Đại diện Chính phủ khẳng định sẽ nỗ lực cao nhất để ‘từng người dân, doanh nghiệp phải là chủ thể hưởng lợi của hiệp định này’.
Chiều 30/6, Việt Nam và EU chính thức ký Hiệp định thương mại, gồm 2 hiệp định: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). “Hiệp định này mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định sau khi chứng kiến lễ ký kết.
Thủ tướng cho rằng hai hiệp định EVFTA và IPA với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp. “Hai hiệp định quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau”, Thủ tướng ví von.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trò chuyện với bà Cecila Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu trước lễ ký FTA Việt Nam – EU chiều 30/6. Ảnh: Giang Huy |
Trả lời báo chí tại họp báo sau đó, bà Cecila Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu không ngần ngại nói, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU là hiệp định tốt nhất, tham vọng nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Theo bà, Hiệp định này với những tiêu chuẩn cao trong hiệp định thương mại này về mua sắm Chính phủ, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại… tạo ra điều kiện để những trở ngại thương mại, đầu tư trước đây được gỡ bỏ, song chính doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ là chủ thể chọn lựa đối tác chứ khônh phải Chính phủ chỉ đạo.
Cao uỷ thương mại của EU kỳ vọng, EVFTA và IPA được ký sẽ là nền tảng, cầu nối để EU hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN, khu vực mà Việt Nam sẽ là Chủ tịch vào năm sau.
Bà Cecila Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu. Ảnh: Giang Huy |
Trong khi đó, với vai trò cơ quan tham mưu của Chính phủ và thành viên đoàn đàm phán, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, xuất nhập khẩu, tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên. Việt Nam sẽ có động lực, cơ sở quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi các cam kết hội nhập.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Công Thương cũng thừa nhận, thách thức từ hiệp định này không ít khi người dân Việt Nam với trình độ thấp hơn, doanh nghiệp và nền kinh tế có quy mô nhỏ.
Ông lý giải, doanh nghiệp và người dân sẽ có thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan nhưng châu Âu là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu. Nếu làm được như vậy thì không chỉ có điều kiện tiếp cận với châu Âu mà còn nhiều thị trường khác.
Rút kinh nghiệm các chương trình thực thi FTA trước đây, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình hành động nhằm đảm bảo thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhanh chóng, đầy đủ nhất. Song ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề lớn, chủ động nghiên cứu toàn diện các nội dung của hiệp định, đặc biệt chương trình hành động của Chính phủ. “Từng người dân, doanh nghiệp phải là chủ thể hưởng lợi của hiệp định thương mại này”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh Hiệp định về thương mại, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng được ký kết với nhiều điều khoản, nội dung quan trọng, thay thế 21 hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam đã ký với các thành viên EU trước đây.
Điểm khác biệt của hiệp định này, theo ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, là đảm bảo an toàn nguồn vốn của các nhà đầu tư khi di chuyển nguồn vốn và tài sản. Hiệp định IPA cũng đưa ra tiêu chí rõ ràng cho hành vi của Nhà nước mà không thể áp dụng được phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài; bổ sung quy định miễn trừ Nhà nước trong các vấn đề liên quan môi trường, đạo đức… Hiệp định bảo hộ đầu tư lần này cũng có cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế thường trực, thay vì cơ chế trọng tài trước đây.
Thông qua IPA, ông Thắng khẳng định, sẽ có sự thay đổi lớn trong dòng vốn nhà đầu tư EU vào Việt Nam. “Các nhà đầu tư EU sẽ thấy an toàn hơn khi đầu tư, lựa chọn Việt Nam và thông qua khuôn khổ EVFTA, IPA để tham gia thị trường ASEAN, CPTPP”, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư khẳng định.
Cũng theo ông Thắng, với IPA lần này, Chính phủ đã từ bỏ việc miễn trừ tố tụng quốc gia, nên “chúng ta sẵn sàng đối phó với các vụ kiện”. Và nhiệm vụ của các cơ quan Chính phủ bây giờ là nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới đang được cơ quan này hoàn thiện, trong đó chú trọng tới nguồn vốn ngoại sử dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn, môi trường bền vững…
Sau ký chính thức các hiệp định thương mại, EU và Việt Nam ký sẽ trình lên Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, dự kiến trong năm 2020. Sau bước phê chuẩn này, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức hoàn tất, có hiệu lực. Trong khi đó Hiệp định IPA cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước, dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm.