Hôm (9/5), chỉ vài giờ sau khi FBI gửi một lá thư đến Ủy ban Pháp lý Thượng viện Mỹ để làm rõ thêm về những giải trình liên quan đến vụ scandal email của bà Hillary Clinton, Giám đốc FBI James Comey đã bất ngờ bị sa thải.
“Ngày hôm nay, Tổng thống Donald J. Trump đã thông báo cho Giám đốc FBI James Comey về việc ông ấy đã bị cách chức và sa thải. Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định trên dựa vào kiến nghị rõ ràng của cả Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết trong một tuyên bố.
Quyết định cách chức ông Comey của Tổng thống Trump gây ngỡ ngàng và người ta nhanh chóng đưa ra một loạt lý do, bao gồm cả những lý do được nói ra và lý do phỏng đoán xung quanh việc này.
Giám đốc FBI bị cách chức là do ông này đã làm tổn hại danh tiếng của FBI. Biên bản ghi nhớ do Thứ trưởng Tư pháp Mỹ General Rod Rosenstein đưa ra để kiến nghị sa thải ông Comey đã nói: “Trong năm qua,… danh tiếng và uy tín của FBI đã phải chịu tổn hại nghiêm trọng và điều đó đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ Bộ Tư pháp”.
Lý do thứ hai mà Thứ trưởng Rosenstein đưa ra là, Giám đốc FBI Comey đã xử lý không tốt cuộc điều tra về scandal email của bà Hillary Clinton. Ông Rosenstein cho rằng, ông Comey đáng ra không nên tổ chức một cuộc họp báo vào tháng Bảy năm ngoái để tuyên bố rằng bà Hillary Clinton không phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì việc sử dụng hệ thống email cá nhân cho công việc.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, ông Comey đáng ra nên nộp kết quả điều tra lên các công tố liên bang. Ông Rosenstein cũng đề cập đến quyết định của Giám đốc FBI trong việc gửi đi một bức thư chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, trong đó tiết lộ về những bức thư email mới được phát hiện của bà Hillary.
Thứ trưởng Rosenstein đã dẫn lời các chưởng lý và nhiều quan chức khác chỉ trích những hành động của ông Comey là “phá vỡ truyền thống không nghiêng về đảng phái nào – một truyền thống được nể trọng của FBI”. Ông Rosenstein nhấn mạnh, “chúng ta nên loại bỏ thực trạng trên và nên quay trở lại truyền thống của FBI”.
Lý do thứ tư được phỏng đoán là Tổng thống Trump không thích Giám đốc FBI Comey. Thông qua những gì mà ông Trump viết trên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, Nhà lãnh đạo nước Mỹ rõ ràng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với ông Comey. Ông Trump lần đầu chỉ trích công khai Giám đốc FBI trên mạng xã hội là vào tháng Bảy năm ngoái sau cuộc họp báo được đề cập ở trên. Ông Trump đã sử dụng từ “hệ thống bị thao túng” để bình luận về cuộc họp báo.
Tháng 10 năm ngoái, khi ông Comey đem lại sự chú ý của dư luận Mỹ vào vụ scandal email của bà Hillary, ông Trump đương nhiên là thích ông này. Tuy nhiên, vào tháng 11, khi ông Comey tuyên bố không phát hiện ra điều gì có thể kết tội bà Hillary thì ông Trump lại thay đổi thái độ với ông Comey. “Bạn không thể xem hết 650.000 bức thư email mới trong 8 ngày. Bạn không thể làm điều đó. Hillary có tội. Bà ấy biết điều đó, FBI biết điều đó và người dân biết điều đó”, ông Trump từng phát biểu như vậy trong một cuộc mít tinh.
Một lý do khác nữa là Giám đốc FBI Comey từng khiến Tổng thống Trump bẽ mặt. Ông chủ Nhà Trắng gần đây cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama ra lệnh tiến hành nghe trộm các cuộc điện thoại của ông này trong chiến dịch tranh cử. Ông Comey đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc trên, giải thích rằng ông Obama không thể ra lệnh tiến hành nghe trộm điện thoại của bất kỳ ai mà không bị kiểm tra.
Lý do thứ sáu khiến ông Comey bị cách chức được cho là do ông này biết một điều gì đó về Nga. Ông Comey hồi tháng Ba từng xác nhận, FBI đang tiến hành điều tra xem liệu những người có liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump có mối liên hệ gì với Nga trong tiến trình bầu cử hay không. “Phó tướng” đồng hành tranh cử với bà Hillary Clinton – ông Tim Kaine khi nghe thông tin về vụ cách chức ông Comey ngày hôm qua đã nhanh chóng đưa ra bình luận: “Vụ sa thải ông Comey cho thấy chính quyền đã sợ hãi thế nào trước cuộc điều tra về mối liên quan của họ với Nga”.
Kiệt Linh (theo Newsweek)
Phe Dân chủ cho rằng Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI là nỗ lực nhằm cản trở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa đội ngũ của ông với Nga.
