Sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1, nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ đề xuất phế truất ông Trump trước ngày 20/1 – thời điểm nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, theo CNN.
Các lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng việc ông Trump tiếp tục nắm quyền trong hơn 1 tuần cuối là quá rủi ro.
Mặt khác, họ cũng muốn ngăn cản ông tái tranh cử, điều tổng thống hoàn toàn có thể làm nếu kết thúc nhiệm kỳ theo cách thông thường.
Ông Adam Kinzinger, một nghị sĩ Cộng hòa, là người đầu tiên đề xuất phế truất Tổng thống Trump sau vụ biểu tình ở Điện Capitol.
Tại cuộc họp chiếu lệ với không đầy đủ thành viên Hạ viện hôm 11/1, phe Dân chủ cùng lúc công bố 2 nghị quyết.
Nghị quyết đầu tiên nhằm thúc giục Phó tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 nhằm tước quyền của ông Trump – nó nhanh chóng bị phe Cộng hòa chặn bước đầu.
Với nghị quyết thứ hai, phe Dân chủ đề nghị tiến hành luận tội tổng thống vì kích động bạo lực.
Bên cạnh hai cách trên, nhiều lời kêu gọi hướng đến các quan chức trong chính quyền và lãnh đạo quân đội không tuân theo mệnh lệnh của tổng thống.
Tu chính án 25
Tu chính án 25 được Thượng nghị sĩ Birch Bayh đề xuất năm 1963, sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Tu chính án này được phê chuẩn vào năm 1967.
Nội dung Tu chính án 25 xoay quanh quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống sang phó tổng thống khi người đứng đầu Nhà Trắng không thể tiếp tục nhiệm vụ. Ba mục đầu của tu chính án quy định về trường hợp một tổng thống từ chức, chết hoặc bị bệnh, mất năng lực tạm thời.
Mục 4 của Tu chính án 25 đưa ra quy trình để phó tổng thống và đa số quan chức đứng đầu các cơ quan hành pháp – ở đây thường được hiểu là nội các – tuyên bố rằng tổng thống “không thể thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của mình nhưng không tự nguyện từ chức”.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 8/1 cho biết bà muốn tổng thống từ chức hoặc nội các sẽ kích hoạt Tu chính án 25 để tước quyền của ông Trump.
Trong kịch bản đó, Phó tổng thống Pence và các quan chức Mỹ cần chứng minh được ông Trump không còn đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Khi đó, ông Pence sẽ trở thành tổng thống tạm quyền.
Tu chính án 25 cũng cho phép quốc hội có quyền quyết định. Khi đó, cần ít nhất 2/3 ý kiến tán thành tại lưỡng viện để phế truất ông Trump.
Trong cả hai kịch bản trên, lợi thế đều thuộc về tổng thống đương nhiệm. Bởi lẽ tất cả thành viên nội các đều do ông Trump đề cử, họ sẽ không dễ dàng chấp thuận đề xuất viện dẫn điều 4 trong Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump, theo Wall Street Journal.
Luận tội lần 2
Ngoài Tu chính án 25, Tổng thống Trump cũng có thể bị phế truất thông qua quá trình luận tội ở Hạ viện và xét xử ở Thượng viện.
Ông Trump đã bị luận tội một lần, mặc dù ông ấy được Thượng viện tha bổng. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ilhan Omar cho biết bà đang soạn thảo các điều khoản mới về việc luận tội Tổng thống Trump vì đã gây ra cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1 vừa qua.
Hạ nghị sĩ Ilhan Omar đã thông báo sẽ công bố 2 điều khoản luận tội ông Trump trong ngày 11/1, gồm: “lạm dụng quyền lực để thay đổi kết quả bầu cử ở Georgia” và kích động bạo lực để tìm cách “đảo chính chống lại đất nước”.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng nói sẽ thúc đẩy luận tội nếu ông Trump không từ chức. Phe Dân chủ đã công bố nghị quyết buộc tội tổng thống “kích động nổi dậy” vào ngày 11/1.
Có khả thi không?
Thượng nghị sĩ Birch Bayh – “cha đẻ” của Tu chính án 25 – từng viết rằng việc xác định liệu tổng thống có thể tiếp tục nhiệm vụ hay không là trở ngại lớn nhất trong việc thực thi Tu chính án 25 này.
“Một khi tổng thống đương nhiệm tuyên bố: ‘Tôi khỏe và có thể tiếp tục nhiệm vụ’, phó tổng thống và nội các chỉ có thể phản đối khi tổng thống bị tâm thần”, ông Bayh viết.
“Bệnh tâm thần là lý do khả dĩ nhất để viện dẫn điều 4 trong Tu chính án 25”, vị nghị sĩ nói.
Do đó, dù Tu chính án 25, về lý thuyết, là phương án giúp phế truất ông Trump nhanh nhất, khả năng áp dụng điều này trong tình hình hiện tại vẫn là dấu hỏi lớn.
Mặt khác, khả năng cuộc luận tội ông Trump dường như đang tăng lên theo từng giờ theo ông McConnell – thượng nghị sĩ bang Kentucky. Tuy nhiên, cũng theo ông McConnell, phiên luận tội ông Trump tại Thượng viện nhiều khả năng “chỉ có thể bắt đầu sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã kết thúc”.
Lý do là vì thượng viện bị hoãn lại đến ngày 19/1, và lễ nhậm chức của Biden là vào ngày hôm sau. Vì vậy, việc loại bỏ ông Trump khỏi chức vụ trước ngày mãn nhiệm sẽ không xảy ra.
Đảng Dân chủ đã đe dọa sẽ luận tội ông Trump ngay cả sau khi ông rời chức. Dù vậy, việc luận tội chỉ được thông qua tại Thượng viện khi ít nhất 2/3 số thượng nghị sĩ có mặt đồng ý. Nếu đề nghị luận tội không đạt đủ số phiếu nêu trên, tổng thống sẽ được tha bổng.
Trong bối cảnh hiện nay, đảng Dân chủ cần sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa để có thể luận tội ông Trump thành công.