Bình luận về chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ với Triều Tiên, tờ Wall Street Journal nhận định đây có thể là cách duy nhất để mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực.
Khi tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Hà Nội ngày 27-28/2, Tổng thống Donald Trump đã tạo nên cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Triều Tiên. Thay vì cố gắng thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Nhà Trắng theo đuổi chính sách bình thường hóa quan hệ trên thực tế để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Theo Wall Street Journal, tổng thống Mỹ đánh cược rằng chiến lược mới của ông sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn, tuy nhiên việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu vị thế của Mỹ ở châu Á.
Chính sách đối ngoại khác biệt, liều lĩnh
Theo WSJ, ông Trump đã kế thừa một chính sách sai lầm đối với Triều Tiên. Giờ đây, ông chỉ thừa nhận điều mà các tổng thống Mỹ trước sau gì cũng phải thừa nhận, rằng họ cách duy nhất họ có thể phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là chiến tranh
Tuy nhiên, thay vì “đâm đầu vào ngõ cụt” như các cuộc đàm phán trong quá khứ, ông Trump tỏ ra tập trung và nỗ lực hơn để tạo nên mối quan hệ hợp tác với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhằm duy trì các kênh liên lạc mở và giảm căng thẳng.
Tổng thống Mỹ cũng nói ông không vội vàng trong quá trình phi hạt nhân hóa, đồng thời không hướng tới việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Chừng nào ông Kim Jong Un còn kiềm chế thử nghiệm tên lửa hoặc các vụ thử hạt nhân, Nhà Trắng sẽ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này như mục tiêu chính của chính sách đối ngoại.
Nhiều nguồn tin gần đây cho thấy Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang cân nhắc hồi sinh kế hoạch thời cựu tổng thống Bill Clinton nhằm trao đổi liên lạc viên với Bình Nhưỡng. Cuối cùng, bằng cách này, chính quyền Mỹ có thể chấp nhận Triều Tiên đóng cửa một số cơ sở hạt nhân, cùng với việc ông Kim cam kết sẽ không triển khai tên lửa hạt nhân hoặc phát triển thêm kho vũ khí.
Giới ngoại giao Mỹ coi tất cả những động thái này là kỳ quặc. Họ coi đây rõ ràng là hành động đầu hàng của Washington trước mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Các chuyên gia cũng lo lắng về những bình luận “màu hồng” của tổng thống Mỹ dành cho quan hệ giữa ông và người đồng cấp Triều Tiên.
Nhà Trắng có thể chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân nếu Bình Nhưỡng không thử nghiệm hoặc sử dụng các loại vũ khi này. Ảnh: KCNA. |
Dĩ nhiên, phi hạt nhân hóa là mục tiêu tốt hơn cả, nhưng với kinh nghiệm một phần tư thế kỷ tìm cách giải quyết vấn đề Triều Tiên, Washington hiểu rõ không có cách nào để đạt được mục tiêu này. Thay vì cố gắng thay đổi hoàn toàn Triều Tiên đến mức độ hoàn hảo, ông Trump đang định nghĩa lại vấn đề Triều Tiên, đánh cược rằng cách tiếp cận của mình sẽ giúp tình hình trở nên ổn định hơn. Phong cách ngoại giao cá nhân của ông Trump thực sự liều lĩnh, nhưng chính quyền Mỹ có thể cũng phải kết luận rằng không có lựa chọn nào khả thi hơn để đối phó với Triều Tiên.
Chính sách của ông Trump chứa đựng nhiều rủi ro đáng kể. Nếu được đưa vào thực tế mà không chỉ là lý thuyết suông, việc từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa sẽ giảm thiểu vị thế của Mỹ. Tệ hơn nữa, cái giá phải trả cho mối quan hệ mới chắc chắn là việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, giúp ông Kim Jong Un củng cố chế độ ở Triều Tiên.
Thông điệp cho Washington
Sắp tới, Tổng thống Trump sẽ phải cẩn trọng trong việc xoa dịu Triều Tiên, thay vào đó vừa phải sử dụng mối quan hệ cá nhân để tiếp cận ông Kim Jong Un, vừa phải tìm kiếm cơ hội giảm thiểu mối đe dọa từ nước này.
Đầu tiên, ông Trump cần làm rõ Washington vẫn giữ vững chính sách răn đe. Việc chấp nhận thực tế rằng Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân không có nghĩa Mỹ sẽ bỏ qua hoặc cho phép Triều Tiên sử dụng những vũ khí này. Thông điệp đưa ra rất đơn giản: ông Kim có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ sẽ phản ứng quân sự nếu Bình Nhưỡng sử dụng chúng.
Tổng thống Trump cũng cần đảm bảo việc Mỹ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ không phá hủy chính sách an ninh của nước này ở khu vực Đông Bắc Á. Cho tới khi Bình Nhưỡng không còn là mối đe dọa đối với Seoul, hoặc Seoul quyết định không còn muốn liên minh phòng thủ với Mỹ, ông Trump mới có thể cân nhắc rút quân đội nước này khỏi Hàn Quốc.
Nhà Trắng cũng không thể từ bỏ ưu tiên ngoại giao đối với Trung Quốc. Thay vào đó, do ông Kim rõ ràng có mong muốn tận dụng khoảng cách chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump cũng nên cân nhắc lợi dụng quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Mỹ hiện vẫn triển khai lực lượng quân đội tại quốc gia đồng minh Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Hơn nữa, Washington cần phải đảm bảo với đồng minh Nhật Bản rằng Mỹ vẫn giữ vững chính sách răn đe mở rộng. Việc ngăn chặn Tokyo sở hữu vũ khí hạt nhân là chìa khóa để duy trì thế cân bằng hạt nhân mới ở Đông Á. Dù mối quan hệ Mỹ – Hàn có thay đổi như thế nào, liên minh Mỹ – Nhật vẫn phải là nền tảng cho cam kết của Washington đối với sự ổn định trong khu vực.
Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Triều Tiên khong sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói suông nếu không đi vào thực tế. Với những thất bại trong quá khứ, cuộc cách mạng đầy rủi ro của Tổng thống Trump có thể mang lại kết quả bất ngờ.
Các phương án thay thế có thể chỉ dẫn tới những vòng đàm phán không hồi kết, cho ông Kim thêm nhiều thời gian nhưng không mang lại bất kỳ triển vọng thành công thực tế nào.