TTO – Mê số đề dẫn đến nợ nần chồng chất, người phụ nữ ấy đã xuống tay giết người cướp tài sản, đẩy con cái và người thân vào cảnh khốn cùng…
Tại phiên tòa sơ thẩm, do bị cáo mới sinh con hơn 2 tháng nên được hội đồng xét xử cho phép ngồi để trả lời. Nhìn người phụ nữ cúi đầu khóc trong suốt phiên xử, khó ai có thể ngờ đây là con người từng có hành vi mất nhân tính khi giết chết một cụ già…
Túng quá hóa liều
Theo hồ sơ vụ án, do mê số đề dẫn đến nợ nần không có khả năng trả nợ nên Trần Thị Ngọc Ngà (39 tuổi) cùng chồng và 2 con nhỏ bỏ quê ở Cần Thơ đến xã Hòa Phú, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) thuê nhà trọ và sống bằng nghề bán chuối chiên.
Trong thời gian buôn bán, Ngà quen và tiếp cận bà Bùi Thị Tám (71 tuổi), bán rau cải ngoài chợ, vì nghĩ thế nào bà Tám cũng tích cóp được một số tiền dưỡng già.
Vợ chồng bà Tám sống với nhau trong căn nhà nhỏ, không con cháu lui tới. Những lần ông Tám đi vắng, Nga tìm đến nhà bà Tám tìm cơ hội trộm tiền nhưng không thành.
Rồi một lần, Ngà nhìn thấy trong túi bà Tám có nhiều tiền nên quyết định ra tay. Ngà ghì bà Tám xuống rồi nhấn đầu vào chậu nước cho đến khi bà không còn cử động. Ngà lục túi nạn nhân lấy trên 12 triệu đồng…
Chủ tọa thẩm vấn: “Bà Tám đã trên 70 tuổi nhưng vẫn ráng bán rau chắt mót từng đồng để lo chuyện hậu sự sau này. Trong khi đó bị cáo còn trẻ lại có sức khỏe, tại sao nhẫn tâm giết chết bà cụ để cướp tiền?”.
Bị cáo cho rằng do tiền bán chuối chiên lời mỗi ngày khoảng 100.000 đồng, trong khi đó tiền ăn uống, thuê nhà trọ, tiền trả nợ số đề vây bủa nên cuộc sống rất túng bấn khiến bị cáo phải đem cầm sổ hộ khẩu và CMND trên 10 triệu đồng.
Bị cáo cần tiền chuộc lại giấy tờ để làm giấy khai sinh cho con đi học nên mới tính chuyện trộm tiền, chứ không hề có ý định giết chết nạn nhân…
Chủ tọa truy tiếp: “Số tiền bị cáo nợ bao nhiêu, do đâu mà nợ?”. Bị cáo run giọng: “Bị cáo nợ 200 triệu đồng do trước đây làm thầu đề…”.
Chủ tọa: “Nếu thiếu tiền thì bàn bạc với chồng hoặc mượn cha mẹ, người thân chứ sao lại tính chuyện đi ăn cắp?”.
Bị cáo ấp úng: “Cha mẹ bị cáo đã trả nợ cho bị cáo nhiều quá nên không dám xin nữa. Bị cáo cũng không dám bàn bạc với chồng, sợ ảnh tưởng bị cáo vẫn còn đánh số đề sẽ ly dị bị cáo”.
Nghe vậy chủ tọa nghiêm giọng: “Vậy khi bà cụ xỉu, bị cáo chỉ cần lấy tiền, đâu phải giết chết bà cụ? Bị cáo lúc đó đang mang thai 7 tháng, không nghĩ đến con mình sao?”. Bị cáo ấp úng: “Lúc đó bị cáo hoảng loạn, rồi sợ mọi người phát hiện nên mới hành động như vậy”.
Chủ tọa phân tích: “Bị cáo có thấy cách giải quyết bằng cách đi từ sai lầm này đến sai lầm khác đã gây ra hậu quả khốc liệt không? Lý ra bị cáo đừng mê cờ bạc thì đâu vướng nợ. Trót vướng nợ thì tìm cách khắc phục chứ sao lại đi cướp của, giết người như thế?”.
