98 người Việt có tên trong danh sách Panama Papers

Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố toàn bộ Hồ sơ Panama cho mọi người trên toàn thế giới có thể xem.

Theo đó có 98 người Việt có tên trong danh sách cá nhân hoặc công ty là quản lý công ty bình phong hoặc là trung gian giúp khách hàng thành lập công ty bình phong.
Việc công bố toàn bộ tài liệu trong vụ Panama Papers có nghĩa là mọi thông tin về 320.000 công ty bình phong trên toàn thế giới có liên kết với công ty luật Mossack Fonseca đều có thể được truy cập tại trang web của ICIJ.

Theo danh sách của ICIJ, có tới 189 cá nhân và tổ chức tại Việt Nam có tên trong danh sách là quản lý công ty bình phong hoặc là trung gian giúp khách hàng thành lập công ty bình phong. Tuy nhiên chỉ có 98 người trong số trên thực sự là tên của người Việt, phần còn lại là tên các cá nhân nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc.

Cùng với đó, ICIJ cũng công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ ở Việt Nam (chủ yếu là tại Hà Nội và TP.HCM).

19 công ty hải ngoại có liên quan đến các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh, chỉ có 1 công ty trong số đó là đặt tại Panama.

Quần đảo British Virgin nằm trong vùng biển Caribe, phía nam Haiti, được xem là thiên đường thuế lớn nhất do luật lệ thành lập doanh nghiệp rất thoáng nên được giới giàu có chọn là nơi tẩu tán tài sản lẫn rửa tiền.

Một số công ty trong 19 công ty tại hải ngoại này đã hoàn toàn dừng hoạt động trước khi hồ sơ được công bố khá lâu. 185 địa chỉ ở Việt Nam, cũng có nhiều địa chỉ là địa chỉ “ma” ví dụ như địa chỉ 186 đường Nguyễn Tri Phương, phường 4, quận 10, TP.HCM thực tế lại là một đại lý vé số.

Panama Papers gồm 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu mật bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm từ năm 1977 đến tháng 12.2015. Những thông tin đầu tiên của những tài liệu mật này đã được công bố vào ngày 4.4 và đã gây chấn động toàn cầu.

Hồ sơ này tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới, trong đó có liên quan đến 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia như gia đình và cộng sự. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).

Liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu này, nhiều chính trị gia đã gặp rắc rối và thậm chí phải từ chức. Các nạn nhân lớn của Panama Papers cho tới thời điểm này là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria khi cả hai ông đều phải từ chức.

Mặc dù thành lập các công ty ở nước ngoài không phạm pháp, nhưng nhiều cá nhân giàu có bị ngờ là đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác.

Thiên Hà

Leave a Reply