Việt kiều Phan Kim Đôn và cuộc chơi Rocket Internet

Tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ), từng làm việc cho một số định chế tài chính lớn tại đây nhưng cuối cùng Việt kiều Phan Kim Đôn lại quyết định quay về đảm nhận vai trò Sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Rocket Internet (Đức) tại Việt Nam.

Rocket Internet chính là đại gia thương mại điện tử đã bành trướng sang hơn 50 quốc gia, thành lập không dưới 100 doanh nghiệp ăn nên làm ra và tạo được 20.000 việc làm trên khắp thế giới. Cách làm của họ là tạo ra bản sao của những mô hình thương mại điện tử thành công của Mỹ đem áp dụng ở các thị trường khác. Sau đó họ bán cho nhà đầu tư khác hoặc cho chính những người chủ của mô hình mà mình đã sao chép.

Được sáng lập bởi 3 anh em nguời Đức là Marc, Oliver và Alexander Samwer vào năm 2007, nhưng thực sự Rocket Internet đã khởi động từ năm 1999 bằng việc sao chép mô hình của website đấu giá nổi tiếng eBay (Mỹ) đem về thị trường Đức dưới cái tên Alando. Bốn tháng sau đó, eBay quyết định bỏ ra 53 triệu USD để mua lại Alando. Một bản sao thành công khác của họ tại châu Âu là CityDeals, nhái mô hình mua theo nhóm Groupon (Mỹ) và đã được chủ nhân mua lại với cái giá gần 2 tỉ USD. Tại Việt Nam, Rocket Internet đang vận hành 3 mô hình thương mại điện tử là Lazada, Zalora và FoodPanda.

 

3 nhà sáng lập của Rocket Internet3 nhà sáng lập của Rocket Internet

 

Lazada là một bản sao được địa phương hóa của website bán hàng trực tuyến Amazon (Mỹ) và đã trở nên quen thuộc ở Trung Đông và Đông Nam Á. Trong khi đó, Zalora chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang và bắt chước mô hình của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zappos (Mỹ). Hiện Zalora đã có mặt tại Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và Việt Nam. Còn FoodPanda là một dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ăn theo những mô hình tương tự đã thành công ở Mỹ và châu Âu.

Lý giải cho quyết định quay về Việt Nam cùng với Rocket Internet, Đôn cho biết điều kiện hiện tại của Việt Nam là khá lý tưởng để các công ty công nghệ nhảy vào khai thác lĩnh vực thương mại điện tử. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP đứng thứ hai ở châu Á chỉ sau Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng mạng cũng được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây và là nhân tố chính cho sự bùng nổ về lượng người tham gia thế giới trực tuyến.

Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, số lượng người Việt dùng internet đến năm ngoái đã lên đến hơn 30 triệu (tương đương 34% dân số), đứng thứ sáu ở châu Á và vượt qua cả Thái Lan hay Malaysia.

Kẻ đến sau nhiều tham vọng

Một khảo sát của Bộ Thương mại trên 3.400 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cho thấy 60% trong số đó đã áp dụng hình thức giao dịch bằng thương mại điện tử. Nguồn thu từ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt gần 2 tỉ USD, tương đương 2,5% GDP và được dự báo tăng lên 6 tỉ USD vào năm 2015.

Tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam lẽ ra phải cao hơn nếu không gặp phải nhiều rào cản, trong đó phải kể đến môi trường kinh doanh kém tin cậy. “Khách hàng tỏ ra không mấy tin tưởng khi mua hàng trên mạng. Họ cảm thấy không được bảo vệ quyền lợi”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết. Hiện nay, việc thanh toán đã trở nên dễ dàng hơn nhờ sự hợp tác giữa các website với ngân hàng, nhưng việc thanh toán trực tuyến vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mua bán điện tử ở Việt Nam.

Dù gặp phải những rào cản, các công ty nước ngoài vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội tiềm tàng tại đây. Đơn cử là Google, eBay, Amazon (đều của Mỹ), Alibaba (Trung Quốc) hay Rakuten (Nhật) đang dần hiện diện ở Việt Nam. Tháng 6 năm ngoái, Google đã tham gia vào Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Với mục tiêu nhắm đến khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Google hy vọng sẽ thu về 30 triệu USD mỗi năm từ Việt Nam. Alibaba và eBay cũng mới lựa chọn các nhà đại diện chính thức tại Việt Nam. Alibaba chọn Công ty Investment & Technology JSC làm đại diện. Còn Amazon và Rakuten thì đang tiếp cận thị trường để tìm cơ hội. Trong bối cảnh đó, Rocket Internet cũng không đứng ngoài cuộc.