Tôi đã nói với tổng thống, ‘Tổng thống, với tất cả sự tôn trọng, ngài đang phạm sai lầm lớn'”, AFP dẫn lời nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, phát biểu trước báo giới ngày 9/5.
Tổng thống Donald Trump hôm qua sa thải James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), với lý do xử lý cuộc điều tra về bê bối thư điện tử của cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không phù hợp.
Schumer cùng các nghị sĩ Dân chủ khác nói Tổng thống Trump quyết định sa thải giám đốc FBI làm dấy lên lo ngại về cam kết của Nhà Trắng trong điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và các mối liên hệ giữa Trump với Moscow.
“Đây dường như không phải sự trùng hợp”, Schumer nói. “Cuộc điều tra phải tách xa Nhà Trắng nhất có thể, tách xa khỏi người mà Tổng thống Trump định bổ nhiệm”.
Trừ khi chính quyền chọn một công tố viên độc lập đặc biệt để điều tra cáo buộc về Nga, “mọi người Mỹ sẽ nghi quyết định sa thải Comey là hành động che đậy”, theo Schumer.
“Trump sa thải ông ấy vào lúc này, giữa cuộc điều tra về các cộng sự của tổng thống và quan hệ giữa họ với Nga, là thái quá”, Ron Wyden, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Oregon, chỉ trích Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey. Ảnh: Reuters. |
Patrick Leahy, nghị sĩ Dân chủ lâu năm nhất tại quốc hội, ví hành động của Trump giống như khi cựu tổng thống Richard Nixon bất ngờ sa thải bộ trưởng tư pháp năm 1973.
Adam Schiff, quan chức Dân chủ cấp cao nhất tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, đặt câu hỏi liệu Nhà Trắng “có đang can thiệp quá đà vào một vấn đề hình sự”.
Mark Warner, đảng Dân chủ, phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho rằng điều quan trọng là cần xây dựng lại “lòng tin” tại Bộ Tư pháp bằng cách bổ nhiệm một người độc lập. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý FBI.
Trong khi đó, phe Cộng hòa không chỉ trích tổng thống hoặc Comey trực tiếp khi được đề nghị bình luận.
“Do những tranh cãi gần đây liên quan đến giám đốc, tôi tin một khởi đầu mới sẽ tốt hơn với FBI và quốc gia”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói.
Comey đạp trúng bãi lớn trong vụ email Clinton
HOA THỊNH ĐỐN – Vài ngày sau khi Giám Đốc FBI James Comey điều trần tại Quốc Hội, các ký giả chuyên điều tra chính trị tại thủ đô Hoa Kỳ đã tìm ra những lỗi lầm của ông Comey, và những lỗi lầm này không là sơ suất nhỏ. Uy tín liêm chính của ông đã bị lung lay vì mấy lỗi này, không chỉ trong vai trò giám đốc của FBI mà còn là một công tố viên có thành tích ngay thẳng từ nhiều năm trước.
Những lỗi lầm đó cũng giúp cho Tổng Thống Donald Trump có lý do để cách chức ông Comey vào ngày thứ Ba.
Trong tuần qua, ông Comey từng nói trước Thượng Viện rằng ông từng cảm thấy “buồn nôn nhè nhẹ” khi nghĩ rằng việc làm của mình có thể có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử năm 2016.
Thế nhưng những điều mới được tiết lộ vào ngày thứ Ba cho thấy cuộc điều trần của ôngvào ngày thứ Tư tuần trước, ngày 3 tháng 5, không chỉ có sự gian dối, mà còn có thể làm cho ông cũng như những ai bị ảnh hưởng có thể buồn nôn nặng hơn nhiều. Sự tiết lộ này đang gây hại cho uy tín từng được xem là liêm chính của ông Comey và cho lời biện hộ rằng ông không cố ý gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống.
Các viên chức giấu trên thuộc cơ quan FBI của ông Comey đã tiết lộ với cơ sở truyền thông ProPublica rằng ông Comey đã nói không chính xác trong cuộc điều trần. Sau khi ProPublica đưa tin này đến công chúng, các nhật báo khác, kể cả tờ Washington Post rất có uy tín tại Hoa Thịnh Đốn đã kiểm chứng và rồi cũng cho biết: ông Comey không nói đúng sự thật trong cuộc điều trần trong tuần qua về cuộc điều tra của FBI nhắm vào bà Hillary Clinton.
Giám Đốc FBI Comey từng được ghi nhận nói trước Quốc Hội hai điều như sau:
– Bà Huma Abedin, một phụ tá cao cấp của bà Clinton, “đã chuyển hàng trăm và hàng ngàn thư email” từ máy chủ cá nhân của bà Clinton đến cho ông Anthony Weiner, một cựu dân biểu liên bang và cũng là chồng của bà Huma Abedin. Sự việc chuyển thư này là “một thông lệ” để cho ông Weiner có thể in ra bản giấy cho bà Clinton, và…
– Những thư email này chứa đựng những thông tin mật.
