Những người phản đối loại bỏ phần thi áo tắm cho rằng một cuộc thi nhan sắc thì yếu tố hình thể là không thể thiếu. Muốn đánh giá chính xác vẻ đẹp hình thể thì phải có phần thi trang phục áo tắm, ban giám khảo và người xem mới có thể có sự so sánh và kết luận chính xác.
Hay với lý lẽ rất tích cực khác, nhiều người cho rằng phần thi áo tắm đơn thuần là để cổ vũ cho phong cách sống lành mạnh bằng cách gợi cảm hứng từ những cân hình cân đối.
Điển hình là Kendall Morris, một thí sinh tham gia cuộc thi Miss America 2011 với vai trò là Hoa hậu bang Texas, cho biết phần thi áo tắm đã cho cô động lực để ăn uống điều độ và luyện tập thể hình cho cân đối. “Thực hiện chế độ ăn uống điều độ và luyện tập cơ thể không chỉ để cho 15 giây xuất hiện trên sân khấu mà cho cả đời. Nhờ màn thi này tôi đã áp dụng cho mình một chế độ ăn uống, uyện tập cả đời, vượt ra ngoài sân khấu Hoa hậu Mỹ” – Morris cho biết.
Tuy nhiên yếu tố thuyết phục hơn của những người đồng ý bỏ phần thi áo tắm lại nằm ở việc nghĩ tới cảm nhận của chính các cô gái, bảo vệ người phụ nữ, ngăn chặn nạn kỳ thị hình thể và những tội ác tiềm ẩn từ việc “sở hữu thân thể người khác bằng ánh mắt”.
Hãy tôn trọng cơ thể người phụ nữ
“Chúng tôi đã nghe rất nhiều phụ nữ trẻ chia sẻ họ rất thích tham gia cuộc thi nhưng họ không muốn phải trình diễn áo tắm”, Gretchen Carlson – cựu Hoa hậu Mỹ và hiện là thành viên của Hội đồng quản trị cuộc thi Miss Ameraca cho biết.
Năm 1950, hoa hậu Mỹ Yolande Betbeze đã từng gây chú ý từ dư luận khi từ chối mặc trang phục áo tắm lúc đăng quang với lý do: “Tôi là sinh viên opera và không có chân đẹp”.
Bà Kate Shindle, cựu hoa hậu Mỹ năm 1998 và đang là thành viên ban lãnh đạo Tổ chức Hoa hậu Mỹ cũng chia sẻ quan điểm:
“Khi tôi dự thi 20 năm trước, tôi đã thấy phần thi áo tắm mang lại một cảm giác mạnh mẽ lạ lùng, vì một khi tôi đã có thể bước trên sân khấu với trang phục áo tắm hai mảnh và giày cao gót thì tôi có thể làm bất cứ thứ gì khác. Nhưng tôi không nghĩ mình đã hiểu hết mọi thứ vào thời điểm đó. Quả thật rất kỳ cục, nó cho phép những người lạ một dạng thức sở hữu với thân thể bạn mà bạn hoàn toàn không mong muốn”.
Việc phô bày hình thể của các cô gái để người khác chấm điểm vốn đã gây tranh cãi từ lâu, và mục đích ban đầu của nó trong giải thi hoa hậu Miss America đầu tiên là để kéo dài kỳ nghỉ hè. Thế nên màn thi áo tắm ngay từ đầu đã không phải là để đánh giá vẻ đẹp hình thể. Nếu có thì cũng chẳng thể đánh giá chính xác với những bộ áo tắm như thế này:
Hoa hậu Ngọc Hân cũng có ý kiến phân tích kỹ hơn về tiêu chí đánh giá vẻ đẹp hình thể này. Cô cho biết việc bỏ phần thi áo tắm không ảnh hưởng tới mục đích chọn ra người đẹp xứng đáng để đăng quang: “Kỹ thuật trình diễn trên sân khấu có thể giúp thí sinh che phủ khiếm khuyết hình thể. Để đánh giá vẻ đẹp ngoại hình của các thí sinh thì ống kính máy quay, những chỉ số đo đạc được bác sĩ thực hiện trong phòng kín là cách chính xác nhất. Nếu có cuộc bình chọn bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu, tôi sẽ ‘vote’ cho việc loại bỏ này”.
