3 câu hỏi lớn trong vụ Email của bà Clinton

Có lẽ chưa có kỳ bầu cử nào thách đố cử tri Mỹ như lần này. Họ phải lựa chọn giữa một ứng cử viên đảng Cộng hòa có phong cách đầy gây hấn, khó đoán và một ứng viên đảng Dân chủ đang dính líu vào bê bối luật pháp.

Ba câu hỏi lớn trong vụ bê bối email của bà Clinton
Bà Hillary Clinton vận động trong nhóm đồng giới ở TP Wilton Manors, bang Florida ngày 30-10 – Ảnh: Reuters

Việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố khả năng điều tra thêm về các email mới phát hiện liên quan ứng viên Hillary Clinton được truyền thông Mỹ xếp vào dạng “những bất ngờ của tháng 10” quen thuộc trong các kỳ bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên vì lần này là cuộc tranh cử được đánh giá là dữ dội và căng thẳng nhất tại Mỹ trong hàng chục năm qua nên lá thư của giám đốc FBI James Comey được ví chẳng khác “quản bom chính trị” thảy vào lò lửa.

Cho đến giờ thông tin từ ông Comey vẫn được xem là mù mờ và chính vì sự mù mờ này khiến dư luận đặt quá nhiều dấu hỏi về nó.

Cũng có thể nhìn theo một góc khác là “quả bom chính trị” này đang khiến cuộc đua vào Nhà Trắng ở Mỹ thêm phần khốc liệt và khó đoán khi khoảng cách giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump “co giật” liên tục mà mới nhất là đã giảm lại với 45% cho bà Clinton và 41,6% cho ông Trump theo những kết quả công bố mới nhất (nhưng trước khi có vụ lá thư của giám đốc Comey).

Trong buổi vận động tranh cử tại Miami và Fort Lauderdale, ở bang Florida vào ngày 30-10, bà Hillary Clinton đã tuyên bố trong một hộp đêm dành cho giới đồng tính: “Chúng ta không thể để cho bị phân tâm vì những thông tin nhiễu trong môi trường chính trị. Chúng ta cần phải thể hiện sự tập trung”.

Tuy nhiên các thành viên của ban tranh cử của bà Clinton trong khi đó tìm cách tấn công trở lại đối với giám đốc James Comey. Ông John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Clinton, tuyên bố trên đài CNN: “Đây là một hành động chưa từng có tiền lệ, không tuân theo chính sách nào của Bộ Tư pháp, dù là dưới thời đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa”.

Ông John Podesta còn tố cáo giám đốc FBI đã “bỏ ngoài tai lời khuyên của các quan chức cao cấp thuộc Bộ Tư pháp” bằng cách nhắc lại rằng Bộ Tư pháp (FBI trực thuộc bộ này) có truyền thống “không can thiệp vào bầu cử và cũng không ở thời điểm 11 ngày trước bầu cử”.

Có ba câu hỏi cần được đặt ra.

1. Quyết định của giám đốc FBI có mang tính chính trị?

Quả thực giám đốc FBI James Comey đã có một lựa chọn liều lĩnh, cũng có thể là ngẫu nhiên, khi dính líu vào cuộc đối mặt vốn đã quá căng thẳng trong thời gian qua ở vào thời điểm sát ngày bỏ phiếu chính thức.

Có thể ông ấy không có lựa chọn nào khác, như cách ông ấy biện hộ, bằng việc phải công bố thông tin mà “cử tri có quyền được biết”.

Nhưng rõ ràng là ngôn từ của ông ấy sử dụng trong lá thư gửi hai viện Quốc hội đã khiến gây ra ngờ vực. Trong thư ông ấy nhấn mạnh đến việc “không thể đánh giá được tầm quan trọng” của những phát hiện mới (cả ngàn email) cũng như liệu các “chứng cứ mới” này có thích đáng để làm thay đổi quyết định đã công bố hồi tháng 7 vừa qua là “không truy tố” bà Hillary Clinton liên quan việc sử dụng email không đúng qui cách hồi làm Ngoại trưởng.

Kiểu sử dụng ngôn từ “mù mờ” như thế thực ra là cách làm quen thuộc của cơ quan điều tra Mỹ: âm thầm điều tra rồi công bố kết quả tìm kiếm của mình.

