Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 13/3 bị Trump sa thải, giám đốc CIA Mike Pompeo được Tổng thống Mỹ đề cử làm người thay thế vị trí của ông. Khi trả lời phóng viên về quyết định này, Trump nhấn mạnh rằng giữa ông và Tillerson có những khác biệt đáng kể.
Trump và Tillerson đã không đồng ý về các điểm then chốt của chính sách đối ngoại như thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, chính sách ở Trung Đông, Hiệp định về biến đổi khí hậu ở Paris và cách tiếp cận với Triều Tiên. Tổng thống cho rằng Ngoại trưởng suy nghĩ theo lối mòn giống như các chính quyền tiền nhiệm.
“Hãy nhìn vào thỏa thuận Iran, tôi nghĩ nó thật khủng khiếp, nhưng ông ấy lại nghĩ rằng nó ổn”, Tổng thống nói, đề cập đến ông Tillerson. “Tôi muốn phá vỡ nó hoặc làm một điều gì đó nhưng ông ấy không đồng quan điểm”.
Trump đã đưa ra quyết định lịch sử là đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khi ông Tillerson đang công du châu Phi, khiến ngoại trưởng thất vọng vì bị loại khỏi các cuộc thảo luận nội bộ.
Mỹ hồi tháng 4/2017 không kích căn cứ của chính quyền Syria Bashar al-Assad chỉ vài ngày sau khi ông Tillerson nói rằng chính quyền Mỹ chấp nhận việc Assad vẫn nắm quyền. Ngày 9/6/20171, Tillerson kêu gọi Arab Saudi và các đồng minh chấm dứt cô lập Qatar nhưng chỉ hai giờ sau đó, Trump lại đứng về phía Arab Saudi bằng cách gọi Qatar “bên tài trợ khủng bố ở mức rất cao”.
New Yorker đưa tin rằng ngày 20/7/2017, sau một cuộc họp mà trong đó Trump yêu cầu mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Tillerson nói với các trợ lý rằng Tổng thống là “một kẻ ngốc nghếch”. Thông tin này không được xác nhận. Tillerson sau đó tổ chức một cuộc họp báo khẳng định sự ủng hộ của mình với Trump và nhấn mạnh rằng ông không nghĩ đến việc từ chức.
Hồi tháng 10/2017, trong khi căng thẳng Mỹ – Triều đang dâng cao với những màn đấu khẩu quyết liệt, chỉ một ngày sau khi Tillerson nói rằng Mỹ có các đường dây liên lạc với Triều Tiên, Trump đã mỉa mai trên Twitter rằng: “Tôi đã nói với Rex Tillerson, ngoại trưởng tuyệt vời của chúng tôi, rằng ông ấy đang lãng phí thời gian khi cố đàm phán với ‘người tên lửa”, Trump viết, nhắc đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. “Tiết kiệm năng lượng đi Rex, chúng ta còn nhiều việc phải làm!”.
Theo New York Times, một phần lý do khiến Trump làm vậy là tuyên bố của Tillerson đã làm Tổng thống Hàn Moon Jae-in ngạc nhiên và gọi điện đến Nhà Trắng để phàn nàn. Tillerson đã không tính đến phản ứng của Seoul khi biết tin Mỹ – Triều có đường dây đối thoại bí mật – đây được cho là hành động thể hiện sự thiếu kinh nghiệm chính trị của ông.
Vấn đề nhân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không suôn sẻ dưới thời Tillerson. Thượng viện chỉ phê chuẩn 64 trong số 153 người được bổ nhiệm chính trị. Tillerson đã không đề cử bất cứ ai làm thư ký trợ lý giám sát các khu vực quan trọng như châu Á và Trung Đông và cũng chưa đề cử đại sứ cho các đối tác quan trọng như Arab Saudi và Hàn Quốc. Quyết định cắt giảm phòng ban, nhân sự trong bộ của Tillerson cũng khiến nhiều nhân viên bất mãn.
Thực tế, Tillerson đã đạt một số thành tựu, bao gồm việc gia tăng cô lập Triều Tiên, cải thiện mối quan hệ với Arab Saudi và Iraq. Nhưng ông có thể đi vào lịch sử với tư cách là ngoại trưởng kém thành công nhất, vì ông đã không xây dựng được mối quan hệ cá nhân tốt với Trump, mặc dù hai người từng cùng nhau dự nhiều bữa tiệc trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ.
Khi Trump từ chối lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã diễu hành tại Charlottesville – một phần nguyên nhân của vụ lao xe vào tháng 8/2017, Tillerson nói rõ rằng Trump “đang nói quan điểm của mình” chứ không phải quan điểm của Bộ Ngoại giao.
Từng là lãnh đạo Hội nam hướng đạo Mỹ, Tillerson đã bực bội khi Tổng thống lồng ghép quá nhiều yếu tố chính trị trong bài phát biểu trước các hướng đạo sinh vào tháng 7/2017. Các bài phát biểu tại sự kiện như vậy thường chỉ mang thông điệp cổ vũ tinh thần giới trẻ.
Dù đã có nhiều dấu hiệu về bất đồng quan điểm giữa hai người, việc Trump sa thải Tillerson vẫn khiến các nhân viên Nhà Trắng ngạc nhiên. Chỉ một ngày trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng đã bày tỏ sự bực bội khi một phóng viên hỏi liệu có rạn nứt giữa Tillerson và Nhà Trắng vì hai bên đưa ra những bình luận khác nhau về trách nhiệm của Nga đối với vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh.
Tuy nhiên, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Trump quyết định thay Tillerson để thành lập một nhóm mới trước khi hội đàm với Kim Jong-un. Tổng thống cũng muốn một nhà ngoại giao mới để đảm nhiệm các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.
Khác với Tillerson, Pompeo, người được Trump chọn cho vị trí tân ngoại trưởng, có nhiều quan điểm tương đồng với Tổng thống, tiêu biểu là về thỏa thuận hạt nhân Iran. Khi đứng đầu CIA, Pompeo cũng có quan hệ tốt với các nhân viên cấp dưới.
Nhiều người bảo thủ xem việc ông Pompeo được bổ nhiệm là một cơ hội lớn. “Việc sa thải Tillerson có thể mở cửa để nhiều người bảo thủ hơn vào chính quyền”, Jordan Schachtel, cây bút về an ninh quốc gia của Conservative Review, viết.
Phương Vũ