Lúc hấp hối trên giường bệnh, Andrew Carnegie giận mình vì vẫn còn 30 triệu USD, chưa kịp quyên góp hết.
Tổng cộng, trong 18 năm cuối đời, Carnegie đã đem 90% tài sản tương đương 350 triệu USD làm từ thiện.
Andrew Carnegie sinh ngày 25/11/1835 tại Dunfermline (Scotland) trong một gia đình làm nghề dệt vải. Sau khi chuyển đến Mỹ vào năm 1848, ông làm nhiều công việc chân tay, sau đó đầu tư vào ngành đường sắt.
Năm 1889, công ty Carnegie Steel Corporation của Carnegie là công ty thép lớn nhất thế giới. Năm 1901, Carnegie bán lại công ty với giá 480 triệu USD, tương đương 2,1% GDP nước Mỹ lúc đó. Nếu tính theo GDP nước Mỹ năm 2014, số tiền này lên tới 372 tỷ USD.
Chân dung “vua thép” Mỹ Andrew Carnegie. Ảnh: Thoughtco. |
Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, Carnegie luôn dặn mình không được sa ngã vì đồng tiền. Tháng 12/1868, ở tuổi 33 với thu nhập 50.000 USD mỗi năm, ông viết thư tự nhắc nhở: “Đàn ông phải tôn sùng thứ gì đó, nhưng tôn sùng sự giàu có là một trong những điều tồi tệ nhất”.
Cuối thư, Carnegie khuyến khích bản thân tham gia các vấn đề cộng đồng, đặc biệt là cải thiện giáo dục và điều kiện sống của tầng lớp nghèo khổ.
Trong bài luận The Gospel of Wealth năm 1889, Carnegie thể hiện rõ quan điểm người giàu nên dùng tài sản để giúp đỡ xã hội. Ông viết: “Người đàn ông để lại tài sản triệu đô sau khi chết sẽ không được thương tiếc, vinh danh hay ngợi ca. Cái chết giàu sang là cái chết đáng hổ thẹn”.
Để người giàu không lo lắng về “cái chết đáng hổ thẹn”, Carnegie gợi ý họ làm từ thiện ngay từ lúc sống bằng cách đầu tư vào một lĩnh vực “không bao giờ được chăm lo đầy đủ”, đó là giáo dục.
Carnegie quan niệm chết mà vẫn để lại tiền là cái chết đáng hổ thẹn. Ảnh: Marceau/New York. |
Sinh thời, Carnegie đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Thủa nghèo khó, ông thường đến thư viện công của Đại tá James Anderson để đọc sách miễn phí. Chính những cuốn sách này đã cho Carnegie kiến thức để sau này thành công.
Về sau, ông đã hỗ trợ mở 3.000 thư viện công ở nhiều nước. Ngoài thư viện, Carnegie còn thành lập Viện Công nghệ Carnegie ở Pittsburgh, hiện là Đại học Carnegie-Mellon cùng nhiều quỹ hỗ trợ học tập.
Trong một bộ phim tài liệu về Carnegie của BBC, cựu thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định Carnegie đã truyền cảm hứng để người giàu “có sứ mệnh rõ ràng hơn, tập trung tạo ra sự khác biệt chứ không chỉ đầu tư vào sở thích cá nhân”. Trong bối cảnh mức quyên góp của nhà giàu Anh và Mỹ đều giảm, ông Brown cho rằng các triệu phú, tỷ phú nên nhìn tấm gương Carnegie để suy ngẫm. Giống như “vua thép” đã nói: “Giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn những gì bạn đã thấy là một động lực cao quý”.
Ngày 11/8/1919, Andrew Carnegie trút hơi thở cuối cùng. Theo nguyện vọng của ông, toàn bộ số tiền 30 triệu USD được quyên góp cho các quỹ, tổ chức từ thiện. Carnegie có một con gái. Ông để lại cho cô một khoản tiền nhỏ chỉ đủ để sống thoải mái cùng một căn nhà. Về sau, phí bảo trì căn nhà quá tốn kém, người con gái đã bán nhà đi.
Minh Trang (Theo Forbes)