HÀ NỘI (NV) – “Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí hơn 411.6 tỷ đồng.”
Đó là mở đầu bản tin đăng trên trang mạng của báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 2 Tháng Mười Một.
Theo thời giá hiện tại, 411.6 tỉ đồng tương đương khoảng $20 triệu.
Truyền thông Việt Nam do chính quyền kiểm soát hoàn toàn. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images) |
Bài báo được viết tiếp: “Mục tiêu của đề án là phải đảm bảo hầu hết các địa bàn trọng điểm được cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet với chất lượng phù hợp, đồng thời mở rộng địa bàn cung ứng kênh chương trình phát thanh, truyền hình chất lượng cao đến nhiều loại thiết bị đầu cuối khác nhau; bảo đảm trung bình mỗi ngày có trên 1 triệu người lượt người truy cập dịch vụ và hệ thống có khả năng phục vụ tới 200,000 người sử dụng dịch vụ đồng thời.”
“Bên cạnh đó, hệ thống cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet phải đảm bảo chuyển tải tối thiểu 10 kênh chương trình truyền hình và 4 kênh chương trình phát thanh để phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài,” vẫn theo bài báo.
Cũng theo đề án mà báo Sài Gòn Giải Phóng đề cập, trong giai đoạn 2015-2017, hàng năm sẽ cung cấp 10 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh; giai đoạn 2018-2020, hàng năm sẽ cung cấp 20 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, trên nền tảng công nghệ: truyền hình Internet qua giao diện web; truyền hình Internet trên tivi; truyền hình internet trên thiết bị di động; truyền hình trên nền tảng mạng ngang hàng và truyền hình trên cơ sở sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ video trực tuyến.
Việt Nam hiện nay vẫn theo chế độ độc đảng, và chính quyền kiểm soát tất cả các cơ quan truyền thông. (Đ.D.)