FTC và chính quyền hàng loạt bang tại Mỹ khẳng định Facebook đã lạm dụng vị thế độc quyền trong ngành công nghiệp mạng xã hội để bóp nghẹt sự cạnh tranh. Hành vi độc quyền điển hình của Facebook là mua lại Instagram với giá 715 triệu USD năm 2012 và WhatsApp với giá 22 tỷ USD hai năm sau đó.
FTC muốn Facebook phải bán hai công ty này. Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Dan Ives của hãng Wedbush Securities nhận định nếu thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp, Facebook sẽ đối mặt với mối đe dọa mang tính tồn vong. Bởi Instagram là nguồn thu quan trọng của Facebook, trong khi CEO Mark Zuckerberg sử dụng WhatsApp để mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thương mại điện tử.
“Nếu phải bán Instagram và WhatsApp, Facebook sẽ đối mặt với sự đứt quãng về mô hình kinh doanh”, nhà phân tích Ives cho biết. Đơn kiện của FTC và các bang đang gây áp lực lên giá cổ phiếu của Facebook.
Trên thực tế, Facebook mua lại hai nền tảng đối thủ bởi CEO Mark Zuckerberg dự đoán mạng xã hội này sẽ dần đánh mất sức hút, và cần những động lực mới. Việc Facebook phải bán Instagram và WhatsApp sẽ khiến tương lai của mạng xã hội này trở nên vô cùng mờ mịt, đặc biệt khi hai khoản đầu tư khổng lồ trên bắt đầu đem lại kết quả tích cực.
Theo Bloomberg, hiện nền tảng Facebook đang hết dần vị trí để đặt quảng cáo. Do đó, Zuckerberg muốn đầu tư vào thương mại điện tử. Năm nay, Facebook mở cửa để người dùng mua hàng trực tiếp qua hình ảnh và video trên Instagram, và vận động doanh nghiệp toàn cầu sử dụng WhatsApp để kết nối với khách hàng.
Facebook cũng lên kế hoạch kết nối ứng dụng chat của WhatsApp với dịch vụ mua hàng trên Instagram. Nếu không còn kiểm soát Instagram và WhatsApp, Facebook hầu như không có cửa mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thương mại điện tử.
Bên cạnh kế hoạch tấn công thương mại điện tử, Facebook đang vật lộn đối phó với tình trạng số lượng người dùng ở các thị trường trọng điểm lao dốc. Không gian quảng cáo trên News Feed của mạng xã hội này cũng đang rơi vào tình trạng bão hòa. Do đó, doanh thu của Facebook ngày càng phụ thuộc vào Instagram.
Ứng dụng này đem lại cho Facebook 20 tỷ USD trong năm 2019, tương đương 29% tổng doanh thu. Hãng nghiên cứu EMarketer ước tính doanh thu của Instagram đạt 28,1 tỷ USD trong năm nay, tương đương 37% tổng doanh thu Facebook. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng doanh thu của Facebook phụ thuộc rất lớn vào Instagram.
Trong khi đó, WhatsApp chưa đem lại nguồn thu cho Facebook. Nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi khi công ty này đầu tư vào thương mại điện tử, thanh toán online và phát triển các công cụ dịch vụ khách hàng.
Cả WhatsApp và Instagram đều rất quan trọng trong chiến lược quốc tế của Facebook. Hai nền tảng này tăng trưởng rất nhanh ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil. Tại một số quốc gia, số lượng người dùng của của hai ứng dụng tăng nhanh hơn nhiều so với Facebook.
Ấn Độ được xem là thị trường trọng yếu trong tương lai, và Facebook lo ngại một số đối thủ Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế tại đây trước. Ở Nhật Bản, số lượng người dung của Instagram cao hơn Facebook khoảng 70%.
Như vậy, nếu đánh mất Instagram và WhatsApp, Facebook sẽ đánh mất số lượng người dùng và nguồn thu khổng lồ.
Cuối cùng, số lượng người dùng trẻ của Facebook đang ngày càng sụt giảm. Theo Pew Researchg, hồi năm 2018, khoảng 51% thiếu niên Mỹ (13-17 tuổi) dùng Facebook, giảm mạnh so với mức 71% của vài năm trước đó. Tỷ lệ này đang ngày càng sụt. Trong khi đó, 72% thiếu niên Mỹ dùng Instagram.
Instagram là vũ khí của Facebook để chống lại Snapchat cũng như TikTok. Không còn Instagram, Facebook sẽ phải tự phát triển một sản phẩm mới để thu hút giới trẻ. Đây là điều công ty này không làm được trong những năm qua. Giới quan sát cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Facebook sẽ bất ngờ tạo ra sản phẩm mới nếu không còn Instagram.
Theo Zing