Ngay từ khi quyết định đầu tư và triển khai tại Việt Nam vào cuối năm 2011, Rocket Internet đã lần lượt cho ra đời một loạt sản phẩm gồm Lazada, Zalora và FoodPanda. Chỉ hơn 1 năm sau, Lazada và Zalora đã hút được hơn 100 triệu USD từ hàng loạt quỹ đầu tư như Holtzbrinck Ventures, AB Kinnevik, Summit Partners, Tengelmann Group hay Verlinvest; còn FoodPanda mới đây cũng nhận được 20 triệu USD từ 2 nhà đầu tư Đức và Thụy Điển. Điều này chứng tỏ khả năng kiếm lời, nhìn từ phía các nhà đầu tư là rất khả quan.

Tuy được hậu thuẫn tài chính mạnh, nhưng không dễ để Rocket đạt mục tiêu đưa sản phẩm của họ trở thành những mô hình thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam hiện đã được thống trị bởi những tên tuổi như VatGia.com, 5Giay.vn, ChoDienTu.com, RongBay.com hay Solo.vn… Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam, những mô hình thương mại điện tử nói trên đã chiếm đến 97% tổng giá trị giao dịch trong năm 2012. Cụ thể, ChoDienTu.com chiếm 23% thị trường; Solo.vn, 17%.

Rocket Internet hiện phải đối mặt với những đối thủ nội ở 3 mảng kinh doanh trực tuyến họ chọn. Đáng gờm nhất phải kể đến ChoDienTu.com, hiện chiếm gần 1/4 thị trường giao dịch trực tuyến và là đối thủ chính của Lazada. Cách đây không lâu, eBay đã mua 20% cổ phần tại PeaceSoft, công ty sở hữu ChoDienTu, qua đó tăng thêm đáng kể sức mạnh cho họ. Zalora tuy là một trong những mô hình bán lẻ thời trang trực tuyến xuất hiện khá sớm, nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh từ Sendo.vn (thuộc Tập đoàn FPT), LamDieu.com (được Quỹ Đầu tư IDG bảo trợ) cùng với Chon.vn, một mô hình được đầu tư bởi Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Mô hình tương tự như Zalora, tuy nhiên Chon.vn chỉ ký hợp đồng với các công ty có đăng ký kinh doanh sản xuất, nguồn hàng xuất xứ rõ ràng, có chọn lọc để phù hợp với định vị cũng như tên gọi của họ. Nhờ mối quan hệ sẵn có, một lượng đáng kể hàng của Chon.vn là chính hãng từ rất nhiều công ty thời trang và các nhà thiết kế lớn trong nước và quốc tế như Việt Tiến, May Phương Đông, Minh Hạnh, Kiều Việt Liên…

Thêm nữa, Chon.vn không phải đầu tư quá nhiều vào kho bãi như Zalora nhờ vận hành theo kiểu cho nhân viên đến lấy sản phẩm từ nhà cung cấp rồi giao cho khách mỗi khi có đơn hàng, qua đó giảm chi phí.

Hiện đang quản lý FoodPanda, dự án mới nhất của Rocket Internet tại Việt Nam, Phan Kim Đôn cho rằng tuy vào thị trường trễ hơn đối thủ nhưng với thế mạnh sẵn có về thương hiệu cũng như khả năng vận hành, FoodPanda sẽ sớm chứng tỏ được vị thế. Đối thủ lớn nhất của họ chính là ChonMon của VCCorp, đơn vị vừa được rót khoản đầu tư vài triệu USD từ Quỹ Intel Capital (thuộc Tập đoàn Intel). Để cạnh tranh khi mới bắt đầu, FoodPanda đã chi mạnh cho quảng cáo trực tuyến. Hiện đã giảm nhưng họ vẫn duy trì ngân sách hoạt động này ở mức gần 200 triệu đồng/tuần.

Dội bom quảng cáo trực tuyến cũng được Rocket Internet áp dụng cho Lazada và Zalora để cạnh tranh với các đối thủ Việt. Theo trang tin khởi nghiệp Action, 10.000 USD là chi phí marketing trung bình 1 ngày mà Rocket Internet phải trả cho 2 mô hình thương mại điện tử nói trên. Còn theo một nguồn tin khác thì chi phí này là 10.000 USD/tuần.

Đôi khi tiền không phải là tất cả. Sinh trưởng và lớn lên ở Mỹ, ấn tượng đầu tiên sau khi về nước của Việt kiều họ Phan là khâu chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp nội địa quá kém. Theo anh, hoạt động marketing trong đó bao gồm dịch vụ khách hàng chính là chìa khóa để một mô hình thương mại điện tử có thể thành công.

