Một cuộc biểu tình chống xe tự lái đã chính thức diễn ra mới đây tại NewYork, Mỹ. Là một trong những quốc gia có nền công nghệ phát triển nhất thế giới, điều gì khiến người Mỹ sợ hãi với xe tự lái?
Xe tự lái sẽ lấy đi hàng nghìn việc làm
Hiệp hội vận tải Upstate và những tài xế đã kêu gọi nhà chức trách ở NewYork ban hành lệnh cấm đối với xe tự lái chạy trên đường trong vòng 50 năm tới. Điều họ lo ngại chính là những chiếc xe tự lái sẽ cướp mất hàng nghìn việc làm của người dân tại đây, gây thiệt hại cho kinh tế và cả về mặt xã hội của New York. Không chỉ với các lái xe taxi, những người làm nghề lái xe tải cũng đang lo ngại về nguy cơ này.
Các ứng dụng gọi xe như Uber và Lyft cũng đã công bố kế hoạch sẽ đưa những chiếc xe tự lái vào hoạt động trong tương lai gần, khiến hàng ngàn việc làm của người dân New York sẽ bị đe dọa mất đi. Uber thì hứa hẹn sẽ mang lại khoảng 13.000 việc làm cho người dân khi được cấp phép hoạt động tại đây song hiện hãng này đang thử nghiệm taxi không người lái tại Pittsburgh.
Theo ông John Tomassi – Chủ tịch Hiệp hội vận tải thì những chiếc xe không người lái này chẳng làm được điều gì có lợi cho nền kinh tế. Sẽ có những việc làm mới được tạo ra kèm theo sự ra đời của loại hình vận tải này song nó chẳng đáng là bao so với số lượng việc làm bị mất đi.
Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi của Tomassi là sự im lặng bởi sự phát triển của công nghệ xe tự lái là xu hướng phát triển tất yếu. Xe tự lái giúp cho tỷ lệ tai nạn giao thông giảm xuống so với hiện nay (theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Mỹ thì 94% tai nạn xe là do lỗi con người gây ra), chi phí vận chuyển cũng được hạ thấp, giúp giá cả dịch vụ, sản phẩm giảm xuống. Và đó là điều có lợi cho tất cả người dân, những lợi ích này là không thể chối cãi.
Mỹ ban hành dự thảo quy định về xe tự lái
Trước đó, hồi cuối tháng 9/2016, trước đề nghị của Liên minh Xe tự lái, bao gồm các hãng đang phát triển công nghệ xe tự lái tại Mỹ như Google, Uber, Lyft, Ford và Volvo, Chính phủ Mỹ đã đưa ra bản dự thảo các quy định dành riêng cho loại phương tiện này.
Quy định này bao gồm 4 phần nhằm tăng cường trách nhiệm của các nhà phát triển trong việc thử nghiệm và triển khai các phương tiện tự lái. Nội dung các quy định chủ yếu tập trung vào việc đánh giá mức độ an toàn trước khi một chiếc xe tự động được đăng kiểm và sẵn sàng tham gia giao thông. Trong đó, đặc biệt chú ý đến phương pháp xác nhận, bảo mật, hành vi sau tai nạn và khả năng ngăn chặn thương tổn cho người ngồi trong xe.
Bên cạnh những quy định đối với phương tiện và nhà sản xuất phương tiện, các quy định cũng đề cập đến vai trò của Cục quản lý an toàn giao thông đường bộ (NHTSA). Đặc biệt, đề cập đến khả năng NHTSA có thể mềm dẻo hơn trong các quy tắc về thiết kế xe và các thông số khác trong từng trường hợp cụ thể.
Chính phủ sẽ trưng cầu ý kiến của công chúng trong 60 ngày. Nếu được chấp thuận và đồng tình cao, các quy định này sẽ có hiệu lực ngay sau đó và có thể được cập nhật hàng năm do việc thay đổi về công nghệ. Vụ biểu tình của tài xế và đề xuất của Hiệp hội Vận tải UpState có thể sẽ khiến cơ quan quản lý cân nhắc để bổ sung thêm một số điều khoản vào dự thảo quy định này.
Không chỉ riêng xe tự lái, sự phát triển của công nghệ đang là mối đe dọa làm “tuyệt chủng” không ít nghề nghiệp trong vòng 10 năm tới. Một khảo sát mới đây của một hãng nghiên cứu thị trường tại Anh cho kết quả là nhu cầu về những nghề sau sẽ bị thu hẹp đáng kể trong vòng chục năm nữa: Giáo viên, lái xe, thu ngân, kế toán, chuyển phát, nhà báo…Tuy nhiên, điều mà nhà chức trách ở Mỹ nói riêng và ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới nói chung có thể làm là ra các chính sách để hài hòa lợi ích các mặt – giữa sự phát triển công nghệ và lợi ích xã hội khác như việc làm, phúc lợi của người dân. Còn xu hướng phát triển công nghệ thì khó có thể ngăn cản được.
HV