Phần thi áo tắm có vẻ như chỉ để thu hút người xem nhiều hơn, bởi tỷ lệ số đo cơ thể được đo đạc chuẩn xác từ các vòng ngoài rồi, và việc cơ thể có đẹp hay không cũng có thể đánh giá khi các cô gái mặc các trang phục khác. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nhận biết, đánh giá những người phụ nữ có cơ thể cân đối, khỏe mạnh cũng đâu cần bởi cô ấy đang mặc một bộ bikini.
“Dung” trong Tứ Đức của người phụ nữ là gì?
Từ xưa tới nay, cái Dung của người phụ nữ được công nhận không phải bằng cách bắt cô gái phải gần như cởi sạch đồ trên cơ thể mới có thể đánh giá được. Mà Dung là ý chỉ người phụ nữ có dáng người hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân. Nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng đề cao sự biết tự chăm sóc và rèn luyện bản thân để có dung mạo khỏe mạnh, cân đối của các cuộc thi hoa hậu ngày nay. Nhưng hoàn toàn không phải bằng việc phô bày thân thể.
Trong “Nữ giới”, trước tác thời Đông Hán có viết: “Phụ nữ có tứ hành, gọi là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. Nói về Đức của phụ nữ, không cần phải tài minh tuyệt dị; Về Ngôn, không cần phải biện khẩu lợi từ; Về Dung, không cần nhan sắc mỹ lệ; Về Công, không cần phải công xảo hơn người.
Trong đó để giải thích Dung không cần phải nhan sắc mỹ lệ, có ghi: “giặt sạch bụi bẩn, phục sức tinh tươm, tắm gội sạch sẽ, giữ thân không cấu uế, gọi là Dung của nữ nhân”.
Cái dung nhan của ta là để người khác nhìn, tôn trọng người khác bằng cách ăn mặc, làm đầu tóc, trang điểm hợp lý, chỉn chu, sạch sẽ, thanh lịch là điều rất cần thiết mà mọi người phụ nữ đều phải biết. Nhưng người xưa chưa bao giờ đề ca quá mức, tiêu chuẩn hóa cái đẹp để tạo thành áp lực và sự chạy đua về hình thức như bây giờ.
Chữ Dung trong chữ tượng hình giàu nội hàm (容) còn có nghĩa là vật chứa đựng. Dung nhan bao gồm dáng dấp, hình thể, dung mạo, vẻ mặt cũng chỉ là thứ chứa đựng nội tâm bên trong của mỗi con người. Khi nội tâm giàu có, đủ đầy, thì vật chứa có quan trọng?
Mặt khác, Nguyễn Du xưa cũng nói: “Anh hoa phát tiết ra ngoài”, người có hàm dưỡng, tài hoa, thì hình thức sẽ thể hiện được nội dung bên trong. Đâu phải cứ thật đỏm dáng, phô trương thì người ta mới thấy. Càng chẳng thể phẫu thuật cho ra được cái “thần thái”, “khí chất” vốn là do nội tâm, giáo dưỡng quyết định.
Dung là để tôn trọng người, nhưng tục là khiến người phạm tội
Những tiêu chuẩn và sự công khai ca ngợi nét đẹp hình thể đã trở thành tiền đề cho vấn nạn Body Shame (miệt thị ngoại hình). Các cô gái chịu áp lực lớn về hình thức mà phải tốn tiền của, công sức và chịu đựng bao đau đớn, sẵn sàng rũ bỏ vẻ bề ngoài đã được cha sinh mẹ đẻ, Thiên Địa nhào nặn để trở nên quyến rũ hơn.
Ngày nay, có câu “không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Dung theo tiêu chuẩn xưa cũng chính là để người phụ nữ để tâm, học cách khiến mình trở nên dễ nhìn hơn, cũng là một sự tôn trọng người khác. Chính là sẽ “không có người phụ nữ xấu”.
Steve Maraboli đã từng nói rằng: “Khi bạn đánh giá một người phụ nữ vì ngoại hình của người đó, nó không giúp mô tả người phụ nữ ấy mà đang mô tả chính bạn”. Người đàn ông thanh tao, nhã nhặn và lịch thiệp đều không bao giờ đánh giá, bình phẩm về ngoại hình của người phụ nữ. Người đàn bà đôn hậu, từ bi, biết giữ tiết tháo, liêm sỉ cũng không tùy tiện đánh giá về cơ thể của người phụ nữ khác.
