Bên cạnh việc vận động Mỹ viện trợ vaccine, giám đốc USAID chia sẻ những kế hoạch hợp tác với Việt Nam để hướng đến hồi phục kinh tế an toàn trong chiến lược sống chung với dịch.
Ngày 10/7 đánh dấu lô vaccine Covid-19 đầu tiên do Mỹ hỗ trợ về đến Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Kể từ đó đến nay, Mỹ viện trợ cho Việt Nam tổng cộng khoảng 24,6 triệu liều, chủ yếu là vaccine Pfizer. Con số này bằng 1/3 tổng số vaccine mà Mỹ viện trợ cho các nước Đông Nam Á, theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation (KFF) – nơi theo dõi các thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ y tế toàn cầu của Mỹ, Việt Nam đứng thứ hai trong nhóm 10 quốc gia nhận vaccine viện trợ từ Mỹ nhiều nhất tính đến ngày 12/12.
Số liều vaccine Covid-19 viện trợ nhiều và liên tiếp chứng tỏ “sự vững mạnh của mối quan hệ hợp tác Việt – Mỹ”, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, nói với Zing.
Giám đốc USAID tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng trong kế hoạch hồi phục nền kinh tế trong nước. Bà Yastishock cũng khẳng định USAID sẽ nỗ lực vận động nhằm đảm bảo Việt Nam tiếp tục được quan tâm cao trong quyết định viện trợ vaccine của Mỹ.
Bên cạnh ứng phó với Covid-19, bà Yastishock cho biết USAID và các cơ quan Việt Nam đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như thúc đẩy thực hiện các cam kết về giảm phát thải được đưa ra tại hội nghị COP26, hồi phục kinh tế, đào tạo nhân lực cho nền kinh tế số, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật, bệnh nhân HIV…
Chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ
– Năm 2021, Việt Nam nhận được hơn 24 triệu liều vaccine Covid-19 từ Mỹ. Con số này thể hiện điều gì?
– Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden từng tuyên bố nước Mỹ cam kết hỗ trợ người dân trên toàn thế giới được tiêm chủng đầy đủ. Từ số liệu trên, các bạn có thể thấy Việt Nam nhận được rất nhiều vaccine viện trợ từ chính phủ Mỹ.
Theo tôi, điều này – việc viện trợ khoảng 24,6 triệu liều vaccine Covid-19 – thể hiện sức mạnh trong mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều liều vaccine hơn nữa từ Mỹ.
USAID đang tiếp tục vận động vaccine viện trợ để giúp các bạn thực hiện cam kết của mình, đó là bảo đảm toàn bộ người dân Việt Nam được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ.
Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại việc Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ ứng phó với đại dịch từ rất sớm, qua việc gửi tặng rất nhiều thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Nên bây giờ, khi Việt Nam cần giúp đỡ, Mỹ luôn sẵn sàng.
– Mỹ không chỉ tăng tần suất vận chuyển mà còn tăng số liều vaccine trao tặng. Đến tháng 11, USAID cũng viện trợ kinh phí và nhiều hỗ trợ kỹ thuật trong cuộc chiến chống Covid-19 cho Việt Nam. Những lý do của sự gia tăng này là gì?
– Tính đến nay, chính phủ Mỹ đã viện trợ hơn 22 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Bên cạnh vaccine, vẫn còn một số nhu cầu khác cần được hỗ trợ.
USAID đã gửi tặng khẩu trang và ống tiêm vaccine. Chúng tôi cũng tài trợ oxy y tế và hơn 100 máy thở. Một lần nữa, những viện trợ này càng chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam.
– Bà nhìn nhận nỗ lực ứng phó với Covid-19 ở Việt Nam giai đoạn vừa qua như thế nào?
– Việt Nam đã rất thành công trong việc triển khai tiêm chủng cho toàn dân. Ngay sau khi nhận được vaccine viện trợ, tôi nhận thấy các bạn tổ chức tiêm phòng cho người dân rất nhanh chóng.
Tôi không thấy Việt Nam gặp bất cứ khó khăn nào trong việc vận động người dân đi tiêm chủng. USAID cũng hỗ trợ chính quyền các cấp để đảm bảo những người sống ở vùng khó tiếp cận với vaccine nhất cũng được tiêm chủng.
Theo tôi, tiêm vaccine là cách duy nhất để ngăn chặn và kết thúc đại dịch Covid-19.
Chuẩn bị cho trường hợp tái bùng phát dịch
– USAID có kế hoạch hỗ trợ gì với Việt Nam trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát năm sau?
– Tôi được biết Chính phủ Việt Nam đang triển khai phương án sống chung với Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải được tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy, USAID và Bộ Ngoại giao Mỹ đang tập trung vận động tăng nguồn cung và liều lượng vaccine viện trợ, bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong trường hợp dịch tái bùng phát, đồng thời giúp Việt Nam có thêm vaccine để tiêm mũi tăng cường.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ việc tiếp tục vận động người dân thực hiện 5K là rất quan trọng. Những biện pháp này có thể giúp làm giảm sự nghiêm trọng của làn sóng dịch mới nếu nó xảy ra.
