Trước bầu cử Mỹ 2016, Nga bàn cách gây ảnh hưởng ông Trump qua các cố vấn

Washington (New York Times) – Thông tin tình báo Hoa Kỳ thâu thập được hồi mùa hè năm ngoái tiết lộ, các viên chức chính trị và tình báo cao cấp của Nga đã bàn cách gây ảnh hưởng ông Donald Trump thông qua các cố vấn của ông ta, theo các viên chức Mỹ thông thạo thông tin tình báo.

Phía Nga tập trung vào Paul Manafort – Chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump vào thời điểm đó – và ông Michael T. Flynn – viên Tướng giải ngũ làm cố vấn của ông Trump. Cả hai người này đều có những mối quan hệ thân thiết với các viên chức Nga nên có thể hữu dụng trong việc hình thành những quan điểm về Nga cho ông Trump.

Một số viên chức Nga khoe khoan mối quan hệ thân thiết với ông Flynn, số khác thì bàn làm thế nào có được mối quan hệ với Viktor F. Yanukovych – cựu Tổng thống Ukranine đang sống lưu vong ở Nga và là người có mối quan hệ chặt chẽ với ông Manafort.

Những thông tin này đủ tin cậy để các cơ quan tình báo chuyển sang cho FBI, cơ quan mở cuộc điều tra mối quan hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga. Cho đến nay, cả ông Manafort và Flynn đều phủ nhận, không có bất cứ thông đồng với Nga để can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Paul Manafort – Chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump. Photo Courtesy: The news York times

Tại phiên điều trần ngày hôm qua, John O. Brennan – cựu Giám đốc CIA – cho biết, ông không rõ liệu có thông đồng giữa hai bên hay không nhưng có chứng cớ tình báo cho thấy Nga muốn lợi dụng các cố vấn vận động tranh cử của ông Trump nhằm can thiệp vào bầu cử.

Trước khi tham gia vào ban vận động tranh cử của ông Trump hồi tháng 5 năm ngoái, ông Manafort có hơn một thập niên làm việc cho những tổ chức chính trị thân Nga và những người ở Ukraine, trong đó có cựu Tổng thống Yanukovych, và ông Yanukovych là một đồng minh của Putin. Vì những mối quan hệ này, và số tiền khổng lồ nhận từ đảng chính trị của Yanukovych, ông Manafort buộc phải rời khỏi ban vận động tranh cử vào tháng 8 năm ngoái,

Trong khi đó, mối quan hệ giữa ông Flynn với Nga bắt đầu từ khi ông còn làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội vào những năm 2012 đến 2014. Vào lúc đó, ông Flynn thúc giục Mỹ nên xem Nga là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, thậm chí ông ta còn có mặt tại trụ sở cơ quan tình báo quân đội Nga GRU 1 ngày vào năm 2013. Thậm chí, ngay sau khi Moscow chiếm Crimea, Flynn vẫn nhấn mạnh Nga có thể là đồng minh của Mỹ. Và chính vì lý do này mà chính quyền Obama đẩy ông khỏi vị trí lãnh đạo cơ quan Tình báo Quân đội.

Về cá nhân thì ông Flynn còn thân Nga hơn nữa. Vào năm 2015, ông được các công ty có dây mơ rễ má tới Nga trả hơn $65.000 Mỹ kim, trong đó có cả công ty vận tải hàng không dính liú tới vụ hối lộ của các viên chức Nga tại Liên Hiệp Quốc và một công ty chuyên về an ninh mạng ở Mỹ có mối quan hệ với các cơ quan tình báo Nga.

Ông Flynn được RT – hệ thống truyền hình của Kremlin – trả $45.000 Mỹ kim cho bài diễn văn tại Moscow và sự hiện diện tại buổi tiệc tối, ngồi bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông Flynn đã không khai những khoản thu nhập này trong đơn xác nhận an ninh trước khi vào Toà Bạch Ốc.

Các viên chức Mỹ cũng cho biết, vào ngày 29 tháng 12, ngay sau khi Đại sứ Nga Sergey I. Kislyak bị Hoa Kỳ triệu tập để thông báo việc trục xuất 35 nhân viên ngoại giao và áp đặt các lệnh trừng phạt khác vì đã can thiệp vào bầu cư Mỹ, đã có nhiều cuộc điện đàm giữa ông Flynn và Kislyak. Băng nghe lén do Mỹ cài đặt cho thấy ông Flynn bảo Nga đừng nên phản ứng, chờ cho đến khi ông Trump nhậm chức thì quan hệ hai bên sẽ được cải thiện.

Hương Giang (Theo New York Times)

Leave a Reply