Vietnam – Cali Today News – Chính thể độc đảng ở Việt Nam vừa tạo ra một ấn tượng đáng ngạc nhiên đối với giới Ki tô hữu khi chấp nhận cho tổ chức lễ ‘500 năm Tin Lành cải chính’ ở Hà Nội.
Theo VOA, hơn 10.000 người Việt Nam đã đến dự buổi giảng của Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Samaritan’s Purse, diễn ra tại một vận động trường ở Hà Nội trong buổi tối Thứ Sáu 8/12/2017. Sự kiện kéo dài hai ngày cho tới hết Thứ Bảy 9/12, là sự kiện truyền bá phúc âm Cơ Đốc Giáo “hiếm hoi” ở nước cộng sản Việt Nam, theo hãng thông tấn AP.
Mục sư Graham nói rằng buổi cầu nguyện tại Hà Nội hôm thứ Sáu là sự kiện “chưa từng diễn ra về mặt quy mô đối với Việt Nam. Ông cho biết chính quyền tại Hà nội không đặt ra bất cứ điều kiện nào’ cho sinh hoạt tôn giáo này. Mặc dù cần tới 1 năm để tổ chức sự kiện, giới hữu trách Việt Nam chỉ mới bật đèn xanh “hồi tuần trước”, theo lời mục sư Graham nói với AP.
Trang mạng christianpost.com đã trích lời Mục sư Franklin Graham ca ngợi chính phủ Việt Nam là đã bắt đầu có quan hệ ấm áp hơn với Ki-tô giáo…
Đây là lần thứ hai trong năm nay, chính quyền Việt nam được “khen” bởi giới chức tôn giáo. Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 8/2017 khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh bất ngờ về Việt Nam, và theo những nhà sư đi theo ông, Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp đã giải quyết thủ tục cấp vi sa cho cả đoàn thày Nhất Hạnh chỉ trong một ngày – điều quá khó để tưởng tượng.
Chính quyền Việt Nam có “thành tâm” với tôn giáo hay đang toan tính gì?
Hãy liên tưởng. Từ năm 2016 đến nay đã diễn ra những cuộc vận động ngày càng dứt khoát của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác đòi hỏi đưa chính quyền Việt Nam trở vào Danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC). Vào năm 2016, USCIRF đã công bố bản báo cáo mang tựa đề “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Đánh giá việc đưa vào 10 năm sau khi rút tên”.
11 năm trước, vào năm 2006, Việt Nam đã được người Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC, sau đó Việt Nam còn được chấp thuận trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) vào năm 2007. Trong vài ba năm sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã “chung vui” cùng chế độ bằng những chiến dịch đầu cơ kinh hoàng, mang lại vô số tiền bạc cho lớp đại gia đầu cơ và giới quan chức tham nhũng chính sách. Nhưng đồng thời từ năm 2008 đến nay, chính quyền Việt Nam lại gia tăng đàn áp tôn giáo và bắt bớ người bất đồng chính kiến. Chỉ riêng hai năm 2011 và 2012 là “cao điểm”, số người bất đồng bị bắt hàng năm đã lên tới gần năm chục. Trong 10 tháng đầu năm 2017, số người bất đồng bị bắt đã lên đến con số 25.
Vào năm 2007, để vào được WTO, Việt Nam đã “điều chỉnh” một số nội dung liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng sau khi đã được thỏa mãn trong bàn tiệc WTO, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được Việt Nam ban hành trong thời gian gần đây đã trở lại lốt cũ, quá nặng về cơ chế “xin – cho” và không thiếu hàm ý đe dọa sẽ thẳng tay trấn áp các tổ chức tôn giáo không chịu xin phép “đảng và nhà nước”.
Cho tới nay, những tôn giáo bị chính quyền đàn áp mạnh nhất vẫn là Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ở An Giang, Công giáo (đặc biệt ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), Tin Lành (chủ yếu ở Tây Nguyên và Tây Bắc).
Cho tới nay, không chỉ giới chức Hoa Kỳ, mà rõ ràng cả nhiều nước Tây Âu, và cả Đông Âu, đã đánh giá tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, số người bị bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu ngày càng tăng. Nhiều dư luận cho rằng chính sách dỡ bỏ CPC của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vào năm 2006 là sai lầm.
AP dẫn nguồn từ Tổ chức Human Rights Watch cho biết hơn 100 người Việt Nam đang bị giam cầm vì những sinh hoạt tôn giáo hay chính trị ôn hòa.
Vào tháng Chín năm 2017, chính quyền Việt Nam còn bổ nhiệm viên đại tá Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng An ninh Tây Bắc, thuộc Tổng cục An ninh của Bộ Công an, làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.
Ông Vũ Chiến Thắng lại là người có kinh nghiệm và thâm niên là Cục trưởng An ninh Tây Bắc, chủ yếu là các đối sách trấn áp Công giáo và Tin Lành.
Với nguồn gốc Nghệ An, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng dĩ nhiên có nhiều kinh nghiệm để đối phó với phong trào Công giáo phản đối Formosa nơi đây. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường tham mưu cho đảng những đối sách và biện pháp “chuyên biệt” và quyết liệt nhắm vào Công giáo Vinh và giáo dân Hà Tĩnh, càng khiến giới nhân quyền quốc tế nổi giận và đẩy nhanh hơn chính quyền Việt Nam vào lại Danh sách CPC.
Một mâu thuẫn lớn nảy nòi trong lòng chế độ cầm quyền là trong khi “hoan hỉ” đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam, vào năm 2016 nhà cầm quyền lại xóa trắng chùa Liên Trì ở Sài Gòn – một địa chỉ truyền thống thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Và trong khi chấp nhận cho tổ chức lễ ‘500 năm Tin Lành cải chính’ của Mục sư Franklin Graham ở Hà Nội, vào tháng 11/2017, chính quyền trung ương và chính quyền Điện Biên đã tìm cách đẩy đuổi nhiều giáo dân Tin Lành ở vùng này, khiến nổi bật một bằng chứng không thể chối cãi được về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Với nhiều bằng chứng về đàn áp tôn giáo như thế, liệu chính quyền Việt Nam có tìm cách thoát được tương lai “tái hòa nhập CPC” bằng vài tiểu xảo mơn trớn Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Franklin Graham?