Các dịch vụ của Google ngày càng giống Samsung và Apple. Không còn là người khổng lồ tìm kiếm như trước, Google bắt đầu giống một công ty phần cứng.
Vào năm ngoái, Google ra mắt hai phiên bản điện thoại Pixel 2. Tuy có thiết kế không đẹp và màn hình bị lỗi nhưng Pixel 2 nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Nối tiếp sau đó là hàng loạt thiết bị mới như tai nghe không dây, Chromebook, loa thông minh Google Home, camera hành trình và kính thực tế ảo.
Trong quá khứ, tập đoàn này từng thử lấn sân qua mảng phần cứng nhưng không thu được nhiều thành công. Tuy nhiên, hiện nay, Google đang cho thấy rõ quyết tâm trong lĩnh vực này.
Cũng vào năm ngoái, Google đã để Rich Osterloh, cựu chủ tịch của hãng điện thoại Motorola, phụ trách phát triển phần cứng. Mới đây, Google vừa chi một tỷ USD để mua lại một phần của HTC nhằm phục vụ việc phát triển mảng này.
Thoạt nhìn, phát triển phần cứng giống như mảng kinh doanh phụ của Google
Google không nói rõ lý do cho việc chuyển qua phát triển phần cứng. Phần lớn doanh thu của công ty từ quảng cáo. Thị trường điện thoại cao cấp mà Pixel 2 phải cạnh tranh đã quá bão hòa. Ngay cả khi có thể thu hút người tiêu dùng, khả năng đáp ứng nhu cầu của Google lại không tốt.
Theo ước tính, khi cho ra mắt điện thoại Pixel vào năm 2016, Google chỉ bán được hơn một triệu sản phẩm do gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ số lượng. Trong khi đó, Apple chỉ cần vài ngày để bán một triệu chiếc iPhone.
Nhìn chung, phần cứng gần như chỉ có thể là một mảng kinh doanh phụ của Google. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nó ít quan trọng.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là Android tiếp theo của Google
Trong lần họp báo đầu tháng 10/2017, Google đã ám chỉ lý do chú trọng vào xây dựng phần cứng khi ra mắt các phiên bản Pixel mới và những sản phẩm sắp tới. Chủ đề chính của sự kiện là giới thiệu công cụ hỗ trợ bằng giọng nói Google Assistant nhằm cạnh tranh với Alexa (Amazon) và Siri (Apple).
Google nhận thấy rằng Assistant, tổng quan hơn là AI, sẽ trở thành công nghệ nền tảng tiếp theo của họ. Tầm quan trọng của nó sẽ sớm ngang hàng với công cụ tìm kiếm và hệ điều hành Android.
Trong các buổi thảo luận công nghệ về thiết bị có thể thay thế vị trí smartphone như kính thực tế ảo tăng cường (augmented reality) hay đồng hồ thông minh (smartwatch), phần mềm cơ sở của chúng được cho là yếu tố quan trọng nhất.
Chính phần mềm mới là nhân tố quyết định sự thông minh của thiết bị. Nếu xét riêng về lĩnh vực AI hoặc những thứ có liên quan đến “thông minh” thì Google đang dẫn đầu. Vì vậy, tập đoàn này có ưu thế lớn nhất trong việc trở thành bá chủ của thế hệ thiết bị kế tiếp.
Dù chỉ ra mắt gần 2 năm, Google Assistant lại có nhiều chức năng hơn các đối thủ lâu đời khác như Siri, Alexa và Cortana. Lợi thế của Google là Assistant có khả năng thu thập một lượng lớn thông tin khách hàng qua lịch sử tìm kiếm, tài khoản Gmail… sau đó tổng hợp chúng lại tốt hơn hẳn trợ lý ảo từ các đối thủ.
Google trang bị AI cho phần cứng của mình
Thử thách lớn nhất của Google chính là đưa Assistant cũng như AI tới nhiều thiết bị và người dùng hơn. Các sản phẩm ra mắt gần đây đều được tích hợp AI.
Chẳng hạn như camera của Google Clips sử dụng AI để xác định thời điểm ghi lại các đoạn video ngắn tốt nhất. Các đoạn clip sau đó được chuyển vào Google Photos. Tính năng nhận diện ảnh của Google Photo cũng được cải thiện liên tục nhờ khả năng máy học.
Google cũng đưa AI vào Pixel Buds (tai nghe không dây) giúp thông dịch ngôn ngữ. Ngoài ra, Assistant cũng được thêm vào một số sản phẩm mới bao gồm điện thoại Pixel 2, loa Home và laptop Pixelbook.
Google đang dùng phần cứng để thúc đẩy các hãng sản xuất khác sử dụng công nghệ AI của mình
Thách thức đi kèm theo việc tích hợp AI vào những sản phẩm phần cứng là thuyết phục các hãng khác sử dụng chúng như đã từng làm với Android. Đây cũng chính là lợi thế của Google.
Những thiết bị của Google có vai trò là điểm chuẩn cho sản phẩm sử dụng Android hoặc các nền tảng khác do hãng cung cấp. Chính vì vậy, trong tương lai gần, có thể xuất hiện rất nhiều sản phẩm tích hợp công nghệ AI của Google.
Bất kể hãng sản xuất, tất cả điện thoại Android đều được hỗ trợ Google Assistant. Các hãng như Sony, Panasonic, sau này sẽ là Sonos, đều đang xây dựng tính năng Assistant cho loa thông minh của mình.
Công nghệ AI của Google cũng được ứng dụng vào các thiết bị gia đình. Ví dụ như hãng LG vừa thông báo rằng trong năm nay, khách hàng sẽ có thể kiểm tra máy giặt và robot quét dọn qua Assistant.
Nhìn chung, việc tích hợp AI vào các thiết bị quen thuộc trong đời sống có thể mang lại cơ hội phát triển to lớn cho ngành công nghệ. Hiện nay, Google đang đi đầu trong lĩnh vực này.