– Năm 2022 có thể chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cách chúng ta chống lại đại dịch này. Những khía cạnh nào cần được tập trung để ứng phó tốt hơn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới?
– Hiện tại, nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường độ phủ vaccine, USAID ưu tiên việc viện trợ thêm vaccine cho Việt Nam trong quý I năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xem xét trao tặng bổ sung oxy y tế, khẩu trang và ống tiêm.
Bên cạnh đó, USAID sẽ tập trung hơn vào các vấn đề thứ cấp. Bởi vì đại dịch Covid-19, ngoài việc hỗ trợ lĩnh vực y tế, chúng tôi cũng sẽ giúp đỡ Việt Nam giải quyết những vấn đề kinh tế.
Ngoài ra, USAID sẽ nỗ lực hợp tác cùng Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, giúp các bạn đạt được cam kết mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu COP 26, với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
– USAID có gặp khó khăn gì trong việc vận động vaccine viện trợ không?
– USAID không gặp bất kỳ thách thức nào trong việc vận động vaccine viện trợ cho Việt Nam, bởi vì chính phủ Mỹ nhận thấy rõ thế giới đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã vạch ra chiến lược rõ ràng trong chương trình tiêm chủng vaccine toàn dân và các bạn đảm bảo thực hiện được những kế hoạch đó. Điều này khiến công việc của USAID trở nên dễ dàng hơn nhiều.
USAID hỗ trợ Việt Nam hồi phục nền kinh tế
– Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là tái mở cửa, hồi phục và phát triển kinh tế một cách an toàn. USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong giai đoạn bình thường mới?
– Đại dịch Covid-19 khiến chúng tôi nhận ra rằng thế giới đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số. Do vậy, ngoài chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một trọng tâm khác của USAID là giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số.
Chương trình bao gồm việc đào tạo lại nguồn nhân lực, đặc biệt là phụ nữ, để tất cả người lao động đều có khả năng thích ứng với nền kinh tế số. Trong chuyến thăm Hà Nội của phó tổng thống Mỹ vào tháng 8, một số chương trình về đào tạo, giúp công nhân bắt kịp với công nghệ mới và chú trọng nền kinh tế xanh đã được bà công bố.
Gần đây, chúng tôi cũng ký biên bản ghi nhớ (MOU) về xây dựng Chỉ số Xanh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Bên cạnh đó, USAID đang xem xét các biện pháp thuận lợi hóa thương mại và hạn chế sự tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa ở các cảng.
Nhìn chung, USAID có rất nhiều mục tiêu để theo đuổi trong năm tới.
– Bà nhận xét như thế nào về cơ hội để Việt Nam tái mở cửa, khôi phục và phát triển nền kinh tế?
– Theo tôi, dù đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đất nước các bạn có một nền kinh tế bền vững. USAID vẫn sẽ tiếp tục vận động chính phủ Mỹ viện trợ vaccine cho Việt Nam, tôi cho rằng tiêm chủng chính là yếu tố giúp Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế.
Với nhiều đợt viện trợ vaccine được Việt Nam phân phối và triển khai tiêm chủng ngay lập tức, tôi rất lạc quan về cơ hội tái mở cửa, khôi phục và phát triển nền kinh tế ở quốc gia này.
– Kể từ khi đảm nhận chức vụ của tại Việt Nam, những thành tựu đáng nhớ nhất với bà là gì?
– Thành tựu đáng nhớ nhất của USAID có lẽ là công tác vận động chính phủ Mỹ viện trợ vaccine, chúng tôi cố gắng để Washington hiểu rõ tầm quan trọng của việc nhiều người dân Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ.
Trong những năm qua, USAID cũng tập trung vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Chúng tôi còn nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của hiện tượng này đến ngành đánh bắt thủy, hải sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Chúng tôi cũng hợp tác với Việt Nam trong các chương trình phục hồi nền kinh tế, bao gồm hỗ trợ các nữ doanh nhân và lao động nữ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không kém phần quan trọng, thông qua việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi nỗ lực thực hiện các chương trình khắc phục hậu quả chất độc dioxin, hỗ trợ người khuyết tật.
Nhìn chung, USAID đạt được rất nhiều thành tích trong năm 2021, chúng tôi rất tự hào về tất cả chương trình được thực hiện cũng như mối quan hệ hợp tác giữa USAID và Việt Nam. Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, có lẽ chúng tôi không thể đơn độc đạt được các thành tựu này.
Chúng tôi cố gắng để Washington hiểu rõ tầm quan trọng của việc nhiều người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ.
Bà Ann Marie Yastishock – Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam
– Mục tiêu USAID trong năm sau là gì?
– Mục tiêu USAID muốn đạt được là tiếp tục hợp tác cùng Việt Nam thực hiện thêm nhiều chương trình hỗ trợ. Tôi nhận thấy USAID có một đội ngũ tuyệt vời với nhiều sáng kiến hay, họ đã xuất sắc hoàn thành nhiều hoạt động, tạo nên những bước tiến quan trọng trong các chương trình hỗ trợ tại Việt Nam.
Về mục tiêu cụ thể năm sau, chúng tôi muốn hướng đến các hoạt động được đề ra trong chương trình hiện nay liên quan đến biến đổi khí hậu và hỗ trợ chính quyền địa phương.