Thế nhưng tường thuật của báo ProPublica cũng như của tờ Post đều cho thấy lời khai của ông Comey đã không đúng sự thật cho điều đầu tiên, và điều thứ nhì đã không minh bạch vì chỉ có một số thông tin chỉ được xem là “mật” sau này mà thôi, chứ lúc được chuyển thì chưa được liệt kê là “mật” và những email khác là thư điện tử thông thường.
Theo tiết lộ của những người làm việc trong cuộc điều tra của FBI liên quan đến thư email của bà Clinton, họ nói rằng cả hai điều mà ông Comey từng khai báo trước Quốc Hội đều không chính xác.
Cuộc điều tra của các nhân viên FBI từng cho thấy rằng bà Huma Abedin có thỉnh thoảng chuyển email cho chồng để ông ta in ra bản giấy, thế nhưng con số thư đó rất ít, không phải “hàng trăm và hàng ngàn” như lời của ông Comey, và hành động của bà Huma Abedin cũng không phải là “một thông lệ” như lời của giám đốc của cơ quan điều tra liên bang FBI.
Những điều không đúng nói trên không phải là “những chuyện nhỏ” trong nhiều chi tiết mà ông Comey đã khai trước Thượng Viện. Hai điều đó đã trở thành tin với hàng tít lớn trên nhiều nhật báo tại Hoa Kỳ trong tuần qua, kể cả trên báo Washinton Post.
Hai chi tiết đó nằm trong những điều mà ông Comey muốn nêu ra, nhằm bênh vực cho quyết định công bố những thư email mới của bà Clinton đúng 11 ngày trước ngày bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 năm ngoái. Trước những câu hỏi từ các chính khách Dân Chủ, về lý do tại sao ông lại công bố những email đó, thì ông Comey từng trả lời rằng nội dung của những email cho thấy tầm nghiêm trọng của sự khám phá của FBI và vì thế cần được nói cho công chúng biết.
Đảng Dân Chủ cũng như bà Clinton từng tố cáo ông Comey, về việc ông đã thông báo có một cuộc điều tra chưa kết thúc của FBI đúng vào thời điểm sắp đến ngày bỏ phiếu, là hoàn toàn vô nghĩa, quá bất thường, và chỉ nhằm gây bất lợi cho bà Clinton trước đối thủ Donald Trump, đưa đến kết quả đắc cử của ông Trump.
Trong một lời phát biểu thẳng thắn trong tuần qua, sau khi nghe ông Comey điều trần tại Quốc Hội, bà Clinton nói rằng bà đã có thể đắc cử tổng thống nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 27 tháng 10, tức là một ngày trước khi ông Comey tuyên bố có cuộc điều tra của FBI mà nay người ta lại thấy có những lỗ hổng trong lời biện hộ của ông Comey.
Ông Comey rất muốn bênh vực cho quyết định công bố cuộc điều tra của FBI vào năm ngoái, vì ông đã tạo uy tín là một viên chức cao cấp không đi theo bất cứ một bè phái chính trị nào, và luôn luôn là một viên chức công lực làm việc có hiệu quả.
Cũng vì từng có uy tín như vậy, nên mặc dù là một đảng viên Cộng Hòa, ông Comey vẫn được Tổng Thống Barack Obama cất nhắc vào chức giám đốc FBI năm 2013. Từ đó ông bị cả hai đảng phê phán, một dấu hiệu cho thấy ông không đứng về phe nhóm nào. Chẳng hạn trong năm 2016 ông bị Cộng Hòa chỉ trích vì không truy tố bà Clinton vào mùa hè năm đó, và rồi sau đó ông bị Dân Chủ la ó vì vụ tiết lộ cuộc điều tra thư email của cặp vợ chồng Abedin-Weiner.
Rồi mới đây, chính Tổng Thống Trump bày tỏ sự không hài lòng, khi biết ông Comey đã thông báo rằng FBI đang điều tra những mối quan hệ giữa ban tranh cử của ông Trump với người Nga.
Từ trước đến nay hầu hết ý kiến từ hai đảng chính trị là ông Comey làm việc với tinh thần không theo bè phái chính trị. Thế nhưng giờ đây người ta lại thắc mắc về khả năng của ông. Làm sao ông lại quá sai lầm, không nhìn ra những chi tiết không đúng sự thật, mà lại dám tuyên bố trước công chúng những chi tiết không đúng mà tưởng là đúng đó, gây ra những hậu quả chính trị quá tai hại.
Giám Đốc James Comey có thể được khen là người liêm chính, làm việc theo đúng quy luật. Nhưng vấn đề mà báo chí đang nêu ra là ông đã suy xét sai lầm, không nhận ra những sự kiện không đúng sự thật, trong khi ông lại là viên chức cao cấp nhất trong ngành điều tra của Hoa Kỳ.