Áp lực học đường ở Mỹ, mối lo ngại của nhiều gia đình gốc Á châu

WESTMINSTER, California (NV) – Thời gian qua, người dân Little Saigon bàng hoàng trước chuyện một học sinh trung học gốc Việt treo cổ tự tử, mà theo thư em để lại là do áp lực học đường và một phần cũng do sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ. Sự kiện này đưa đến câu hỏi, áp lực học đường có dẫn đến trầm cảm và tạo suy nghĩ tiêu cực cho học sinh hay không?

Đây là điều đáng lo ngại không chỉ cho cộng đồng Việt Nam hoặc tại các nước Á Châu, mà nó cũng là một vấn đề nghiêm trọng tại Hoa Kỳ.

Thống kê từ Hiệp Hội Child Trends ghi nhận, tỷ lệ học sinh trung học có ý định tự tử chiếm 14% năm 2009, và tăng lên 18% năm 2015. Đối với sinh viên đại học, ghi nhận mới nhất từ Hiệp Hội American Psychological Association cho biết, tỷ lệ sinh viên từng có ý định tự tử vào năm 2010 chỉ chiếm 24%, nhưng vào năm 2014 lại tăng đến 30%.

Đối với cha mẹ và những ai làm trong ngành giáo dục, đây là một điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, ít ai biết được sự thật đằng sau điểm trung bình GPA 4.0 và những gì các em phải đánh đổi để đạt được số điểm ấy.

Mơ ước nghề nghiệp là quyền của các em

Kết quả học vấn là điều rất được chú trọng trong nhiều gia đình, nhất là tại các gia đình gốc Á Châu. Thế nên, cha mẹ tập trung thời gian và tiền bạc cho việc học vấn con em mình và thậm chí, phụ huynh còn mướn gia sư riêng nhằm giúp con mình đạt kết quả học tập hạng giỏi và xuất xắc.

“Do ba mẹ bắt buộc, nên các em không mấy hào hứng khi gia sư đến,” bà G.N, một gia sư làm việc cho Tutoradmin tại thành phố West Covina và Rowland Heights, cho biết. “Các em muốn dành thời gian ở nhà để vui chơi, xem truyền hình hoặc ra ngoài chơi với bạn bè hơn là dành hai đến ba tiếng học cùng gia sư.”

Vị gia sư nói thêm, “Cha mẹ nào cũng muốn con mình thành công. Nhưng những gia đình gốc Á Châu thường hướng con em họ đến những trường danh giá như UCLA, UC Berkley, Havard và NYU vì muốn con họ trở thành bác sĩ, luật sư hoặc những ngành nghề cao cấp khác. Nhưng, các bậc phụ huynh lại quên đi mơ ước nghề nghiệp và nguyện vọng trường học của các em.

Khi được hỏi nhìn nhận của mình về nguồn gốc áp lực học tập, bà G.N, cho biết, “Nguyên nhân của áp lực học đường không chỉ từ các bậc phụ huynh, mà còn từ truyền thông và xã hội khi nhồi nhét những suy nghĩ và quan niệm về việc đạt kết quả học tập xuất sắc nhằm kiếm việc làm tốt với mức lương cao vì đó là ‘định nghĩa’ của thành công. Thế nên, áp lực học đường được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau.”

Áp lực học đường, mối lo ngại của nhiều gia đình gốc Á châu
Nhiều phụ huynh mướn gia sư riêng hoặc đưa con đi học phụ đạo nhằm giúp các em đạt kết quả học tập tốt hơn. (Hình minh họa: Sean Gallup/Getty Images)

Thời gian đâu cho tuổi thơ?

Một trong những nguyên nhân khiến áp lực học đường dẫn đến bệnh trầm cảm cho học sinh là vì các em không còn nhiều thời gian tận hưởng tuổi thơ của mình.

Em Johnny Nguyễn, một học sinh tại trường Garden Grove High School, cho biết, “Có hôm về nhà, em về phòng ngủ ngay vì quá mệt.”

Johnny là một ví dụ điển hình khi em luôn bận rộn với những hoạt động trong và ngoài trường. Johnny tâm sự rằng em cảm thấy lượng bài tập về nhà quá nhiều khiến em không còn thời gian rảnh cho bản thân.