Bị cáo òa khóc rồi quay xuống xin gia đình nạn nhân rộng lượng tha thứ. “Con xin gia đình bác Tám tha thứ cho con. Sau khi đi tù con sẽ ráng làm để trả nợ, chuộc lại phần nào lỗi lầm con đã gây ra với gia đình bác…”.
Chủ tọa ôn tồn nói với gia đình bị hại: “Có xin giảm án, tha thứ cho bị cáo không?”. Phía đại diện gia đình bị hại yêu cầu xử đúng pháp luật bởi cho dù bị cáo có hối hận cũng không làm bà Tám sống lại…
“Giá như mẹ đừng mê đề…”
Giờ nghị án, Ngà xin công an làm nhiệm vụ dẫn giải ra dãy ghế đá trước cửa phòng xử cho đứa con gần 3 tháng tuổi bú. Khi gây án, Ngà mang bầu được 7 tháng nên chỉ bị tạm giam thời gian ngắn, sau đó được tại ngoại để sinh con.
Chồng Ngà đưa 3 con nhỏ đến theo dõi phiên tòa nhưng không được vô phòng xử. Ngà vừa cho con bú vừa khóc. Người phụ nữ nghèn nghẹn: “Mẹ xin lỗi con, giá như mẹ đừng mê số đề, đừng phạm tội thì con đâu ra nông nổi. Lần này mẹ ở tù lâu lắm, không thể chăm sóc con được…”.
Tòa tuyên bị cáo 26 năm tù về 2 tội danh “giết người” và “cướp tài sản”, đồng thời tuyên buộc bị cáo phải bồi thường trên 113 triệu đồng cho gia đình bị hại. Do bị cáo có con nhỏ nên được cho về sắp xếp chuyện gia đình rồi thụ án sau.
Phiên tòa bế mạc, mọi người lục tục kéo về. Ngà bước nặng nề theo chồng cùng các con xuống sân tòa. Ngang qua dãy ghế đá, Ngà ngồi bệt xuống ôm mặt khóc.
Đứa con nhỏ còn ẵm ngửa trên tay giật mình khóc thét. Hai đứa còn lại, đứa 9 tuổi, đứa hơn 4 tuổi chưa biết chuyện nên vô tư đùa giỡn, chạy nhảy quanh sân tòa.
Chồng Ngà nắm tay vợ thở dài mà chẳng biết khuyên nhủ gì. Từ ngày vợ vướng tội rồi sinh con, một mình anh đi bán vé số, thiếu trước hụt sau, cuộc sống khó khăn trăm bề.
Rồi đứa con lớn nghỉ học, đứa giữa cũng không được đến lớp mẫu giáo như bao trẻ khác. Giờ gánh thêm số tiền bồi thường trên 113 triệu đồng, tiền đâu lo nổi.
Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dự khán thở dài, giá như Ngà đừng mê số đề thì có thể sẽ không gây cái chết cho người vô tội, đẩy mình vào vòng lao lý, người thân rơi vào cảnh khốn cùng…
Từ ngày vợ mất, ông Hồ Thanh Phương (84 tuổi) sống thui thủi một mình trong căn nhà trống vắng. Tuổi già, cộng thêm nỗi đau mất người bạn đời đã khiến ông không còn thiết sống. Ông thổ lộ mấy chục năm qua, vợ chồng già sướng khổ có nhau. Ông trồng rau, rồi chở ra chợ cho vợ bán. Tuy vất vả nhưng ấm nồng hạnh phúc, khi vợ chồng cùng chung tay lo đàn con khôn lớn. Rồi con cái ra riêng, trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại đôi vợ chồng già bầu bạn bên nhau. Ông kể chưa bao giờ dùng bữa một mình, giờ cô độc nên ông không thiết tha chuyện ăn uống. Đến bữa ăn ông chỉ quơ vài đũa rồi ngưng. Buồn ông uống rượu rồi cười khóc một mình, tự dằn vặt do sức khỏe xuống dốc, đi đứng chậm chạp, cộng thêm bệnh lãng tai rất nặng nên khi vợ bị giết, ông ngồi trước cửa nhà không hay, không cứu kịp. |
MINH TÂM