Người dọn đường cho các đại gia

Về phương diện kinh doanh, việc tham khảo và học hỏi các mô hình khác để áp dụng cho doanh nghiệp của mình là điều hết sức phổ biến. Phần lớn các mô hình kinh doanh trên thế giới đều vay mượn và sử dụng các kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước để có thể dẫn đến thành công.

Tuy nhiên, mô hình Rocket Internet đang triển khai lại đi ngược với những gì được dạy trong các trường kinh doanh: Sự sáng tạo là nguyên tố lớn nhất mang lại thành công và giá trị cho doanh nghiệp. Rõ ràng, sự sáng tạo là điều quan trọng nhất trong xã hội hiện nay. Những mô hình như Amazon, eBay, Groupon, Facebook hoặc các sản phẩm đột phá như iPhone, iPad sẽ không bao giờ có mặt nếu các doanh nghiệp cứ đi sao chép lẫn nhau.

Nói đi cũng phải nói lại. Không phải ai đi sao chép cũng thành công như Rocket Internet. Khi được một tờ báo Đức phỏng vấn, người em út Alexander Samwer đã chia sẻ: ”Rocket không đơn giản chỉ sao chép các mô hình và bán nó để kiếm lời. Chúng tôi tập trung vào việc xây dựng chúng trở thành những mô hình hiệu quả trước khi bán cho nhà đầu tư khác”.

Những mô hình kinh doanh sao chép của Rocket Internet không phải đánh vào những thị trường đã trưởng thành như Bắc Mỹ, xuất phát điểm của Amazon, Groupon hay eBay. Rocket Internet chủ yếu tập trung phát triển vào các thị trường thương mại điện tử còn mới như Nam Mỹ, Đông Âu, Trung Đông và Đông Nam Á, nơi có dân số đông đúc và mật độ cạnh tranh còn thấp. Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn xem thị trường Mỹ là nơi kiếm tiền chính và việc đầu tư khai thác các thị trường châu Á mất khá nhiều thời gian, công sức mà còn gặp rất nhiều rào cản về pháp luật tại mỗi quốc gia khác nhau, Rocket Internet như được tạo thêm điều kiện để thâm nhập vào các thị trường non trẻ.

Rocket Internet đóng vai trò là người tiên phong để khai phá những thị trường này. Họ thâm nhập và xây dựng những mô hình kinh doanh hoàn thiện, đồng thời giải quyết các vấn đề như pháp luật, nhân sự, vận chuyển, quản lý tài chính. Điều này cũng tiện lợi cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ vì họ không phải chịu rủi ro bỏ tiền đầu tư trước mà có thể xem xét liệu thị trường mới có tiềm năng hay không, từ đó mới quyết định mua lại những mô hình sao chép đang hoạt động thành công.

Mặc dù Phan Kim Đôn khẳng định Rocket Internet sẽ gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam, nhưng có lẽ mọi chuyện còn ở phía trước. Tuy nhiên ở khía cạnh tích cực, Rocket Internet với số vốn đồ sộ đã góp phần vào việc thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam phát triển. Họ cũng có công lớn trong việc đào tạo một đội ngũ nhân lực trẻ tại chỗ quen dần với lĩnh vực công nghệ vốn còn khá mới mẻ tại đây. Với kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp của mình, Rocket Internet có thể mang đến cho thị trường địa phương những cỗ máy hoạt động hiệu quả. Những tinh hoa như văn hóa doanh nghiệp và kỹ năng vận hành chuyên nghiệp cũng phần nào được lưu giữ. Quan trọng hơn, sự cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích trước hết cho người tiêu dùng.

Những mô hình như Amazon, eBay, Groupon đều phát triển ở Mỹ nhưng lại rất chậm chạp trong việc thâm nhập vào các khu vực khác, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn đang hiện hữu và tăng nhanh ở các thị trường này. Nhờ sự nhanh tay trong việc sao chép các mô hình thương mại điện tử thành công trên thế giới, Rocket Internet có thể nhanh chóng đưa chúng đến những thị trường có triển vọng nhưng còn đang bị bỏ ngỏ như Việt Nam.

Tuy nhiên, họ cũng sẽ phải dè chừng trường hợp các công ty công nghệ Mỹ mua lại doanh nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam chứ không chọn Rocket Internet vì những đơn vị địa phương thường thông hiểu cơ chế hơn.

Hà Nguyễn
Nguồn: Nhipcaudautu

Leave a Reply