“Sau khi đi học về, em được ba mẹ đưa đến trung tâm dạy kèm để họ giúp em hiểu bài và làm bài tập tốt hơn. Em cũng phải tham gia các khóa luyện thi SAT vì cần phải chuẩn bị vào đại học. Cuối tuần, em cũng được ba me cho đi học thêm võ thuật nên thời khóa biểu của em rất bận rộn. Nếu lượng bài tập về nhà có thể giảm bớt, thì em mới có dư ít thời gian cho mình,” Johnny nói.

Johnny cũng cho biết rằng em cảm thấy rất may mắn vì không bị cha mẹ đặt áp lực học tập lên bản thân, “Ba mẹ em có quan trọng về điểm số nhưng cũng không quá gắt gao về việc ấy. Nhưng vì bạn bè xung quanh học giỏi, nên em tự tạo áp lực cho chính em để có thể phấn đấu vượt lên họ.”

Trong khi đó, bà Thu Lê, phụ huynh có con theo học tại trường Saddleback High School cảm thấy lo ngại trong việc hiểu về tâm lý con cái.

“Tôi rất sợ trường hợp mình không lường trước được tâm lý của con. Đôi khi vấn đề ngôn ngữ cũng là rào cản để giao tiếp với các cháu, vì mình nói chuyện bằng tiếng Việt với con, mà con lại trả lời bằng tiếng Anh, nên tôi rất sợ có lúc mình không hiểu rõ con và con không muốn chia sẻ nỗi lòng với mình,” bà Thu nói.

Bà Thu cho biết có con đang học lớp mười hai, chuẩn bị vào đại học, nên bà rất lo lắng về tình hình sức khỏe lẫn tâm lý của con.

“Tôi cho con đi học phụ đạo vì muốn tốt cho nó thôi. Gần đây nghe một số người tự tử vì áp lực học tập khiến tôi cũng lo lắng theo,” bà nói. “Tôi hi vọng học khu và phía nhà trường sẽ có những chương trình cho phụ huynh để biết thêm về bệnh trầm cảm và chúng tôi có thể làm gì để giảm bớt những ý nghĩ tiêu cực cho con mình. Như vậy, cả nhà trường và phụ huynh sẽ giúp các em phát triển tốt hơn.”

Sự giúp đỡ từ học khu

Nhằm đối phó với tình trạng nhiều học sinh bị tự kỷ, trầm cảm và suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tự tử, Học Khu Garden Grove đã thành lập chương trình Cal-Well, một chương trình chuyên giúp các em gặp khó khăn về mặt tinh thần.

“Học Khu Garden Grove cam kết chăm sóc sức khỏe sinh viên, trong đó bao gồm việc cung cấp nhiều hỗ trợ cho các nhu cầu xã hội, tình cảm của học sinh,” phát ngôn viên của Học Khu Garden Grove, bà Abby Milone, nói.

Bà Milone cũng cho biết thêm về việc học khu có những chuyên gia tâm lý và cố vân trung học để giúp học sinh bị căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Các chuyên viên này có thể tư vấn trực tiếp, cung cấp thông tin về sức khỏe tinh thần và đề cập đến những dịch vụ từ thành phố và chính phủ có thể giúp ích cho các em. Được biết, ngoài những chuyên viên trên, học khu cũng mướn những công ty tư nhân, qua chương trình Thông Tin Sức Khỏe Tâm Lý tại Trường Học (SBMH), nhằm cung cấp 25,000 tiếng mỗi năm để tư vấn tâm lý cho các em tại 66 trường của học khu.

Ngoài ra, học khu còn cung cấp thông tin về khủng hoảng tinh thần đến những ai trong ngành giáo dục về những phương pháp giúp đỡ các em và tổ chức ngày hội thông tin về sức khỏe tâm lý nhằm giảm căng thẳng học đường và “xóa” suy nghĩ tiêu cực như tự tử.

Khi được hỏi về những bước tiếp theo của học khu Garden Grove, bà Milone cho biết, “Chúng tôi đang dự tính thành lập một hiệp hội chuyên giúp các em về sức khỏe tinh thần. Chúng tôi sẽ chú trọng về các phần: Phòng ngừa – học khu sẽ hướng dẫn các em cách cân bằng cảm xúc và loại trừ suy nghĩ tự tử, can thiệp – bảo đảm các em nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết, và sau can thiệp – các học sinh từng gặp vấn đề sức khỏe tinh thần vẫn nhận được sự giúp đỡ thiết yếu và tạo cơ hội cho các em phục hồi.”

Leave a Reply