Đột tử là tình trạng tử vong đột ngột xảy ra trong vòng một giờ sau khi khởi phát triệu chứng cấp tính. Tai nạn này thường xuất hiện bất ngờ, thậm chí 24 giờ trước khi bị đột tử, nạn nhân không có biểu hiện triệu chứng.
Theo thông tin từ các bác sĩ của khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột tử do tim (Sudden cardiac death – SCD) thường gặp nhất. Tỷ lệ gặp tai nạn này là khoảng 50-100 trường hợp trên 100.000 dân/năm. Nguyên nhân hàng đầu thường là các bệnh lý mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp (động mạch cấp máu cho cơ tim bị xơ vữa, vôi hóa gây hẹp dần sau đó tắc đột ngột, hậu quả là ngừng tim).
Các hoạt động thể dục, thể thao là thói quen giúp cải thiện sức khỏe, giúp cải thiện chức năng tim mạch, huyết áp, cân nặng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc tập luyện thể thao. Tuy nhiên, các hoạt động luyện tập khác nhau có thể tạo ra những thay đổi trong tim mạch, tình huống xấu là gây đột tử.
Tai nạn thường xảy ra ở những môn vận động gắng sức
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (American College of Cardiology), đột tử do tim là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cái chết bất ngờ cho các vận động viên.
Hiện nay, chưa có thống kê chính xác bao nhiêu vận động viên, người chơi thể thao bị đột tử trong quá trình luyện tập. Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Mỹ ước tính tỷ lệ dao động từ 1/23.000 đến 1/300.000.
Trong khi đó, tài liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cho thấy tỷ lệ đột tử do tim khi tham gia một môn thể thao trong dân số nói chung rơi vào khoảng 0,46/100.000 người mỗi năm.
Đột tử khi chơi thể thao là tai nạn thường xảy ra ở những môn đòi hỏi cường độ vận động gắng sức như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, chạy marathon. Tạp chí Quốc tế về Khoa học Tim mạch (International Journal of Cardiovascular Sciences) ước tính vận động viên có nguy cơ đột tử do tim cao gấp 2,8 lần so với những người khác.
Triệu chứng của nạn nhân bị đột tử do tim khi chơi thể thao là chóng mặt đột ngột, hồi hộp, đau ngực dữ dội, đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi, liệt tứ chi, ngất… Tuy nhiên, đột tử do tim ở những người chơi thể thao thường xuất hiện bất ngờ, khó dự báo trước nên khả năng ảnh hưởng tính mạng là rất cao.
Các nguy cơ và nguyên nhân gây đột tử do tim thay đổi tùy theo giới tính và bộ môn mà nạn nhân chơi. Theo Tạp chí Y khoa British Columbia (BMJC), nam giới, người da màu, chơi bóng rổ có nguy cơ đột tử do tim cao hơn. Nam giới dễ bị đột tử do tim khi chơi thể thao nhiều hơn phụ nữ, tỷ lệ nam, nữ là 10:1.
Tạp chí này dẫn một nghiên cứu lớn của Mỹ phân tích các vận động viên (12-40 tuổi) bị đột tử trong quá trình thi đấu. Nghiên cứu kéo dài 27 năm. Họ phát hiện trong số các nạn nhân, chỉ 11% là nữ.
Tại Pháp, các nhà khoa học cũng chứng minh kết quả tương tự khi khảo sát toàn quốc trong dân số nói chung (10-75 tuổi). Kết quả cho thấy 95% người bị đột tử do tim khi chơi thể thao là nam giới.
Trước đây, nhiều người đặt giả thuyết phụ nữ ít tham gia các môn thể thao cạnh tranh nên tỷ lệ bị đột tử do tim thấp hơn. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ tai nạn đột tử ở nữ giới khi chơi thể thao. Điều này xảy ra ngay cả với vận động viên chuyên nghiệp.
Nguyên nhân?
Nhiều nguyên nhân rối loạn tim mạch bẩm sinh cũng có thể gây ngừng tim đột ngột ở người trẻ. Theo Tạp chí Y khoa British Columbia (BMJC), nguyên nhân gây đột tử do tim ở người trẻ, vận động viên dưới 35 tuổi thường là di truyền bẩm sinh về tim, cơ tim phì đại, cơ tim thất phải loạn nhịp (ARVC). Với các vận động viên trên 35 tuổi, thủ phạm gây đột tử do tim thường là xơ vữa động mạch.
