu cửa miệng lan truyền trong báo giới khi đề cập đến những vụ việc “nhạy cảm chính trị” – loại vụ việc mà nếu không bị chỉ đạo phải đăng thì cách tốt nhất là báo chí “im cho nó lành”, kẻo không lại “ruồi muỗi chết”.
Còn vào lần này, sắc thái nào đủ “nhạy cảm chính trị” mà đã khiến báo chí nhà nước phải “im cho nó lành”, hoặc ít ra cũng tạm ngưng đưa tin để chờ tín hiệu mới “chắc ăn” hơn?
Từ “nhạy cảm” trong công văn số 6106 càng như thể xác nhận “đánh nhau lớn”, hiển thị bởi một cái tên đã trở thành rất quen thuộc trong thương trường và cả chính trường Việt Nam: bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sự khác biệt của vụ “Mobifone mua AVG” giữa quá khứ và hiện tại là vào năm 2017, chỉ có những quan chức như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son… bị “gọi tên”, thì nay có cả Nguyễn Thanh Phượng – theo một bài viết đậm đà tố chất “tin nội bộ” xuất hiện trên mạng xã hội chỉ 3 ngày trước khi xuất hiện chỉ đạo của Ban bí thư yêu cầu xử lý vụ “Mobifone mua AVG”.
Thậm chí, bài viết trên còn khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng là “chủ mưu” của vụ việc này.
Cũng còn một cách lý giải khác về sự im ắng của báo nhà nước trước vụ “Mobifone mua AVG”: Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo “không đưa tin thêm” mà có thể bằng vào lý do “chờ công bố kết quả thanh tra”, hoặc được ngầm hiểu “chờ kết quả điều tra của công an”.
Nhưng nếu báo chí im bặt là do Ban Tuyên giáo cấm đoán, tại sao các tờ báo lại được cung cấp công văn số 6106 như một tín hiệu bật đèn xanh để “làm tới đi”?