Nhưng cũng có thể thấy, giám đốc Comey hoàn toàn hiểu được công bố của ông chẳng khác nào sự “đóng dấu” chứng duyệt cho phát ngôn gần đây của ứng viên Donald Trump về sự “thối nát” của đối thủ Hillary Clinton dù ông ấy không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho ngôn từ của mình.

Ở vị trí của mình, ông Comey không phải không hiểu được chính trường Mỹ. Lá thư của ông chính là “lá bài” tồn tại của ông: ứng viên Trump vốn từng mô tả ông Comey cũng “thối nát” như các chính trị gia đương nhiệm khác, nay đã quay sang tâng bốc tính cách tốt đẹp của ông giám đốc FBI; bà Clinton, nếu được bầu vào Nhà Trắng, cũng sẽ không thể loại bỏ ông mà không bị lên án là trả thù.

2. Ứng viên Donald Trump có thể “lật ngược thế cờ”?

Theo thăm dò của báo Washington Post công bố hôm 28-10 (ngày truyền thông đưa tin về lá thư của James Comey), ông Trump chỉ còn cách bà Clinton có 2 điểm (45% so với 47%).

Lá thư của James Comey trở thành động lực cho ông Trump tấn công đối thủ mạnh mẽ hơn (và cũng giúp cho dư luận Mỹ quên đi những vụ lùm xùm trước đó liên quan đến ông). Nó giúp ông đẩy mạnh lập luận kết tội bà Clinton chẳng khác nào “trùm băng nhóm tội phạm”.

Vấn đề hiện nay là liệu “quả bom chính trị” trên có trễ quá không. Hơn 10 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm và số cử tri “chưa quyết định” nay cũng đã giảm đi nhiều. Các thăm dò dư luận cho thấy những cử tri ủng hộ ông Trump hoặc bà Clinton đều đã “có kết luận” của riêng mình trong vụ bê bối email của cựu Ngoại trưởng Clinton. Người ủng hộ ông Trump thì tin rằng bà Clinton không xứng đáng lãnh đạo đất nước, còn người ủng hộ bà Clinton thì nghĩ đó là “lỗi lầm có thể tha thứ”, nhất là trong hoàn cảnh nếu không thì “ông Trump sẽ giành chiến thắng”.

Về mặt lý thuyết, công bố hôm 28-10 của James Comey chỉ gây xáo trộn không nhiều. Nhưng cũng cần biết rằng các tỉ lệ thăm dò luôn có phần “sai số” và bài học về chuyện bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (Brexit) ở Anh là rất sát sườn về chuyện các thăm dò chưa chắc phản ánh đúng thực tế.

Ba câu hỏi lớn trong vụ bê bối email của bà Clinton
Người ủng hộ ông Trump “chào đón” bà Hillary Clinton khi bà đến thăm một điểm bỏ phiếu sớm ở Pompano Beach, bang Florida ngày 30-10 – Ảnh: Reuters

3. Bà Hillary Clinton có thực sự bị ảnh hưởng?

Vụ bê bối email, thoạt đầu bị xem như một sai sót kỹ thuật tầm thường đối với người không quá giỏi về mạng, nay rõ ràng như “viên sỏi trong giầy” bà Clinton. Cách xử trí ban đầu của bà đối với vấn đề này cũng không quyết liệt và thành khẩn khiến nó trở thành điểm yếu để đối thủ khai thác.

Ông Trump đặc biệt nhấn mạnh vào chuyện hủy 33.000 email của bà Clinton để tố cáo nó như “trọng tội cấp liên bang” để từ đó ông công khai ý tưởng “bà Clinton phải vào tù”.

Có thể thấy rằng sau ngày 8-11, bất kể kết quả bầu cử thế nào thì bà Hillary Clinton vẫn chưa thể thoát ra dễ dàng vụ bê bối email.

Nếu bà vào được Nhà Trắng, thì những người bên đảng Cộng hòa, đang kiểm soát Hạ viện, và có thể là Thượng viện sắp tới, sẽ không để yên cho Tổng thống bên Dân chủ. Chuyện đó có thể dẫn đến tiến trình “luận tội” bà trước Quốc hội như chồng bà, Tổng thống Bill Clinton, từng bị trong vụ bê bối liên quan nữ sinh thực tập Monica Lewinsky.

Nếu ông Donald Trump vào Nhà Trắng, rất nhiều khả năng ông ấy sẽ làm chuyện mà ông ấy đã tuyên bố trong quá trình tranh cử là bổ nhiệm một thẩm phán đặc biệt để tính chuyện “đưa bà ấy vào tù”.

Leave a Reply