Vậy mà các chương trình hoa hậu đều có màn thi áo tắm, phô diễn gần hết những đường nét cơ thể của người phụ nữ. Làm sao các nhà tổ chức có thể đảm bảo rằng các cô gái không trở thành nạn nhân của Body Shame từ hàng triệu, hàng tỷ con mắt sẽ quét sạch cơ thể họ. Và ai sẽ chịu trách nhiệm với những ý nghĩ đen tối, những mầm mống tội ác dù chỉ là trong tâm tưởng cho tới khả năng hiện thực hóa, xuất phát từ những người chưa đủ năng lực kiểm soát bản thân ngoài kia.
Đối với những tội ác hiếp dâm, thậm chí giết người hiếp dâm chấn động dư luận gần đây, không thể chỉ nói rằng kẻ hành ác là kẻ có lỗi duy nhất. Trên truyền hình, sách báo, phim ảnh, âm nhạc, hội họa… đâu đâu cũng thấy cơ thể phụ nữ bị đem ra làm đề tài “sáng tác”, làm “chất xúc tác” cho tác phẩm thêm thi vị, mà thật ra giống như làm mồi nhử “câu view”. Rồi ngay chính các cô gái cũng vô tư phô diễn cơ thể địa đàng của mình bởi khái niệm về cái đẹp của người phụ nữ ngày càng lệch lạc.
Cả xã hội cứ góp gió thành bão, kích động những tư duy đen tối, những ham muốn dục vọng tầm thường. Không thể nói là không liên quan gì tới việc phô diễn quá mức nét đẹp hình thể của người phụ nữ. Rồi khi đạo đức xuống dốc, tệ nạn tăng cao, thì ai ai trong xã hội cũng có thể bị liên lụy. Bạn không muốn cuộc thi hoa hậu bỏ phần thi áo tắm, nhưng cũng lại không muốn con gái, em gái mình bị hàng triệu con mắt săm soi từng vòng trên cơ thể họ.
Có bao nhiêu người trong chúng ta dám thẳng thắn thừa nhận về cảm giác thật của mình khi xem những màn trình diễn áo tắm? Bạn có thầm bình phẩm cơ thể những cô gái trẻ trung đầy sức sống đó? Bạn có ngầm so sánh những bộ phận cơ thể của cô này với cô kia? Mấy ai thật sự tôn trọng và “bất động tâm” được trước những tác phẩm của tạo hóa mà hiếm khi được phô diễn trong cuộc sống bình thường đây?
Bạn sẽ không dễ bắt gặp một nhóm các cô gái mặc bikini đi giày cao gót ngoài phố, thế nhưng bạn vẫn biết cô gái nào có dung mạo đẹp giữa những đồng nghiệp không bao giờ xuất hiện trước mặt bạn với chiếc áo tắm. Thế thì đâu phải bởi chiếc áo tắm, mới có thể đánh giá được vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ.
Chắc cũng đến lúc phải thừa nhận rằng, chúng ta một là đang bị đánh lừa bởi nhận định sai, hai là chỉ đang bao biện cho những suy nghĩ thật sự ẩn sâu bất minh của mình mà thôi.
Một cuộc thi thời trang có thể sẽ bớt hấp dẫn và thu hút được ít người xem hơn nếu thiếu phần thi áo tắm. Nhưng chắc chắn không vì thế mà ban giám khảo không thể đánh giá hết được nét đẹp của người phụ nữ khiến ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thi. Và các chị em phụ nữ thân mến, các chị không cần một cô gái bụng thon, chân dài với tỷ lệ cơ thể hoàn hảo để nhắc nhở rằng các chị phải biết chăm sóc bản thân. Đó là việc phụ nữ đương nhiên phải làm nhưng phải phù hợp và mục đích chỉ nên là để tôn trọng người khác và thể hiện sự giáo dưỡng của mình.
Thiên nhiên phong phú và tuyệt đối cân bằng bởi vạn vật đều làm tốt nhất với những gì mình có và không làm mọi cách để được giống như những tạo phẩm khác của thiên nhiên. Chim không cần biết lặn, cá không cần biết bay và người phụ nữ đang cho con bú không thể giống như thiếu nữ 18 tuổi.
Thế thì còn lý lẽ nào thuyết phục hơn để giữ lại phần thi áo tắm không?
Thuần Dương