Tuy nhiên, khác hẳn cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm hào hứng năm 2003, một sự kiện chưa có tiền lệ, để đưa tài tử phim hành động, người gốc Áo, Arnold Schwarzenegger, trở thành thống đốc, cuộc chiến bãi nhiệm năm 2021 chìm dần trong sự phục hồi hoạt động kinh tế khi tiến trình chích ngừa được thúc đẩy mạnh mẽ tại California trong sáu tháng vừa qua, theo nhật báo Los Angeles Times.
Giáo Sư Dan Schnur, giảng dạy chính trị học truyền thông tại đại học USC và UC Berkeley, nhận xét hóm hỉnh: “Chỉ có loạt phim ‘The Godfather’ là ngoại lệ, các phim khác đều có những phần tiếp theo không hay như ban đầu.”
“Không giống như lần bỏ phiếu bãi nhiệm trước vào năm 2003, một sự kiện chưa có tiền lệ.”
Có tất cả 41 ứng cử viên nộp các thủ tục cần thiết và hợp lệ để ra tranh cử nếu cử tri California đồng ý truất phế Thống Đốc Newsom.
Nhưng trên thực tế, nhóm người bảo thủ thuộc đảng Cộng Hòa muốn bãi nhiệm ông Newsome đối diện một khó khăn khi các con số thăm dò cho thấy những người ủng hộ vị thống đốc Dân Chủ nhiều hơn 22% so với phía đối lập.
Đó là chưa kể, nhà lãnh đạo California nhận được sự đóng góp lên tới hơn $28 triệu, nhiều hơn hết tất cả các số tiền mà những đối thủ quyên góp.
Với lợi thế đương nhiệm, Thống Đốc Newsome tiến hành nhiều biện pháp giúp nâng sự ủng hộ cho mình như tài trợ $600 tiền kích thích kinh tế cho hàng triệu cư dân và chương trình xổ số “chích ngừa” với những giải thưởng lớn lao lên đến $1.5 triệu.
Tuy nhiên, tình thế có thế khó khăn hơn cho ông Newsom nếu dịch bệnh gia tăng trở lại với các biến chủng mới, như Delta, có thể làm dân chúng phản ứng khi các nhà y tế quận hạt phải ban hành các biện pháp chống truyền nhiễm.
Nhưng đồng thời, khí thế của những người bảo thủ phản đối các chính sách cách ly để chống dịch đã giảm đi rõ rệt trước những thành công của chiến dịch chích ngừa, và nền kinh tế dần dần khôi phục.
Đặc biệt, luận điệu bài xích các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan như đeo khẩu trang và cách ly ở mức độ toàn quốc của cựu Tổng Thống Donald Trump chìm dần khi ông bước ra khỏi Toà Bạch Ốc ngày 20 Tháng Giêng để lại tàn tích vài trăm ngàn người Mỹ chết vì dịch COVID-19, mà chính nhà tỷ phú cũng phải nhập viện để chữa trị. (MPL) [kn]