17 ngày chiến đấu với tử thần của cô thợ may Bangladesh

Reshma Akhter, cô thợ may được cứu sau 17 ngày bị vùi dưới đống đổ nát của tòa nhà cao tầng bị sập, tồn tại trong một khoảng không nhỏ bên cạnh các thi thể đang phân hủy của đồng nghiệp.

Ảnh: AP
Reshma Akhter, cô thợ may 18 tuổi sống sót sau 17 ngày bị giam dưới đống đổ nát do nhà sập ở Bangladesh, trên giường bệnh. Ảnh: AP

Trong nhiều ngày liền, những tiếng gọi của lực lượng cứu hộ mong tìm người sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà Rana Plaza đều không được hồi đáp. Nhưng đến ngày 10/5, một giọng nói yếu ớt của một cô gái bất ngờ vang lên: “Cứu tôi”, mở màn cho một cuộc giải cứu thần kỳ.

Reshma Akhter, một thợ may 18 tuổi, được đào ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà, nơi hơn 1.000 người bị chết. Cô tồn tại trong một khoảng trống với đủ nước và thức ăn để giành lại sự sống sau thảm họa.

Cô gái thanh mảnh đã dành nhiều ngày kêu gọi sự cứu giúp từ đội cứu hộ mà không được nghe thấy. “Tôi liên tục dùng gậy đập vào đống đổ nát chỉ để thu hút sự chú ý của họ. Nhưng chẳng ai nghe thấy tôi cả. Tình cảnh thật tồi tệ với tôi. Tôi đã tưởng sẽ không còn được thấy ánh mặt trời thêm một lần nữa”, Akhter nói trong một cuộc phỏng vấn trên giường bệnh.

Hàng trăm người bị đè dưới hàng nghìn tấn bê tông khi tòa nhà 8 tầng sập hôm 24/4. Trong tòa nhà có 5 xưởng may, khiến vụ việc trở thành thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong ngành công nghiệp may mặc toàn cầu.

Khi tòa nhà bắt đầu sập xuống, Reshma Akhter đang làm việc trên tầng hai, trong nhà máy dệt may New Wave, nơi sản xuất quần áo cho Primark và Bonmarch, hai hãng bán lẻ giá rẻ ở Anh. Cô vội vã chạy ra ngoài xuống theo cầu thang, nhưng nhanh chóng phát hiện ra rằng cô đã mắc kẹt trong một khoảng trống được tạo nên từ các trụ nhà đổ.

Tòa nhà Rana Plaza còn có trong nó một khu dịch vụ, với những cửa hàng bán đồ tạp hóa và nhà hàng, vì vậy có thể lý giải được về việc thức ăn và đồ uống vẫn trong tầm với của người bị mắc kẹt.

Ba đồng nghiệp của Akhter cũng mắc kẹt cùng cô trong đống đổ nát. Nhưng tất cả đều đã chết trong nhiều ngày và có thể là nhiều tuần sau đó. Akhter trải qua những ngày cuối cùng trong cảnh bị giam cầm cạnh thi thể đang phân hủy của họ.

Akhter cho biết khi hết nước uống, cô phải uống nước mưa và nước rỏ xuống từ vòi cứu hỏa người ta phun vào tòa nhà để dập lửa.

Và cuối cùng tiếng kêu cứu của cô đã được nghe thấy. Jamal Sheikh, một nhân viên cứu hộ tình cờ nghe thấy tiếng cô khóc vào lúc 3 giờ chiều ngày 10/5. Trước đó, trong nhiều ngày, anh và các cộng sự đã chẳng tìm thấy gì ngoài các thi thể, và nghĩ rằng nhiệm vụ của họ đã chuyển sang từ cứu người sống sót sang dọn dẹp 7.000 tấn đất đá còn lại của Rana Plaza.

“Sau tiếng khóc là một tiếng thét: ‘Giúp tôi, cứu tôi với'”, Sheikh nhớ lại. “Tôi đã hỏi có ai ở trong đống đổ nát đó không và rồi ai đó, một cô gái, đã trả lời”. Chiến dịch giải cứu cô gái kéo dài trong 40 phút, và người ta đã phải khoan một lỗ đặc biệt để lôi cô khỏi đống đổ nát.

Ảnh: AFP
Đội cứu hộ mất 40 phút để đưa cô gái ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: AFP

Sheikh nói rằng hành động đầu tiên của cô gái là xin ăn. Cô đã cạn sạch đồ ăn từ cách đó hai ngày. Nhưng điều lạ là cô xuất hiện trong bộ váy khá sạch sẽ. Khi được hỏi về lý do vì sao Akhter thoát khỏi đống đổ nát trong trang phục sạch sẽ, Gen Suhrawardy, người chỉ đạo công cuộc cứu hộ cho biết cô đã thay quần áo của người đồng nghiệp đã chết khi ở dưới đống đổ nát. “Cô ấy đã thay đồ ở trong. Bộ váy cô mặc trong tòa nhà và bộ váy cô mặc khi ra khỏi đó không phải là một”, ông nói.

Lúc cô được đưa ra xe cứu thương để tới bệnh viện, hàng chục nhân viên cứu hộ đã cùng nhau cầu nguyện cho cô, dưới sự dẫn dắt của một người đàn ông cầm loa pin.

Chỉ khi ở trên giường bệnh, Akhter mới nhoẻn cười yếu ớt trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình và nhận điện thoại từ Thủ tướng Sheikh Hasina. Qua điện thoại, bà thủ tướng nói với Akhter rằng sự sống sót của cô là “một kỳ tích phi thường”. Akhter chỉ đáp lại rằng cô vẫn khỏe và xin thủ tướng cầu nguyện cho cô.

Trước đó, gia đình Akhter tưởng con mình đã chết. Cha mẹ và các em cô đã thông báo việc cô bị mất tích với Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo, một nhóm tình nguyện địa phương, và còn dành nhiều ngày để tới các bệnh viện, nhà xác, nhằm tìm hiểu về số phận con họ.

Ngày qua ngày, số người chết từ vụ tai nạn lại tăng lên vùn vụt, từ chưa đầy 200 người trong 24 giờ đầu tiên lên mốc 1.045 người, và số phận của những người mất tích dần trở nên rõ ràng.

Khi tổ chức từ thiện gọi tới báo cho mẹ Akhter biết rằng con bà vẫn còn sống, bà đã sốc tới mức phải được đưa vào viện điều trị. Chủ nhà của Akhter cho biết cô mới làm ở nhà máy New Wave được vài tuần sau khi bị chồng bỏ.

Em gái của Akhter, Asma nói với một đài truyền hình địa phương rằng gia đình đã cầu nguyện kể từ vụ sập Rana Plaza, nhưng họ đã dần trở nên tuyệt vọng. “Chúng tôi đã có lại chị ấy trở về khi tất cả đều đã không còn hy vọng tìm thấy chị ấy sống sót”, cô nói. “Thượng đế thật nhân từ”.

Trọng Giáp (Theo Telegraph)

Leave a Reply