Khi mắc các bệnh lý này, ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có thể bị rối loạn nhịp tim, dẫn tới ngừng tim. Thậm chí, người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao càng có nguy cơ.
Đặc biệt thể bệnh nhịp nhanh thất đa hình liên quan catecholamine là loại rối loạn nhịp nguy hiểm, xảy ra trong các trường hợp vận động gắng sức. Việc chẩn đoán thể bệnh này dựa vào điều tra tiền sử và xét nghiệm hai gene RyR2, CASQ2.
Ở Mỹ, bóng rổ là môn thể thao có nguy cơ gây đột tử do tim cao nhất, sau đó là bóng đá, bơi lộ, trượt băng. Tại châu Âu, cầu thủ bóng đá có tỷ lệ bị đột tử nhiều nhất.
Theo Bangkok Heart Hospital, số liệu thống kê trên 1.400 vận động viên tại Mỹ cho thấy nguyên nhân gây đột tử do tim ở vận động viên <35 tuổi gồm: Cơ tim phì đại (36%); dị dạng động mạch vành (17%); bất thường ở truyền dẫn điện do cơ tim (4%). Cơ tim phì đại là tình trạng rối loạn cơ tim, khiến tim giảm khả năng co bóp lưu thông máu, ảnh hưởng nhịp tim gây rối loạn nhịp tim. Khi bị bệnh cơ tim phì đại, các sợi cơ tim phát triển bất thường khiến thành tim dày lên, đặc biệt ở khoang bơm máu chính (tâm thất trái), khoang bên trong tâm thất trái bị thu nhỏ, tim không thể giãn ra giữa các nhịp đập khiến tâm thất bơm máu ra khỏi tim ít hơn. Cơ chế gây bệnh khiến người bệnh đau thắt ngực, khó thở, có thể dẫn đến đột tử. Dị dạng động mạch vành là sự khiếm khuyết bẩm sinh của một hoặc nhiều động mạch vành. Người bệnh có thể không biết mình mắc dị dạng động mạch vành cho đến khi gặp triệu chứng như đau ngực, suy tim hoặc ngừng tim đột ngột gây tử vong. Bên cạnh những nguyên nhân này, một số yếu tố khác cũng góp phần gây đột tử do tim như hội chứng Marfan, chấn động tim, bệnh tim loạn nhịp... Trên thực tế, các yếu tố chủ quan và khách quan dẫn đến đột tử do tim vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Tạp chí Y khoa British Columbia đặt giả thuyết trong quá trình tập luyện, nhiều thay đổi về thể chất xảy ra có thể khiến người chơi bị rối loạn nhịp tim ác tính và đột tử. Tập thể dục cường độ cao liên quan việc tăng hoạt động giao cảm và nhu cầu oxy của tim. Nó có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ, mất cân bằng điện giải, kích thích cơ tim. Ngoài ra, ngay sau khi tập luyện, cung lượng tim (lượng máu mà tim bơm đi trong một đơn vị thời gian nhất định) giảm, động mạch giãn sẽ gây tụt huyết áp. Điều này dễ khiến giảm tưới máu cơ tim, gây cơn thiếu máu cục bộ, hậu quả là rối loạn nhịp tim. Các tài liệu y khoa từ Bangkok Heart Hospital và Hiệp hội Tim mạch châu Âu khuyến cáo công cụ hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ đột tử do tim ở vận động viên là sàng lọc những người chơi trước khi họ bước vào cuộc đấu. Đặc biệt, điều này phải thực hiện thường xuyên với các vận động viên chuyên nghiệp tham gia cuộc thi đòi hỏi tập luyện liên tục. Ngoài ra, những người mang nhiều yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có thân nhân dưới 50 tuổi bị đột tử không rõ nguyên nhân; ngất vô cớ khi làm việc gắng sức hoặc vận động, ngay cả lúc ngủ nghỉ; cần thăm khám và theo dõi định kỳ, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. [table id="105"]